Thứ sáu, 22/11/2024 - 15:36

Kinh tế Đà Nẵng 8 tháng: Doanh thu du lịch tăng gần 50%, chỉ số sản xuất ngành khai khoáng giảm mạnh

Theo Báo cáo tình hình kinh tế xã hội TP Đà Nẵng tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2024, du lịch và dịch vụ tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Đà Nẵng, góp phần đáng kể vào tăng trưởng chung của thành phố trong 8 tháng đầu năm.

Doanh thu bán lẻ hàng hoá đạt gần 50.000 tỷ đồng, du lịch lữ hành tăng 49,3%

Theo số liệu từ Cục Thống kê Đà Nẵng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 ước đạt 12.420 tỷ đồng, giảm 0,22% so với tháng trước và tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 8 tháng năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 91.471 tỷ đồng, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, doanh thu du lịch lữ hành tăng cao nhất với 49,3%; doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 49.580 tỷ đồng, chiếm 54,2% tổng mức và tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước, với 10/12 nhóm hàng tăng và 2/12 nhóm hàng có mức giảm so với cùng kỳ năm 2023.

Dịch vụ lưu trú đón gần 8 triệu lượt khách

Tính riêng tháng 8, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tại Đà Nẵng ước đạt 2.700 tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 27,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2024, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 18.299 tỷ đồng, chiếm 20,0% tổng mức và tăng 23,3% so với cùng kỳ năm trước.

Cục Thống kê Đà Nẵng cho biết, số lượt khách phục vụ tại các cơ sở lưu trú trong tháng 8 ước đạt 1,2 triệu lượt, giảm 3,3% so với tháng trước và tăng 44,2% so với tháng cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 407.100 lượt, tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 11,8% so với tháng cùng kỳ; khách du lịch trong nước ước đạt 813.000 lượt, tăng lần lượt 68,6% và 35,5%.

Tính chung 8 tháng năm 2024, tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 7,8 triệu lượt, tăng 33,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 2,8 triệu lượt, tăng 30,0%; khách trong nước đạt 5,0 triệu lượt, tăng 35,5%.

Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp khai khoáng giảm mạnh

Cục Thống kê Đà Nẵng cho biết, tháng 8, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp thành phố có xu hướng thấp hơn so với tháng trước nhưng tăng trưởng hơn so với cùng kỳ năm 2023.

Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của địa phương này trong tháng 8 ước bằng 98,0% so với tháng trước và tăng 3,8% so với tháng cùng kỳ năm 2023. Trong đó, hoạt động khai khoáng giảm tới 15,2% so với tháng trước và chỉ bằng 18,6% so với tháng cùng kỳ năm 2023.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 tại Đà Nẵng so với cùng kỳ năm 2023 (Nguồn: Cục Thống kê Đà Nẵng).

"Để gìn giữ nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường, thành phố đã đưa ra những chủ trương, biện pháp khá chặt chẽ đối với nhóm ngành hoạt động này, như: đưa ra định mức khối lượng được phép khai thác tối đa trong năm cho từng doanh nghiệp; kiểm tra, kiểm soát, gia hạn cấp phép khai thác...", Cục Thống kê Đà Nẵng lý giải việc nhóm ngành khai khoáng giảm sâu trong những năm gần đây.

Tính chung 8 tháng năm 2024, chỉ số IIP toàn ngành công nghiệp của TP Đà Nẵng tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 8 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023 (Nguồn: AM tổng hợp từ Cục Thống kê Đà Nẵng).

Số doanh nghiệp đăng ký mới giảm 6,2%

Tính từ đầu tháng 8 đến ngày 25, thành phố đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 256 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, với tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 926,7 tỷ đồng, giảm 25,6% về số doanh nghiệp và giảm 33,8% về vốn đăng ký mới so với cùng kỳ 2023.

Cộng dồn từ đầu năm đến ngày 25/8, tình hình đăng ký doanh nghiệp tại Đà Nẵng giảm 6,2% về số doanh nghiệp và giảm 28,6% về số vốn so với cùng kỳ 2023. Cụ thể, thành phố đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 2.752 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký 8.845 tỷ đồng.

Cùng với đó, trên địa bàn thành phố có 1.382 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc hoạt động trở lại, tăng 5,2%; 3.712 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng, tăng 10,7%. Từ đầu năm đến nay, thành phố đã hoàn tất thủ tục giải thể cho 499 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Thu hút FDI tăng 6,9%, riêng tháng 8 giảm 62,5%

Từ ngày 25/7 - 25/8, Đà Nẵng chỉ thu hút được 331.000 USD, giảm 62,5% so với cùng kỳ năm 2023. Luỹ kế 8 tháng đầu năm, thành phố thu hút được 30,105 triệu USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 49 dự án cấp mới với vốn đăng ký cấp mới đạt 24,324 triệu USD; 18 lượt dự án điều chỉnh tăng, giảm vốn với tổng giá trị đạt 4,803 triệu USD; 13 lượt mua phần vốn góp trong tổ chức kinh tế với tổng giá trị đạt 0,978 USD.

Về thu hút FDI theo ngành, trong 8 tháng năm nay, các dự án đăng ký mới chủ yếu tập trung ở ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống, với 16/49 dự án, chiếm 32,7% tổng số dự án; ngành thông tin và truyền thông 10/49 dự án, chiếm 20,4%; ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy 8/49 dự án, chiếm 16,3%.

Về cơ cấu vốn đăng ký mới theo ngành, ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy chiếm đa số với 80,7% tương ứng 19,6 triệu USD; tiếp đến là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với 6,2%, tương ứng 1,5 triệu USD.

Xuất, nhập khẩu chuyển biến tích cực

Ước tính trong tháng 8, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa hai chiều của Đà Nẵng đạt 280,0 triệu USD, tăng 0,5% so với tháng trước và giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 170,0 triệu USD, tăng 1,0% so với tháng trước và tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu đạt 110,0 triệu USD, giảm 0,2% so với tháng trước và giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Tính chung 8 tháng năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 2,148 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 1,27 tỷ USD, tăng 3,0%; nhập khẩu hàng hóa ước đạt 878,7 triệu USD, tăng 20,0%. Cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng tiếp tục duy trì xuất siêu gần 390,9 triệu USD.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,06%

Nhìn chung, giá cả các mặt hàng tháng 8 biến động không đáng kể so với tháng trước. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Đà Nẵng trong tháng 8 giảm 0,25% so với tháng trước, và tăng 3,21% so với cùng kỳ năm trước. Trong mức giảm 0,25% của CPI tháng 8 so với tháng trước, 4 nhóm hàng có chỉ số giá giảm và có 7 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng.

Tốc độ tăng/giảm CPI tháng 8/2024 so với tháng trước (Nguồn: AM tổng hợp từ Cục Thống kê Đà Nẵng).

CPI bình quân 8 tháng năm nay tăng 3,06% so với cùng kỳ năm 2023, với 10/11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng, ngoại trừ nhóm bưu chính viễn thông giảm 2,27% so với cùng kỳ.

Ngân sách Nhà nước bội chi hơn 2.800 tỷ đồng

Đến ngày 25/8, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn TP Đà Nẵng đạt 17.330 tỷ đồng, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, thu ngân sách trung ương đạt 4.248 tỷ đồng, thu ngân sách địa phương đạt 13.082 tỷ đồng. Trong tổng thu ngân sách nhà nước, hoạt động thu nội địa tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu với 88,7%.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, tổng chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 20.165 tỷ đồng, tăng 13,7%. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 6.803 tỷ đồng, tăng 14,0%; chi thường xuyên đạt 13.340 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước.

Dư nợ ngoại tệ giảm 27%

Ước đến cuối tháng 8/2024, dư nợ các thành phần kinh tế trên địa bàn đạt 222.500 tỷ đồng, tăng 1,2% so với cuối năm 2023. Cụ thể, dư nợ cho vay bằng đồng Việt Nam đạt 219.000 tỷ đồng, tăng 1,9%; dư nợ ngoại tệ đạt 3.500 tỷ đồng, giảm 27%. Trong đó, dư nợ ngắn hạn đạt 103.400 tỷ đồng, chiếm 46,5% tổng dư nợ, tăng 3,2% so với cuối năm 2023; dư nợ trung dài hạn đạt 119.100 tỷ đồng, chiếm 53,5% tổng dư nợ, giảm 0,4%.

Tình hình triển khai một số công trình trọng điểm 

Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 8 ước đạt 758 tỷ đồng, tăng 14,1% so với tháng trước và tăng 22,6% so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng, ước vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 4.021 tỷ đồng, đạt 46,6% kế hoạch vốn được giao và tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, một số công trình trọng điểm đã được triển khai và hoàn thành một số hạng mục quan trọng, như: Dự án Tuyến đường giao thông kết nối đường ĐT601 và Thôn Lộc Mỹ đã hoàn thành một số hạng mục như lao, lắp dầm hai cầu qua sông Cu Đê và khe Bàu Bàng; nền đường dẫn từ đường ĐT 601 đến hai cầu và nối với đường ADB 5 và đường dẫn vào thôn Lộc Mỹ thuộc xã Hòa Bắc. Giá trị vốn đầu tư thực hiện của dự án trong tháng 8 ước đạt 3,0 tỷ đồng.

Hay như Dự án Đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung, khối lượng thi công của dự án từ khi khởi công đến nay ước đạt hơn 65% giá trị hợp đồng. Một số hạng mục công trình có tỷ lệ thực hiện cao như đê, kè chắn sóng; nạo vét luồng tàu và khu nước; đường giao thông và hệ thống thoát nước. Dự án đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công công trình. Tuy nhiên, quá trình thi công của Cảng Liên Chiểu vẫn đang gặp khó khăn về nguồn vật liệu đá hộc và đất đắp khan hiếm.

Dự án Đường ven biển nối Cảng Liên Chiểu đã hoàn thành nhiều hạng mục quan trọng như hầm chui tại đường nội bộ Khu công nghiệp Liên Chiểu (Km1+723,86); hoàn thành 226/388 cọc khoan nhồi; triển khai thi công bệ, thân, xà mũ mố trụ tại 24/68 vị trí. Mục tiêu của dự án là sẽ đạt hơn 60% khối lượng xây lắp vào cuối năm nay và dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

Tin liên quan
Đang chờ cập nhật