Sản xuất tiêu thụ nông sản hữu cơ: Doanh nghiệp còn đơn độc
Để nông sản hữu cơ Việt Nam có thêm tên tuổi, thương hiệu trên thị trường thế giới, nông dân và nhà sản xuất cần nắm bắt tốt cơ hội, đồng thời rất cần sự hỗ trợ hiệu quả hơn từ các cơ quan chức năng.
Doanh nghiệp cần nông dân đồng hành
Công ty TNHH Măng Tây Xanh miền Trung sản xuất sản phẩm nước măng tây, trà măng tây và bột măng tây. Đây là những sản phẩm mới, đạt tiêu chuẩn HACCP. Qua tham gia Hội chợ và Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam 2022 (Vietnam Foodexpo 2022) vừa qua tại TP.HCM, DN đã kết nối với 5 hệ thống cửa hàng phân phối thực phẩm sạch ở TP.HCM và nhiều khách hàng nước ngoài.
Thị trường ngày càng mở rộng, DN cần số lượng hàng hóa nhiều hơn và đây cũng là cơ hội để phát triển, mở rộng vùng nguyên liệu ở huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Vì vậy, DN rất cần ngành chức năng hỗ trợ nông dân về kỹ thuật. Bà Đỗ Dương Đông Phương- Giám đốc Công ty TNHH Măng Tây Xanh miền Trung kiến nghị: “Vùng đất này đã có sẵn, giờ những bước DN cần làm là đi tìm thị trường, cơ hội để người dân đồng hành cùng DN phát triển. Bởi vì phải có người dân đồng hành cùng DN mới phát triển bền vững, DN cũng mong cơ quan chức năng hỗ trợ DN và nông dân trồng đạt các tiêu chuẩn chất lượng của hữu cơ”.
Theo Bộ NN&PTNT, tính đến nay đã có 57/63 tỉnh, thành phố phát triển NNHC. Năm 2021, diện tích đất NNHC đạt trên 174.000ha, tăng 47% so với năm 2016, đứng thứ 9/10 nước có diện tích đất NNHC lớn nhất châu Á. Nghiên cứu của ngành chức năng cho thấy, doanh số bán lẻ sản phẩm hữu cơ là thực phẩm và đồ uống hữu cơ trên toàn cầu năm 2020 đạt doanh số 129 tỷ USD, đến năm 2021 tăng lên 188 tỷ USD và trong năm nay ước đạt 208 tỷ USD. Thị trường sản phẩm hữu cơ đang được các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan… rất quan tâm. Sản phẩm NNHC đang là xu thế tiêu dùng hiện nay, đặc biệt là sau dịch bệnh Covid-19, người tiêu dùng chú ý hơn tới sản phẩm tốt cho sức khỏe.
Ông Lại Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Thế giới Hạt Dưỡng (HANUTI) cho biết, DN đang sản xuất các loại hạt đậu theo tiêu chuẩn Organic và có thị trường tiêu thụ ổn định tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Vừa qua, DN đã kết nối được thêm nhiều khách hàng ở TP.HCM và doanh nghiệp châu Âu, Nhật Bản. “Công ty xác định thị trường NSHC là thị trường tương lai. DN cũng muốn đi tắt đón đầu để đặt viên gạch đầu cho thị trường sản phẩm hữu cơ của Việt Nam”, ông Thanh bày tỏ.
Mới chỉ là nỗ lực của DN
Tính đến nay, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm NNHC đạt 335 triệu USD/năm, xuất khẩu tới 180 nước trên thế giới, hơn 17.000 nhà sản xuất, 555 nhà chế biến, 60 nhà xuất khẩu NNHC… Theo Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch, trong 2 năm qua, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng kim ngạch xuất khẩu nông sản, thực phẩm của Việt Nam tăng trưởng tốt. Điều đó khẳng định, nền sản xuất nông nghiệp của đã bắt nhịp được với các yêu cầu của thế giới. Để nông sản hữu cơ Việt Nam có thêm tên tuổi, thương hiệu trên thị trường thế giới, nông dân và nhà sản xuất cần nắm bắt tốt cơ hội, đồng thời rất cần sự hỗ trợ hiệu quả hơn từ các cơ quan chức năng.
Bà Nguyễn Thị Thu Liên, Hiệp hội Thực phẩm minh bạch cho rằng, những kết quả đạt được mới chỉ là những nỗ lực tự thân của DN. Nền nông nghiệp chưa tạo được sức mạnh tổng hợp, chưa có sự cộng hưởng giữa chính sách nhà nước và sự cố gắng của DN. “Nhiều khi, Hiệp hội thấy những cố gắng của DN rất đơn độc trên đường tìm kiếm thị trường. Chúng ta đã hỗ trợ xúc tiến thương mại xong, sau đó phải xúc tiến sâu hơn hoặc có sự hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất của DN cũng như cách kinh doanh quốc tế thì họ mới vươn ra biển lớn được”, bà Liên nói.
Cơ hội cho DN sản xuất nông sản, thực phẩm sạch đã có, kể cả thị trường trong nước và quốc tế. Điều quan trọng là cần có sự hỗ trợ thiết thực, hiệu quả hơn của cơ quan chức năng để các DN đủ sức vươn ra biển lớn khẳng định thương hiệu nông sản hữu cơ Việt Nam cũng như phát triển thị trường rất tiềm năng trong nước./.