Grab "ăn dày" trên cả người tiêu dùng và mồ hôi, công sức tài xế
Phụ thu phí “thời tiết nắng nóng gay gắt” là loại phí mới nhất được Grab đẻ ra để “đánh” lên đầu người tiêu dùng khi đặt các cuốc xe GrabBike, GrabFood, GrabExpress tại nhiều tỉnh thành.
Không cần phải dài dòng mà có thể khẳng định ngay rằng, những loại phí cũ và mới (ngoài phí dịch vụ chính của Grab) đã gây ra nhiều hệ lụy đối với người tiêu dùng.
Người tiêu dùng sẽ phải chi trả nhiều hơn cho mỗi cuốc xe so với trước. Và tất yếu cũng kéo theo đó, Grab tận thu, thậm chí có thể nói là lạm thu giúp nguồn thu được nhiều hơn.
Còn sâu xa hơn, việc lạm phát các loại phí và phụ phí từ Grab rất dễ kích hoạt hoặc lan truyền làn sóng đẻ ra các loại phí mới trên thị trường xe ôm công nghệ cũng như thị trường ôtô công nghệ.
Còn nhớ năm 2016, Uber khi đó vừa mới vào thị trường Việt Nam chưa lâu, đã khởi xướng loại phí mới được gọi là phí ngập nước. Một cuốc taxi Uber khi đó bình thường với quãng đường khoảng 2km hành khách chỉ phải trả từ 20.000-30.000 đồng, song vào một số thời điểm, Uber tiến hành thu phụ phí ngập nước, cũng khoảng cách đó, hành khách phải trả nhiều gấp 4-5 lần.
Cũng khi đó, Uber với cái bóng rất lớn là hãng ứng dụng đặt xe toàn cầu, có thị phần số 1 thế giới, cho nên sau khi triển khai loại phí ngập nước tại Việt Nam khiến các đối thủ khác cũng kích hoạt thu loại phí này.
Đơn cử là sau đó không quá lâu, Grab cũng tiến hành thu loại phụ phí ngập nước, đẩy phí dịch vụ trên cùng một quãng đường cao hơn gấp 3-4 lần so với bình thường, đặc biệt là dịch vụ GrabCar.
Sau khi thâu tóm Uber khu vực Đông Nam Á, Grab chiếm thị phần thống lĩnh tại Việt Nam. Và cũng từ đó, mỗi khi Grab triển khai thu thêm những loại phí mới, cũng rất dễ khiến thị trường được kích hoạt loại phí đó trên diện rộng, như phụ phí chờ khách quá 5 phút, phí sử dụng ứng dụng, phí giờ cao điểm…
Có thể nói rằng, dịch vụ ứng dụng gọi xe hiện là một trong những thị trường đang phát sinh nhiều loại phí và phụ phí nhất, trong đó dẫn đầu chính là Grab với cả chục loại phí và phụ phí.
Trên thực tế, việc Grab "đẻ" ra quá nhiều loại phí và phụ phí khiến cho giá cả dịch vụ đặt xe bị “méo mó”.
Là bởi, rất nhiều loại phí được "đẻ" ra tính thẳng vào hóa đơn của khách hàng như giá cước dịch vụ. Tuy nhiên, nếu được cơ cấu vào giá ngay từ ban đầu thì tỉ lệ ăn chia theo đó cũng có lợi hơn cho các bác tài. Ngược lại thay vào đó, Grab dùng chiêu biến tướng thành phụ phí, các bác tài được hưởng chỉ một phần, hoặc có loại phụ phí bác tài không được hưởng.
Điều đó dẫn đến hệ lụy là các tài xế đang chịu cảnh giá xăng dầu tăng cao khiến thu nhập giảm xuống, thậm chí chạy không có ăn phải tắt app, bỏ nghề; trong khi đó, Grab “ngồi mát ăn bát vàng” thì vẫn “ký sinh” trên danh nghĩa phụ thu để hỗ trợ tài xế nhằm thu lợi, ăn dày.
Không chỉ ăn dày trên người tiêu dùng mà Grab còn ăn dày trên công sức, mồ hôi của những người thuộc tầng lớp lao động phổ thông là các tài xế phải dầm mưa dãi nắng kiếm sống nuôi gia đình, người thân và còn đang phải vật lộn với giá cả nhiên liệu leo thang.