Thứ sáu, 22/11/2024 - 20:02

Nhiều doanh nghiệp ở Đà Nẵng giảm nhân công, giờ làm

Một số DN phải giảm hoạt động sản suất, giảm nhân công, không tăng ca, thậm chí giảm giờ làm và cho công nhân nghỉ luân phiên.

 

Ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới và dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều DN ở miền Trung gặp nhiều khó khăn. Thời điểm cuối năm nhưng tại nhiều DN, hàng tồn kho nhiều, không có đơn hàng mới, lãi suất tăng cao, không nhập được nguyên vât liệu… 

Đang thời điểm cuối năm nhưng hoạt động tại Nhà máy ống thép Hòa Phát, ở Khu Công nghiệp Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng khá vắng vẻ. Trong các phân xưởng chỉ khoảng 10 công nhân làm việc cầm chừng.

nhieu doanh nghiep o Da nang giam nhan cong, gio lam hinh anh 1

Nhà máy ống thép Hòa Phát cũng bị tồn kho rất lớn.

Ông Bùi Tấn Hữu, Giám đốc Nhà máy ống thép Hòa Phát cho biết, hiện nay trong kho còn khoảng 12.000 tấn thép, tương đương công suất sản xuất trong gần 1 tháng. Trong tháng 10 và 11 này, nhà máy phải giảm khoảng 60% công suất hoạt động. Nhà máy bố trí cho 520 công nhân làm việc cầm chừng và nghỉ luân phiên, nhưng vẫn cố gắng đảm bảo thu nhập cho công nhân.

 

“Áp lực lớn nhất của nhà máy bây giờ là công việc của cán bộ, công nhân viên, làm sao cho họ có thu nhập ổn định để gắn bó với DN. Công nhân thất nghiệp nhiều, số lượng lớn không có thu nhập họ sẽ bỏ công ty. Chính sách bảo hiểm xã hội công ty vẫn bảo đảm 100% khi cho công nhân nghỉ luân phiên hưởng 50% lương cơ bản và phụ cấp nhà ở, xăng xe vẫn đảm bảo cho công nhân có thu nhập”, ông Hữu cho biết.

Nhiều nhà máy, xí nghiệp ở Khu Công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng cũng đang cố gắng điều chỉnh công việc, duy trì chế độ luân phiên làm việc và không áp dụng tăng ca do hàng tồn kho nhiều.

Tại Công ty TNHH Bao bì Tân Long, ở Khu Công nghiệp Hòa Khánh, DN cho tạm ngừng sản xuất do hết đơn hàng để tổng vệ sinh lại các phân xưởng sản xuất, đồng thời điều chuyển bớt công nhân những bộ phận không có việc làm sang các bộ phận khác. DN cũng đang nỗ lực để công nhân duy trì việc làm và thu nhập.

“Những năm trước đây từ tháng 9 - 11 công ty tăng ca rất nhiều, đơn hàng làm không kịp, nhiều lúc làm 5h sáng đến 10h đêm. Nhưng năm nay công nhân chỉ làm từ 8 - 9 tiếng là nghỉ. Công ty vẫn đảm bảo lương thưởng cho công nhân, ổn định đời sống”, anh Nguyễn Đức Thành, công nhân Công ty TNHH Bao bì Tân Long chia sẻ.

Những tháng cuối năm nay, hầu hết các DN sản xuất mặt hàng xuất khẩu như thép, da dày, may mặc và thủy sản đều bị sụt giảm đơn hàng, khó khăn trong nhập khẩu nguyên liệu. Nhiều DN tồn kho phải hạn chế sản xuất, thậm chí cắt giảm nhân công.

nhieu doanh nghiep o Da nang giam nhan cong, gio lam hinh anh 2

1/2 nhân công ở Nhà máy ống thép Hòa Phát nghỉ luân phiên.

Khó khăn hiện nay của các DN là tìm kiếm thị trường xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm, xử lý lãi suất cho vay tăng, giá cả nguyên vật liệu cũng tăng lên kéo chi phí sản xuất lên cao. Bên cạnh đó, vào thời điểm cuối năm, ngoài việc chi trả lương, các khoản bảo hiểm xã hội, các DN còn phải lo tiền thưởng và các khoản phúc lợi cho người lao động nên càng thêm khó khăn.

Ông Nguyễn Công Tiến, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng cho biết, chính quyền sẽ luôn đồng hành cùng DN.

“Ban quản lý đã có những chia sẻ đồng hành cùng DN. Đối với những trường hợp công nhân bị cho thôi việc, Ban phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng như hướng dẫn DN thực hiện đúng các chế độ theo quy định của pháp luật đối với người lao động. Ngoài ra, đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền, Ban sẽ có báo cáo UBND thành phố”, ông Tiến cho biết./.

Lượt xem: 29
Tác giả: Thành Long/VOV-Miền Trung
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật