Tín dụng xanh: Trăn trở vốn lớn, cho vay dài
Nhận thức được tầm quan trọng của tăng trưởng xanh tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Việt Nam đã, đang triển khai và cụ thể hóa tăng trưởng xanh thông qua các chính sách lớn như Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2050.
Nhiều ngân hàng đã mở hơn cho các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn tín dụng xanh
Dư nợ cho vay “xanh” ngày càng tăng
Tín dụng xanh là một trong những trụ cột tài chính vô cùng quan trọng để hướng tới mục tiêu đó. Bởi nguồn vốn tín dụng xanh sẽ giúp doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ, giảm chi phí giá thành, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ thân thiện môi trường, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Để thực hiện các mục tiêu mà Chính phủ đặt ra, NHNN Việt Nam đã có các chỉ đạo thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; gần nhất là Thông tư số 17/2022/TT-NHNN về hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài…
Chia sẻ tại Tọa đàm Khơi thông dòng vốn tín dụng xanh vừa tổ chức cuối tuần qua, ông Trần Anh Quý, Trưởng phòng Tín dụng chính sách, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN khẳng định, tín dụng xanh là “mạch máu” nuôi dưỡng các mầm xanh của nền kinh tế. Với những định hướng, chỉ đạo từ Chính phủ và NHNN, các TCTD nỗ lực đầu tư cho vay tín dụng xanh.
Tính đến hết tháng 3/2024, có 47 ngân hàng cho vay, dư nợ khoảng 637.000 tỷ đồng, tăng trưởng 2,6% so với 2023, chiếm tỷ trọng 4,5% tổng dư nợ nền kinh tế. Dư nợ tập trung cho các dự án năng lượng tái tạo và năng lượng sạch - chiếm khoảng 45% tổng dư nợ. Tuy nhiên, tỷ lệ dư nợ này mới phản ánh được một phần kết quả tích cực trong việc triển khai các giải pháp, chính sách thúc đẩy tín dụng xanh của các ngân hàng.
Ông Võ Văn Quang - Phó Tổng giám đốc, Giám đốc Khối Đầu tư Bac A Bank cho biết, trong những năm qua, các dự án ngân hàng lựa chọn tư vấn, cấp vốn tín dụng đều là các dự án doanh nghiệp áp dụng thành tựu khoa học quản trị, khoa học công nghệ hiện đại của thế giới và sản xuất theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức thân thiện với môi trường, trên nền tảng phát triển bền vững.
Theo đó, ngân hàng này ưu tiên, xét cấp tín dụng cho các dự án nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch; các dự án trồng rừng, du lịch sinh thái nằm trong hệ sinh thái kinh tế xanh. Hiện nay, dư nợ tín dụng xanh của Bac A Bank chiếm hơn 21% trong tổng dư nợ toàn ngân hàng. Ngoài Bac A Bank, hiện có nhiều NHTM có tỷ trọng tín dụng xanh cao như Agribank, BIDV, HDBank...
Đa dạng nguồn vốn xanh
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, tuy có sự tăng trưởng đều hàng năm, nhưng dư nợ tín dụng xanh chỉ chiếm tỷ trọng 4,5% tổng dư nợ nền kinh tế, con số này vẫn còn rất khiêm tốn so với các nước xung quanh, đặc biệt là so với các nước phát triển.
Qua tìm hiểu từ thực tế, bà Trần Tường Vân - Giám đốc tư vấn, CTCP Tư vấn EY Việt Nam đánh giá các ngân hàng đang sẵn sàng cho vay xanh và rất muốn tìm kiếm khách hàng phù hợp. Nhưng để mở rộng cho vay thì các ngân hàng cũng đang rất trăn trở về tiêu chí phân loại xanh và nguồn vốn để cho vay xanh.
Bà Trần Tường Vân cho rằng, nguồn vốn xanh có thể đến từ các tổ chức quốc tế, vay ngân hàng đối tác... Nhiều ngân hàng đã thành công trong việc mở rộng danh mục xanh bởi đã có nguồn danh mục khách hàng sẵn có.
Đồng quan điểm, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, tín dụng xanh là những dự án dài hạn 5 năm, 10 năm, thậm chí là 20 năm với mức lãi suất thấp, trong khi vốn huy động của các ngân hàng chủ yếu là vốn ngắn hạn chiếm khoảng 80% tổng huy động của hệ thống. Do vậy các ngân hàng không có dư dả vốn trung và dài hạn để cho vay các dự án xanh.
