Kiên quyết khắc phục tình trạng lãng phí nhà, đất công
Nếu không quản lý tài sản công là nhà, đất một cách có hiệu quả thì đồng nghĩa chúng ta đang sử dụng nguồn lực to lớn của quốc gia một cách lãng phí và cũng là khe hở cho nạn tham nhũng, biển thủ tài sản công...
Nguồn lực quan trọng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
Tài sản công được hiểu là những tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước. Nói rộng ra chúng thuộc sở hữu của toàn dân. Do vậy quản lý và sử dụng có hiệu quả tài sản công được coi là nghĩa vụ và trách nhiệm không chỉ đối với Chính phủ mà đối với tất cả các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, đơn vị và Nhân dân.
Tài sản công chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản của mỗi quốc gia (theo ước tính của các chuyên gia, tổng giá trị tài sản công của mỗi quốc gia thông thường bằng 4 lần GDP của quốc gia đó). Đây là nguồn lực quan trọng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, nâng cao vị thế quốc gia trong quan hệ quốc tế. Thông lệ quốc tế cho thấy, khai thác tốt hơn một đồng từ tài sản công sẽ giúp giảm vay nợ, hạn chế đánh thuế một đồng tương ứng.
Tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm triển khai, bỏ hoang tránh lãng phí tài sản công (Ảnh minh họa) |
Tuy nhiên, quá trình quản lý, khai thác, sử dụng tài sản công luôn tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, tiêu cực, bởi: Bản chất tài sản công là sở hữu chung, vì là của chung nên thường nảy sinh quan niệm “không phải của mình”, “cha chung không ai khóc”. Vì vậy, nếu không nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể được giao quyền quản lý, sử dụng, không hoàn thiện hệ thống thể chế, pháp luật, không gắn với kiểm tra, giám sát thường xuyên, chặt chẽ thì tất yếu nảy sinh tham nhũng, tiêu cực, “biến của công thành của tư”, biến tài sản nhà nước thành tài sản của cá nhân hoặc của một nhóm người.
Vấn đề quản lý tài sản công là một đề tài lớn, trong khuôn khổ bài viết này chỉ giới hạn bàn về vấn đề quản lý tài sản công là nhà, đất.
Khi công tác quản lý tài sản công thiếu chặt chẽ, đất đai, nhà xưởng, tài sản bị sử dụng lãng phí, thất thoát… sẽ làm giảm nội lực của nền kinh tế. Cùng với sự chuyển đổi nền kinh tế và xu thế hội nhập đòi hỏi phải thay đổi cơ chế chính sách về quản lý tài sản công là nhà, đất.
Là trung tâm đầu não về chính trị, hành chính, kinh tế, xã hội của cả nước, việc quản lý và sử dụng hiệu quả tài sản công là nhà, đất của Hà Nội “nóng” hơn các địa phương khác.
Sau một số vụ việc được dư luận phản ánh, Thường trực HĐND TP Hà Nội đã ban hành quyết định và triển khai việc tổ chức đoàn giám sát của HĐND TP giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước của thành phố.
Quyết liệt xử lý, sai ở đâu, sửa ngay ở đó
Ngay sau khi trực tiếp nghe báo cáo về những tồn tại xảy ra trong quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất tại một số đơn vị, ngày 27/6, Đoàn giám sát của HĐND TP Hà Nội do Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND TP về việc thực hiện các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà |
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà nhấn mạnh, lĩnh vực tài sản công là nhà, đất phạm vi quản lý rộng, giá trị rất lớn, hình thành qua nhiều thời kỳ, nhiều năm, nhiều chính sách ban hành. Vì vậy, đề nghị UBND TP chỉ đạo, ban hành chính sách, quy định quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất đảm bảo hiệu quả, khắc phục tình trạng quản lý thiếu chặt chẽ, gây thất thu cho nhà nước và khai thác chưa hiệu quả giá trị khối tài sản nhà nước này.
Trong đó, UBND TP cần rà soát, đánh giá lại mô hình hoạt động của Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, theo dõi sát nhiệm vụ giao cho công ty; Tiếp tục chỉ đạo các ngành tăng cường công tác quản lý, đặc biệt là với những tổ chức, cá nhân có vi phạm; Kịp thời xem xét, chỉ đạo giải quyết những vấn đề phát hiện qua kiểm tra, rà soát do các sở, ngành, đơn vị báo cáo, đề xuất, cần thiết phải chuyển cơ quan điều tra.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà cũng đề nghị UBND TP chỉ đạo, giao trách nhiệm sở, ngành cụ thể về xây dựng đơn giá thuê nhà; Tiếp tục chỉ đạo Sở Nội vụ và UBND các quận, huyện, thị xã xem xét, quyết định theo thẩm quyền hoặc tham mưu UBND TP rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân lực của cơ quan quản lý, tài sản công cùng cấp để đáp ứng nhu cầu nhân lực làm công tác chuyên môn về tài sản công cả về số lượng và chất lượng nhằm thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công.
Thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà đề nghị UBND TP cần đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong quản lý, sử dụng nhà, đất; Nâng cao hơn nữa hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công nói chung, tài sản công là nhà, đất nói riêng; Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra nhằm phát hiện kịp thời những sai sót, vi phạm trong quản lý, sử dụng, khai thác tài sản công là nhà, đất để kịp thời chấn chỉnh.
Kết quả giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước của thành phố Hà Nội sẽ được HĐND thành phố xem xét tại ngày làm việc thứ tư, kỳ họp thứ 7 - HĐND TP khóa XVI diễn ra vào ngày 8/7 tới đây, kì vọng TP sẽ đưa ra những quyết sách chu toàn hơn trong vấn đề này.