Thứ sáu, 20/09/2024 - 05:06

Hiệu quả từ khoản đầu tư tài chính của Tổng công ty Thép Việt Nam vào Liên doanh IBC

Trong quá trình hợp tác đầu tư, Tổng công ty Thép Việt Nam (Vnsteel) đã để lại “dấu ấn” thành công khi liên doanh với Công ty Liên doanh thương mại quốc tế IBC.

Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận thanh tra về cổ phần hóa doanh nghiệp. Qua kết luận, trong công tác cổ phần hóa của Tổng công ty Thép Việt Nam (Vnsteel) nổi lên điểm sáng về khoản đầu tư tài chính dài hạn vào Liên doanh Trung tâm thương mại quốc tế (IBC). Theo đó, ngày 14/3/1995, Ủy ban Nhà nước về hợp tác và Đầu tư cấp Giấy phép đầu tư số 1169/GP cho Công ty Liên doanh thương mại quốc tế (IBC) (Công ty liên doanh giữa Vnsteel với Posco engineering & Construction Co., TID Hàn Quốc) đầu tư xây dựng tòa nhà văn phòng tại số 34 Lê Duẩn, quận 1, TP Hồ Chí Minh, vốn đầu tư là 77.846.590 USD; vốn pháp định là 23.353.977 USD.

Hiệu quả từ khoản đầu tư tài chính của Tổng công ty Thép Việt Nam vào Liên doanh IBC
Tòa nhà Diamomd Plaza đã cho thấy hiệu quả trong đầu tư tài chính của Tổng công ty Thép Việt Nam - Ảnh TCCT

Trong đó, bên Việt Nam (Vnsteel) góp 40% tương ứng 9.341.591 USD (giá trị quyền sử dụng 6.146 m2 đất tại số 34 đường Lê Duẩn, quận 1, TP Hồ Chí Minh, thời gian 40 năm là 5.408.480 USD, giá trị tòa nhà trên thửa đất và tiền Việt Nam quy đổi). Bên nước ngoài góp 60% tương ứng 14.012.386 USD. Theo hợp đồng liên doanh, quá trình hoạt động, bên nước ngoài sẽ chuyển nhượng từng phần vốn pháp định của mình cho bên Việt Nam theo giá gốc để đến năm thứ 20 bên Việt Nam 50%, bên nước ngoài 50%; Khi kết thúc thời hạn hoạt động liên doanh, toàn bộ tài sản cố định của Liên doanh được chuyển giao không bồi hoàn cho bên Việt Nam. Dự án hoàn thành xây dựng tòa nhà 20 tầng, diện tích sử dụng 57.182 m, đi vào hoạt động từ tháng 4 năm 1999.

Trong khi đó, trên website có địa chỉ, https://vnsteel.vn/thuong-hieu-noi-bat/ibc.html đang giới thiệu vị trí số 34 Lê Duẩn là tòa nhà mang tên Diamomd Plaza. Đây là một khu phức hợp căn hộ, văn phòng và trung tâm thương mại hàng đầu tại thành phố Hồ Chí Minh. Tòa nhà có kiểu dáng thanh lịch này là sự kết hợp hài hòa giữa trung tâm thương mại sang trọng với các nhà hàng, quán cà phê, khu giải trí tiêu chuẩn nước ngoài phù hợp với nhiều phong cách cách sống.

Diamond Plaza được sở hữu bởi Công ty TNHH Trung tâm Thương mại quốc tế (IBC Co.,Ltd.) là một liên doanh giữa Tổng công ty Thép Việt Nam với 50% cổ phần (Việt Nam) và 50% cổ phần do Lotte Shopping Holdings (Singapore) đóng góp.

Tòa nhà bao gồm khu căn hộ dịch vụ cao cấp với 39 căn hộ và Văn phòng cho thuê hạng A được khai trương vào năm 1999, tiếp theo sau đó Trung tâm Thương mại Diamond được mở cửa đón khách vào năm 2000.

Thanh tra Chính phủ cho biết, khi cổ phần hóa Vnsteel, việc xác định giá trị vốn đầu tư của Vnsteel tại IBC thực hiện theo Nghị định số 109/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ (phương pháp tài sản), tại thời điểm 01/01/2010 thì giá trị vốn đầu tư dài hạn của Vnsteel tại IBC được Tư vấn VVFC xác định theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán là 164.439,1 triệu đồng (tăng 60.137,1 triệu đồng so với giá trị sổ sách kế toán); đến thời điểm 30/9/2011. Kiểm toán AASC đánh giá lại là 260.289,6 triệu đồng (so với kết quả xác định để CPH tăng 95.850 triệu đồng).

Theo báo cáo của IBC, lợi nhuận Vnsteel được chia từ 2009-2017 là 25.135.584 USD và 261.978,6 triệu đồng, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu từ năm 2009 đến 2017 so với phần lớn các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam là rất cao (bình quân 30,13%), nguyên nhân chính do có lợi thế vị trí kinh doanh thuận lợi.

Hiệu quả từ khoản đầu tư tài chính của Tổng công ty Thép Việt Nam vào Liên doanh IBC
Tòa nhà Diamond Plaza - Ảnh Tổng công ty Thép Việt Nam

Đáng chú ý, khoản đầu tư còn có thỏa thuận khi kết thúc thời hạn hoạt động liên doanh (còn 14 năm sau thời điểm thanh tra), IBC sẽ bàn giao không bồi hoàn toàn bộ tài sản cố định của IBC cho Vnsteel thì lợi ích tương lai thuộc về Vnsteel. “Tuy nhiên, thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa Vnsteel, quy định hiện hành về việc xác định giá trị các khoản đầu tư ra ngoài doanh nghiệp nhất là đối với các trường hợp đầu tư góp vốn bằng quyền sử dụng đất chưa đảm bảo xác định được sát giá thị trường, cấp có thẩm quyền cần bổ sung phù hợp”- Thanh tra Chính phủ cho biết.

Từ thực tế trên, Thanh tra Chính phủ cho rằng, trường hợp Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tiến hành thoái vốn tại Vnsteel hoặc Vnsteel thoái vốn tại IBC, thì SCIC cần đề xuất phương pháp tính giá khởi điểm đảm bảo phản ánh đầy đủ giá trị lợi thế kinh doanh, vị trí đất đai và tiềm năng phát triển của Vnsteel trong đó có yếu tố lợi thế của Vnsteel sẽ được nhận lại toàn bộ tài sản Liên doanh không bồi hoàn khi hết thời hạn liên doanh, để tối đa hóa lợi ích nhà nước đầu tư tại Vnsteel.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất Quý I/2023 của Vnsteel tính đến ngày 31/3/2023, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hơn 64 tỷ đồng. Đồng thời, Vnsteel có các khoản đầu tư góp vốn vào công ty liên doanh, liên kết là hơn 2847 tỷ.
 
Lượt xem: 8
Tin liên quan