“Hiện tại tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống rất thấp, các ngân hàng đang bị “bó tay” bởi tỷ lệ đó. Ngân hàng lại phải tài trợ cho các dự án tín dụng xanh dài hạn, lãi suất thấp và đặc biệt rủi ro lớn, nếu không có bảo trợ, bảo lãnh của Chính phủ, khả năng dự án này vỡ nợ là có”, TS. Hiếu phân tích và khẳng định, thời điểm này không thể kỳ vọng quá nhiều vốn ngân hàng tài trợ, đầu tư lĩnh vực xanh. Mà nên tìm đến nguồn tài trợ từ các tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức tài chính lớn như WB, IFC… tài trợ dự án tín dụng xanh ở Việt Nam.
Từ thực tế cho vay dự án xanh tại Bac A Bank, ông Võ Văn Quang thừa nhận, phần lớn nguồn vốn cho vay dự án xanh của các ngân hàng đến từ huy động vốn. Còn nguồn vốn tài trợ của Chính phủ có nhưng chưa nhiều. Vì thế, để triển khai chính sách tín dụng xanh, Bac A Bank cũng như nhiều ngân hàng khác phải tính toán căn cơ, cân đối hài hòa.
Không chỉ ngân hàng, mà theo bà Trần Tường Vân, các doanh nghiệp hiện nay đang rất “ngợp” trước câu chuyện chuyển đổi xanh, tăng trưởng bền vững. Giữa một “rừng” thông tin doanh nghiệp không biết bắt đầu từ đâu, nhất là những doanh nghiệp không có nhiều nguồn lực cả nhân sự và tài chính. Nên chăng có cổng thông tin hướng dẫn cho các doanh nghiệp dự án xanh, chuyển đổi xanh, “may đo” cho các doanh nghiệp.
Chẳng hạn như theo định hướng của Chính phủ giảm phát thải về 0 đến năm 2050 những quy định chính là gì. Hoặc có một bộ câu hỏi để doanh nghiệp tự đánh giá bản thân đang ở đâu và cần làm gì. “Ngân hàng phải là đơn vị đồng hành cùng doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh, hoặc những doanh nghiệp còn đang “nâu” chuyển sang “xanh” như thế nào. Vì bản thân doanh nghiệp “xanh” thì danh mục tín dụng của ngân hàng mới “xanh” được”, bà Vân đề nghị.
Hiện một số ngân hàng thể hiện sự cam kết luôn đồng hành với các doanh nghiệp đầu tư vào dự án xanh. Đơn cử như Bac A Bank, ông Võ Văn Quang cho biết, ngân hàng sẽ thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, NHNN và các bộ, ngành để ngày càng hoàn thiện hơn chính sách của mình, tạo ra không gian cởi mở cho các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn tín dụng xanh của ngân hàng. “Ngân hàng mong muốn ngày càng có nhiều chính sách, làm sao để có nhiều nguồn vốn ưu đãi cho các NHTM để cho vay các dự án xanh. Tôi mong các doanh nghiệp cần mạnh dạn, nắm bắt cơ hội để đầu tư vào các dự án xanh vì không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà mang lại lợi ích cho người dân, xã hội”, ông Quang bày tỏ.
Để tiếp cận nguồn vốn xanh, theo bà Vân cần chủ động tìm ra cách thức kinh doanh để tăng hiệu quả và tìm các nguồn vốn cũng như nâng cao điểm thực hành phát triển bền vững. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tích cực chủ động tìm kiếm các gói tín dụng phù hợp của các ngân hàng.
“Doanh nghiệp cần xem xét các chứng chỉ phù hợp với lĩnh vực ngành hàng. Ví dụ như dệt may, có thể cố gắng đạt được chứng chỉ tiêu chuẩn tái chế toàn cầu, hay với nông nghiệp là chứng chỉ GlobalGap. Các ngân hàng có thể sẽ xem xét các mức lãi suất thấp hơn cho các doanh nghiệp đạt chứng chỉ so với các doanh nghiệp “trắng” về mặt chứng chỉ phát triển bền vững”, bà Vân lưu ý thêm.