Cuộc đua xuống đáy của thương mại điện tử Trung Quốc: Bán rẻ đến cạn kiệt lợi nhuận
Nền kinh tế giảm phát của Trung Quốc đã tác động lớn tới những người bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, buộc họ phải hạ giá để có doanh thu thay vì nằm im chờ phá sản.
Theo New York Times, hai năm trước, khi Lin Yunyun bắt đầu bán tã trên Pinduoduo, một trang thương mại điện tử ở Trung Quốc, cô không ngờ mình sẽ liên tục bị ép giá.
Pinduoduo, nổi tiếng với các chương trình giảm giá mạnh, thường xuyên gửi thông báo mỗi khi có người bán khác hạ giá thấp hơn cô. Khi Lin giảm giá, sản phẩm của cô sẽ được nền tảng tạm thời đẩy mạnh quảng bá. Nhưng chỉ vài ngày sau, cô lại nhận được cảnh báo cần tiếp tục hạ giá nếu muốn giữ lượng khách hàng ổn định.
“Nền tảng này cứ liên tục nhắc tôi giảm giá”, Lin, 28 tuổi, sống ở thành phố Chương Châu, Trung Quốc, chia sẻ. “Nếu giảm thêm nữa, tôi chẳng còn lời”.
Vòng tròn giảm phát
Không công ty nào phản ánh rõ tình trạng giảm phát ở Trung Quốc như Pinduoduo. Khách hàng đổ xô vào ứng dụng này vì những mức giảm giá sốc, kết quả của việc liên tục đẩy giá xuống thấp. Là nhà bán lẻ trực tuyến lớn thứ hai Trung Quốc, Pinduoduo trở thành lựa chọn hàng đầu cho những người muốn tiết kiệm chi tiêu – một xu hướng phổ biến nhờ mạng xã hội.
Người tiêu dùng Trung Quốc đang chi tiêu ít hơn và tiết kiệm nhiều hơn, do ảnh hưởng từ khủng hoảng bất động sản kéo dài và thị trường lao động ảm đạm. Giá cả giảm, lợi nhuận cũng bị thu hẹp. Nhiều doanh nghiệp ngại tuyển thêm lao động hoặc đầu tư vào tương lai, càng làm tăng thêm lo ngại về tình hình kinh tế.
Sau hàng loạt biện pháp không hiệu quả trong việc phục hồi kinh tế, Bắc Kinh cuối cùng đã phát tín hiệu sẵn sàng hành động mạnh mẽ hơn, dù chưa rõ sẽ quyết liệt đến mức nào. Cuối tháng trước, chính phủ đã thông báo cắt giảm lãi suất và nhiều biện pháp khác để vực dậy thị trường bất động sản, đồng thời hỗ trợ thị trường chứng khoán.
Dù có những dấu hiệu cho thấy chính phủ có thể chi tiêu thêm để đưa tiền vào tay người tiêu dùng, vẫn chưa có kế hoạch cụ thể nào được công bố. Theo Rhodium Group - một công ty nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách tỏ ra sẵn sàng hành động hơn, nhưng áp lực giảm phát vẫn là một trong nhiều vấn đề chưa được giải quyết.
Chính phủ tập trung chủ yếu vào việc hỗ trợ sản xuất và đầu tư. Điều này giúp các nhà máy ở Trung Quốc duy trì hoạt động, nhưng cũng khiến đất nước và các đối tác thương mại quốc tế rơi vào tình trạng dư thừa hàng hóa. Nguồn cung dồi dào này góp phần giữ giá ở mức thấp.
Và đây là lúc Pinduoduo đóng vai trò quan trọng. Khi ngày càng nhiều người tiêu dùng Trung Quốc mua sắm online, việc giảm giá sản phẩm trên ứng dụng này và các nền tảng thương mại điện tử khác đã góp phần vào tình trạng giảm phát. Theo HSBC, khoảng 60% người tiêu dùng ở Trung Quốc mua hàng qua các trang thương mại điện tử, chiếm hơn một phần ba tổng chi tiêu bán lẻ.
“Pinduoduo vừa là kết quả vừa là nguyên nhân của giảm phát”, ông Donald Low, Giáo sư Chính sách công tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, nói.
Ra đời năm 2015, Pinduoduo phát triển nhanh hơn các đối thủ lâu năm và gần đây đã mở rộng ra quốc tế với thương hiệu Temu. Trong quý vừa qua, Pinduoduo cho biết doanh thu tăng 86%. Tuy nhiên, công ty cảnh báo rằng lợi nhuận trong tương lai có thể bị ảnh hưởng do họ dự định đầu tư lớn vào việc hỗ trợ các nhà bán hàng “chất lượng cao.”
Ông Colin Huang, nhà sáng lập Pinduoduo và cũng là một trong những người giàu nhất Trung Quốc, từng nói rằng mục tiêu của công ty không phải là bán hàng giá rẻ, mà là cung cấp những sản phẩm khiến khách hàng cảm thấy chúng có giá trị lớn hơn so với số tiền họ bỏ ra.
Đầu năm nay, cô Lin, người bán hàng ở Chương Châu, chia sẻ rằng Pinduoduo đã đưa cô vào “hệ thống theo dõi giá tự động”, cho phép nền tảng này giảm giá tã của cô mỗi khi phát hiện có sản phẩm tương tự với giá rẻ hơn. Vài tháng sau khi cô chọn dừng hệ thống này, cô phát hiện tính năng đó đã tự động được kích hoạt lại.
Pinduoduo không phản hồi yêu cầu bình luận về vấn đề này, nhưng trước đó họ từng cho biết tính năng này giúp tăng “hiệu quả kinh doanh” của các nhà bán hàng, đồng thời mang lại cho khách hàng những sản phẩm có giá cạnh tranh hơn.
Hoặc giảm giá hoặc mất doanh thu
Trong nhiều năm, các nhà kinh tế đã nghiên cứu tác động của thương mại điện tử đến giá cả. Vào giữa những năm 2010, người ta nhắc đến “Hiệu ứng Amazon” – tác động của Amazon trong việc làm giảm giá trên các trang thương mại điện tử và cả các cửa hàng truyền thống. Hầu hết các nhà bán lẻ, bao gồm cả Amazon, đều theo dõi giá của nhau và điều chỉnh giá của mình theo “định giá động”, tức là giá cả sẽ thay đổi tùy theo tình hình thị trường.
Theo quan điểm chung, “Hiệu ứng Amazon” giúp giữ giá thấp. Nhưng vào năm 2018, Giáo sư Alberto Cavallo tại Trường Kinh doanh Harvard lập luận rằng thương mại điện tử khiến giá cả trở nên nhạy cảm hơn với các cú sốc kinh tế, chẳng hạn như khi chi phí năng lượng tăng cao. Ông cho rằng giá có thể tăng mạnh nếu cú sốc đó mang tính lạm phát.
Giáo sư Cavallo cho rằng Trung Quốc đang trải qua một điều tương tự nhưng theo hướng ngược lại. Cú sốc kinh tế từ sự suy thoái đang tạo áp lực làm giảm giá, và các nền tảng thương mại điện tử như Pinduoduo đang đẩy nhanh quá trình này.
Thành công của Pinduoduo đã khiến hai đối thủ lớn nhất của họ, Alibaba và JD.com, cũng phải bước vào cuộc cạnh tranh giảm giá.
Năm ngoái, theo truyền thông Trung Quốc, trang mua sắm Taobao của Alibaba đã khởi động một chiến dịch đánh giá nhà bán hàng dựa trên việc so sánh giá cả với các nền tảng khác. Những nhà bán có giá rẻ hơn sẽ được nhận nhiều lượt truy cập và hiển thị sản phẩm hơn. JD.com, trước đây nổi tiếng với việc bán đồ điện tử cao cấp, cũng đã tung ra nhiều chương trình giảm giá để cạnh tranh.
Vào tháng 5, cơ quan quản lý Trung Quốc đã ban hành một quy định mới. Quy định này cấm các nền tảng trực tuyến đưa ra “những hạn chế vô lý” về giá cả, quy tắc giao dịch và lưu lượng truy cập đối với các nhà bán hàng.
Nhà báo Trung Quốc, bà Zhang Zhuo, đã viết một bài có tựa đề “Pinduoduo càng phát triển, thời cuộc càng tồi tệ”. Bài viết, hiện đã bị gỡ khỏi WeChat, cho rằng Pinduoduo đã “tập” cho người mua không còn quan tâm đến thương hiệu mà chỉ tìm kiếm những món hàng rẻ nhất.
Theo bà Zhang, các nhà bán hàng trực tuyến “chỉ có hai lựa chọn: hoặc giảm giá hoặc chịu mất doanh thu”.
Không lối thoát
Lulu Qi, bắt đầu bán phụ kiện thời trang, khăn, ốp điện thoại và cáp sạc trên Pinduoduo từ năm 2018, nói rằng các yêu cầu từ nền tảng này ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Pinduoduo liên tục đề xuất đưa khách hàng tiềm năng đến với sản phẩm của cô nếu cô đồng ý giảm giá theo mức họ gợi ý. Tuy nhiên, cô không thể giảm giá nhiều như vậy vì mức giá đó còn thấp hơn cả chi phí nhập hàng.
“Với giá đó thì không thể kinh doanh được”, cô Qi, sống ở Thâm Quyến, chia sẻ.
Cô cũng cho biết thêm rằng một số chính sách khác của Pinduoduo khiến nhà bán hàng khó kiếm lợi nhuận. Người mua có thể yêu cầu hoàn tiền mà không cần trả lại hàng nếu họ không hài lòng. Việc này xảy ra với cô khoảng 5 lần mỗi ngày.
Dù vậy, nhiều nhà bán hàng vẫn khó rời bỏ Pinduoduo vì lượng khách hàng trung thành của nền tảng rất lớn.
Gao Ning, một quản lý văn phòng ở Bắc Kinh, ban đầu cũng do dự khi sử dụng Pinduoduo, nhưng sau đó nhận thấy nền tảng này rất tiện lợi để mua thực phẩm. Hiện nay, anh còn mua giấy vệ sinh, túi rác, thùng rác, nước rửa chén và thức ăn cho mèo từ đây.
“Pinduoduo vẫn rẻ hơn một chút”, anh nói. Anh nhận thấy các món hàng trên đây rẻ hơn so với các trang khác vì “ai cũng vào đây để tìm giá tốt”.