Thứ tư, 13/11/2024 - 05:38

Thương mại điện tử thúc đẩy dòng chảy hàng hóa, dịch vụ và hỗ trợ doanh nghiệp

Thương mại điện tử thúc đẩy kinh tế số, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Hà Nội tìm kiếm cơ hội kinh doanh hiệu quả trong thời đại công nghệ số.

Sáng 8/11, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo “Sáng tạo ứng dụng số trong thương mại điện tử”.

Hội thảo nhằm đẩy mạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số phát triển thị trường, quảng bá sản phẩm công nghệ số Made in Việt Nam. Đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội kết nối với doanh nghiệp công nghệ số trong quá trình chuyển đổi số nói chung của doanh nghiệp và phát triển thương mại điện tử, giao dịch điện tử xuyên biên giới, hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm, hàng hóa nói riêng; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số cho thành phố Hà Nội

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng chia sẻ: “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực làm chủ công nghệ đi ra toàn cầu. Phát triển các doanh nghiệp công nghệ số để thúc đẩy đổi mới sáng tạo đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc hiện thực hóa các cơ hội, tiềm năng mà chuyển đổi số mang lại khi đưa được công nghệ số vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội, đến từng người dân.

Thương mại điện tử thúc đẩy dòng chảy hàng hóa, dịch vụ và hỗ trợ doanh nghiệp
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh Phương Cúc

Năm 2024, chủ đề chuyển đổi số quốc gia được Chính phủ xác định là “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột: công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”.

Trên cơ sở đó, trong tháng 6/2024, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch “Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025”. Với tinh thần “Chính quyền đồng hành - Doanh nghiệp hiến kế - Kinh tế phát triển”, thành phố Hà Nội xác định các mục tiêu và nhiều nhiệm vụ, giải pháp để phát triển các loại hình doanh nghiệp công nghệ số. Một trong những nhiệm vụ quan trọng đó là việc tạo tập thị trường cho doanh nghiệp công nghệ số.

Trong thời gian qua, các cơ quan của thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số phát triển thị trường, thúc đẩy tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; tổ chức các hoạt động, sự kiện kết nối để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ số giới thiệu, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công nghệ số và tham gia vào quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp khác trên địa bàn thành phố.

Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Lê Nam Trung cho biết, thương mại điện tử toàn cầu đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ và được dự báo sẽ tiếp tục phát triển trong những năm tới. Năm 2024, tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử toàn cầu ước đạt 6,3 nghìn tỷ USD, tăng 17% so với năm 2023.

Thương mại điện tử thúc đẩy dòng chảy hàng hóa, dịch vụ và hỗ trợ doanh nghiệp
Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông Lê Nam Trung khẳng định, thương mại điện tử là một lĩnh vực đầy tiềm năng, góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế số. Ảnh Phương Cúc

Tại Việt Nam, thương mại điện tử cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, trung bình 20 - 25% một năm. Năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam đạt 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD (tương đương 25%) so với năm 2022. Trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu trên các sàn thương mại điện tử đạt hơn 227 nghìn tỷ đồng, tăng gần 38% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo, năm 2025, tổng doanh thu trong lĩnh vực thương mại điện tử sẽ tăng lên 39 tỷ USD, chiếm xấp xỉ 70% giá trị nền kinh tế số Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Theo Báo cáo New E-Commerce của Bain & Company nhận định, trong thời gian tới, thương mại điện tử Việt Nam sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Theo đó, đến năm 2026, Việt Nam sẽ là thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, với tổng giá trị hàng hóa thương mại điện tử ước đạt 56 tỷ USD. "Do đó, thương mại điện tử là một lĩnh vực đầy tiềm năng, góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế số, thúc đẩy dòng chảy hàng hóa và dịch vụ, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hà Nội tìm kiếm cơ hội sản xuất, kinh doanh hiệu quả trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và sự lan tỏa của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Để khai thác thác tối đa cơ hội từ lĩnh vực này, doanh nghiệp Hà Nội cần áp dụng công nghệ toàn diện và hiệu quả nhằm giải quyết được các bài toán đặc thù trong các lĩnh vực thương mại điện tử", ông Lê Nam Trung chia sẻ.

Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, đại diện các doanh nghiệp cũng đã giới thiệu nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội như: Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực thương mại điện tử và bài học kinh nghiệm quốc tế từ VMO; Tăng trưởng bền vững với chiến lược thương mại điện tử đa nền tảng dành cho doanh nghiệp SMEs; Chuyển đổi số toàn diện cho doanh nghiệp SMEs trong lĩnh vực thương mại điện tử...

Về phía doanh nghiệp, bà Trịnh Thị Ngân - đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội - đã thừa nhận, chuyển đổi số hiện nay không chỉ tạo cơ hội kết nối mạng lưới, thu gọn khoảng cách giữa các bộ phận trong tổ chức, nâng cao hiệu suất quản trị doanh nghiệp và tối ưu hóa năng suất làm việc của nhân viên, còn giúp cải thiện chất lượng sản phẩm và tăng cường khả năng cạnh tranh.

Thương mại điện tử thúc đẩy dòng chảy hàng hóa, dịch vụ và hỗ trợ doanh nghiệp
Bà Trịnh Thị Ngân - Trưởng Ban cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội. Ảnh: Phương Cúc

Để duy trì và nâng cao sự cạnh tranh trong môi trường kinh doanh ngày càng phức tạp, các doanh nghiệp phải thích nghi với sự thay đổi và sử dụng công nghệ số hóa để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, cải thiện hiệu suất và chất lượng, tạo ra giá trị cho khách hàng.

Bà Ngân cũng chỉ ra, hiện nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đối mặt với thách thức lớn từ quá trình hội nhập và chuyển đổi số, cùng với khó khăn từ tình hình phức tạp của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu chuyển đổi số có tác động đáng kể đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Vì vậy, việc chuyển đổi số trở thành một giải pháp quan trọng và là xu hướng không thể tránh được để doanh nghiệp vừa và nhỏ cải thiện năng lực cạnh tranh, tăng hiệu suất sản xuất, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đẩy mạnh hội nhập và đảm bảo sự phát triển bền vững.

Để thúc đẩy giải pháp chuyển đổi số tại doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, bà Trịnh Thị Ngân kiến nghị, cần hỗ trợ qua những khoản vay ưu đãi trong đầu tư vào công nghệ số. Các chính quyền địa phương và tổ chức tài chính có thể cung cấp tài trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp để họ triển khai dự án chuyển đổi số, từ việc mua sắm thiết bị đến triển khai hệ thống. Bên cạnh đó, Chính phủ có thể thiết lập các chính sách thuế ưu đãi, có thể kể đến như miễn thuế hoặc giảm thuế đối với các hoạt động và đầu tư liên quan đến chuyển đổi số.

UBND thành phố Hà Nội cũng có thể tạo điều kiện cho doanh nghiệp qua những biện pháp cụ thể như: Thúc đẩy phát triển môi trường thể chế và pháp lý nhằm đảm bảo doanh nghiệp nhỏ và vừa có đủ quyền, khuyến khích tham gia vào chuyển đổi số; cải thiện môi trường thể chế và pháp lý thông qua ban hành các quy định hỗ trợ và khuyến khích hoạt động chuyển đổi số; xây dựng và công bố quy hoạch về phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin; phát hành các quy chuẩn để trao đổi thông tin giữa các cơ quan và đơn vị, nhằm đảm bảo sự liên kết và đồng bộ trong việc đầu tư và phát triển hạ tầng chuyển đổi số.

Ngoài ra, việc phát triển hạ tầng số và mạng di động 5G sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi số và đảm bảo kết nối nhanh chóng và hiệu quả. Hỗ trợ và đào tạo các chuyên gia chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Xây dựng các gói hỗ trợ chuyển đổi số bao gồm hướng dẫn và giải pháp công nghệ cho các nhóm đối tượng khác nhau, tùy theo quy mô, giai đoạn phát triển kinh doanh và theo lĩnh vực, ngành nghề, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội nêu thêm ý kiến gửi tới UBND thành phố Hà Nội.

Lượt xem: 5
Tác giả: Phương Cúc
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật