Thứ sáu, 22/11/2024 - 22:52

Giá vàng tuần tới tăng đạt ngưỡng 2.000 USD/oz?

Vàng đang được hưởng lợi từ nhu cầu trú ẩn an toàn trước biến động của thị trường tài chính toàn cầu, khả năng tăng lãi suất và tác động từ cuộc chiến giữa Nga với Ukraine.

Giá vàng thế giới tuần qua kết thúc giao dịch ở ngưỡng 1.958 USD/oz, thể hiện sự hồi phục ngoạn mục bởi hồi đầu tuần đã từng có mức sụt giảm mạnh về mức 1.910 USD/oz. Trước diễn biến này, nhiều nhà phân tích cũng như giới đầu tư cùng có chung nhận định, vàng đang được hưởng lợi từ nhu cầu trú ẩn an toàn trước biến động của thị trường tài chính toàn cầu do tác động từ cuộc chiến giữa Nga với Ukraine.

Cùng với đó, những thông tin về khả năng tiếp tục tăng lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khiến chỉ số chứng khoán nhất thời tăng mạnh, giá vàng giảm sâu trong những phiên giao dịch đầu tuần là cơ hội lớn cho giới đầu tư tăng lực mua vào. Trước những yếu tố tích cực và tiêu cực, thị trường vàng vẫn đang kì vọng vào khả năng tăng giá lên mức 2.000 USD/oz trong ngắn hạn.

Tỷ lệ dự báo giá vàng trong tuần từ 28/3 - 1/4.

Tỷ lệ dự báo giá vàng trong tuần từ 28/3 - 1/4.

Kết quả khảo sát giá vàng tuần tới do Kitco News tiến hành với 17 nhà phân tích Phố Wall đã cho thấy, 12 nhà phân tích (chiếm tỷ lệ 71%), nhận định giá vàng tăng vào tuần tới; 4 nhà phân tích khác (tương đương tỷ lệ 24%), cho rằng thị trường vàng tuần tới sẽ đi xuống. Duy nhất còn 1 nhà phân tích (tỷ lệ đạt 6%) bày tỏ góc nhìn trung lập về thị trường vàng trong những ngày tới.

Cuộc khảo sát trực tuyến với sự phản hồi của 1.034 ý kiến từ các nhà đầu tư cũng cho kết quả tương tự. Trong số này, 743 ý kiến (chiếm tỷ lệ 72%) cho rằng, giá vàng sẽ tăng vào tuần tới. 158 ý kiến phản hồi khác (tương đương tỷ lệ 15%), dự báo tiêu cực về thị trường vàng. Giá vàng sẽ đi ngang là phản hồi dự báo của 133 ý kiến còn lại (tương đương với tỷ lệ 13%).

Các nhận định về khả năng giá vàng tăng trong tuần tới căn cứ vào sự phục hồi của giá vàng ở tuần qua với mức giá trên 1.950 USD/oz, tăng hơn 1% so với cuối tuần trước. Đáng chú ý là, giá vàng tăng trong khi lãi suất kỳ hạn 10 năm chạm ngưỡng 2,50% là mức cao nhất trong vòng 3 năm qua khi Chủ tịch FED phát tín hiệu rằng, Ngân hàng Trung ương có thể tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào tháng 5 nếu chỉ số lạm phát còn ở mức quá cao.

Colin Cieszynski, chiến lược gia về thị trường tại SIA Wealth Management nhận định rằng, khi chỉ số lạm phát còn ở mức cao, chỉ số chứng khoán và USD còn chưa kịp hồi phục sẽ là cơ sở tốt cho giá vàng khởi sắc.

Darin Newsom, Chủ tịch của Darin Newsom Analysis nhận thấy tiềm năng giá vàng có thể được đẩy lên 1.991 USD/oz trong thời gian tới bởi những động lực căn bản. Trước hết, lúc này giá vàng đã tìm thấy xu hướng mới gắn với những tác động của xung đột địa chính chị và việc tăng lãi suất từ các ngân hàng trung ương. Sau đó trên thực tế theo quy luật, sau khoảng thời gian 6 tháng giá vàng lại có xu hướng tăng.

Tuy nhiên, không phải nhà phân tích nào cũng lạc quan giá vàng sẽ có thể duy trì đà tăng như hiện nay. Marc Chandler, Giám đốc điều hành tại Bannockburn Global Forex nêu quan điểm, lợi suất trái phiếu tăng có thể là áp lực làm giảm giá vàng trong thời gian tới. “Lạm phát duy trì và lãi suất có khả năng lại được điều chỉnh cao hơn ở Mỹ và các nơi khác sẽ làm giảm sức hấp dẫn của vàng. Cùng với đó, xung đột giữa Nga và Ukraine chưa có dầu hiệu chấm dứt sẽ kéo giá vàng về mức 1.900 USD/oz.

Thị trường vàng tuần tới còn có thể bị chi phối từ sắc lệnh dừng giao dịch vàng với Nga của Tổng thống Mỹ Joe Biden từ ngày 24/3. Theo đó, công dân Mỹ bị cấm tham gia vào bất kỳ giao dịch nào, bao gồm cả các giao dịch liên quan đến vàng với Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga; Quỹ Tài chính Quốc gia của Liên bang Nga hoặc Bộ Tài chính Liên bang Nga, nhằm loại bỏ những lợi ích và đặc quyền mà Nga từng được hưởng.

Diễn biến giá vàng thế giới và mức giá cuối tuần giao dịch ngày 25/3.
Diễn biến giá vàng thế giới và mức giá cuối tuần giao dịch ngày 25/3.

Phía Mỹ cho biết, Nga có thể và đã sử dụng vàng để hỗ trợ đồng RUB như một cách nhằm đối phó với tác động của các biện pháp trừng phạt. Một cách có thể thực hiện là sử dụng vàng để mua bán ngoại hối trên thị trường quốc tế – vốn không phải là mục tiêu của các lệnh trừng phạt hiện nay.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nga (BOR) đảm bảo rằng, tất cả vàng từ nguồn dự trữ vàng và ngoại hối đều nằm trong kho của họ ở trong nước. Cơ quan này lưu ý rằng, vàng và dự trữ ngoại hối là một công cụ mà Ngân hàng Trung ương Nga có thể bảo vệ nền kinh tế khỏi các cuộc khủng hoảng bên ngoài. Trong những tình huống khó khăn, họ đảm bảo thanh toán các khoản nợ ngoại hối, các mặt hàng nhập khẩu quan trọng và ổn định thị trường ngoại hối.

Ngân hàng Trung ương Nga cũng làm rõ rằng, trong chế độ trừng phạt hiện tại của Mỹ và phương Tây không có cách nào để ngăn một phần dự trữ vàng và ngoại hối bằng USD và EURO khỏi bị đóng băng. Sau khi đóng băng dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga bằng USD và EURO, về cơ bản Nga đã áp dụng biện pháp tương phản, đưa ra các hạn chế di chuyển vốn, cấm bán chứng khoán cho các nhà đầu tư nước ngoài và cấm họ rút tiền khỏi hệ thống tài chính Nga./.

Lượt xem: 562
Tác giả: Nguyễn Quỳnh/VOV.VN
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật