Thứ ba, 26/11/2024 - 17:43

Hãng bay IPP Air Cargo của ông Johnathan Hạnh Nguyễn chờ ngày cất cánh!

Được nhiều bộ, ngành, địa phương ủng hộ vì sẽ mang nhiều lợi ích cho nền kinh tế - xã hội, hãng hàng không IPP Air Cargo của ông Johnathan Hạnh Nguyễn đang rộng cửa cất cánh.

Hãng hàng không IPP Air Cargo là dự án mà ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn IPPG vô cùng tâm huyết và là nỗi trăn trở hàng ngày cho đến khi nó được cất cánh.

Vì sao một tỷ phú "tiền không thiếu" như ông Johnathan Hạnh Nguyễn lại trăn trở, bởi ngoài lợi ích cho doanh nghiệp, người lao động, ông còn muốn đưa Việt Nam vươn tầm quốc tế, sánh vai với các cường quốc và cũng bởi ông thấy sự lãng phí khi vận chuyển hàng hóa trên bầu trời ở Việt Nam đang để cho các hãng bay nước ngoài thâu tóm.

Trong đề án xin cấp phép IPP Air Cargo, mục tiêu của hãng bay này là cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa chuyên biệt và chất lượng cho khách hàng, góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành logistics Việt Nam phù hợp với các mục tiêu phát triển tổng thể và chiến lược chung phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Hãng bay IPP Air Cargo của ông Johnathan Hạnh Nguyễn chờ ngày cất cánh!

Máy bay IPP Air Cargo đã xuất xưởng vào tháng 8 và chuẩn bị bàn giao

Số lượng tàu bay khai thác của IPP Air Cargo trong năm đầu tiên là 5 tàu bay với hình thức thuê khô (thuê không có tổ bay) và tăng dần, đến năm thứ 5 sẽ khai thác 10 tàu bay. Chủng loại tàu bay sẽ đưa vào khai thác là B737/B777/A330 và các loại tàu bay tương đương.

Trải qua bao nhiêu công đoạn, thủ tục, có lẽ nhiều người cũng đang đếm từng ngày để thấy những chiếc máy bay chuyên chở hàng hóa của một hãng bay Việt cất cánh. Thực tế, IPP Air Cargo được nhiều bộ, ngành, địa phương ủng hộ vì sẽ mang nhiều lợi ích cho nền kinh tế - xã hội.

Mới đây, trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ liên quan đến việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không IPP Air Cargo, cả Bộ Công thương và Bộ Quốc phòng cũng đều nhận thấy sự cần thiết và đồng ý chủ trương cấp phép cho IPP Air Cargo thực hiện dịch vụ vận tải vận chuyển hàng không, đặc biệt thời điểm thị trường hàng không phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Trước đó, hồi tháng 3/2022, sau khi đánh giá phù hợp, Bộ Giao thông vận tải đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép cấp giấy phép bay cho hãng hàng không IPP Air Cargo.

Hãng bay IPP Air Cargo của ông Johnathan Hạnh Nguyễn chờ ngày cất cánh!

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn IPPG

Lý giải cho kiến nghị của mình, Bộ Giao thông vận tải cho biết, hiện nay tại thị trường vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không có 5 hãng hàng không Việt Nam khai thác vận chuyển hàng hoá kết hợp trên chuyến bay chuyên chở hành khách và chưa có hãng hàng không chuyên vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng.

Mặc dù hiện nay Việt Nam chưa có hãng hàng không chuyên vận chuyển hàng hóa bằng máy bay chuyên dụng. Trong khi đó đang có 29 hãng hàng không nước ngoài khai thác máy bay chuyên chở hàng hóa từ 16 quốc gia, vùng lãnh thổ đến Việt Nam.

Mặt khác, tại Quyết định số 318/QĐ - TTg ngày 4/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ thì sẽ phát triển đội tàu bay chở hàng hóa khoảng 8 - 10 chiếc. Như vậy, việc thành lập hãng hàng không chuyên biệt vận tải hàng khóa mà IPP Air Cargo đề xuất là phù hợp với các mục tiêu phát triển tổng thể và chiến lược chung phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Về phía nhà đầu tư, theo đại diện lãnh đạo Tập đoàn IPPG, doanh nghiệp đã xây dựng bộ máy với những con người cụ thể, có bằng cấp theo yêu cầu và có nhiều năm kinh nghiệm công tác ở các vị trí then chốt như an toàn chất lượng, an ninh, kỹ thuật, khai thác, đào tạo, mặt đất, thương mại, tài chính. Công ty cũng đã triển khai công tác tuyển dụng đội ngũ phi công, thợ kỹ thuật nhằm đảm bảo nguồn nhân lực cho hoạt động khai thác, máy bay cũng đã được xuất xưởng...

"Chúng tôi đã âm thầm chuẩn bị đầy đủ từ nhân lực đến vật lực, không chỉ phục vụ việc thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo mà còn xây dựng chuỗi liên hoàn trung tâm logistics bao gồm Công ty Bellazio Logistics cung cấp giải pháp công nghệ thông minh, hiện đại nhất để quản lý kho hàng... tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp logistic sẽ được giải phóng hàng nhanh với các thủ tục đơn giản, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước", ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ.

Một minh chứng khác cho quá trình chuẩn bị vô cùng bài bản là việc Tập đoàn IPPG đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Wagner về việc phát triển tuyến đường bay của IPP Aircargo để vận chuyển hàng hóa trực tiếp giữa sân bay Toowoomba Wellcamp tại Bang Queensland (Úc) và sân bay Đà Nẵng, nhằm xây dựng và phát triển “hành lang thương mại” giữa Việt Nam và Úc.

Với những điều trên, IPP Air Cargo chỉ còn chờ ngày được cất cánh và ngày đó có lẽ không còn xa!

Lượt xem: 193
Tác giả: Hậu Lộc
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật