Thứ tư, 18/09/2024 - 20:16

Phú Thọ: Để cây chè trên đất Thanh Ba thực sự là 'vàng xanh'

Cây chè trên đất Thanh Ba được ví như là "vàng xanh" và là cây trồng mũi nhọn, làm giàu… song, để phát huy giá trị cho loài cây chủ lực này vẫn là câu hỏi khó.

"Vàng xanh" của núi đồi

Thực hiện Nghị quyết của HĐND huyện Thanh Ba về phát triển cây chè trên địa bàn giai đoạn 2022-2025, tính đến tháng 8/2024, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo hình thành một số vùng sản xuất chè tập trung, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Diện tích chè được áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp lên đến 88%. Đã cấp và quản lý 6 mã số vùng trồng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên diện tích trên 44ha. Huyện đã chỉ đạo, hình thành việc liên kết trong sản xuất, tiêu thụ chè với các doanh nghiệp, HTX, Tổ hợp tác như HTX chè xanh Đồng Xuân, Công ty đầu tư và phát triển trà UT, Công ty TNHH chè Hoài Trung…

Cơ cấu sản phẩm chè có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ lệ chè xanh, đã có 6 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao và 5 sao. Hiệu quả từ sản xuất, tiêu thụ chè trên địa bàn năm qua ngày càng được cải thiện, nhiều hộ gia đình vươn lên làm giàu từ cây chè. Cây chè trở thành cây trồng chủ lực, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở địa phương…

Phú Thọ: Để cây chè trên đất Thanh Ba thực sự là 'vàng xanh'
Sản phẩm chè đinh cao cấp Hoài Trung đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp quốc gia. Ảnh: Thu Thủy

Là một trong những người tích cực góp công sức phát triển cây chè, doanh nhân Bùi Thị Mão - Giám đốc Công ty TNHH chè Hoài Trung có hơn 20 năm gắn bó với cây chè. Hiện nay, Công ty đã cho ra đời nhiều dòng sản phẩm chè được thị trường ưa chuộng, đón nhận. Đặc biệt, năm 2023, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP Trung ương đã công nhận sản phẩm chè đinh cao cấp Hoài Trung của Công ty TNHH chè Hoài Trung, xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp quốc gia, là sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia đầu tiên của tỉnh Phú Thọ. Đây không chỉ là niềm vui của doanh nhân Bùi Thị Mão, sản phẩm chè đinh Hoài Trung còn là niềm tự hào của những người nông dân đang liên kết với đơn vị nói riêng và các hộ trồng chè trên địa bàn tỉnh nói chung.

Từ kết quả của chè đinh Hoài Trung, người dân trên đất Thanh Ba hiểu rằng, nếu làm chè với tất cả tâm huyết và sự tử tế, những búp chè non sẽ trở thành “vàng xanh”, đền đáp lại công sức, giúp họ thoát nghèo, làm giàu trên chính quê hương mình. Có thể nói, chè đinh cao cấp Hoài Trung góp phần không nhỏ khẳng định thương hiệu chè Thanh Ba, Phú Thọ trên bản đồ chè Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ riêng một thương hiệu chè đinh Hoài Trung thì chưa thể "gánh" nổi, chưa thể "đẩy" được ngành trồng, chế biến, tiêu thụ… của cây chè trên đất Thanh Ba xứng tầm và đúng như mong mỏi của người dân và lãnh đạo địa phương.

Đi tìm "thế đứng" cho cây chè

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Ba - Hoàng Văn Triệu cho biết: Để định vị, tạo thế đứng vững chắc cho cây chè Thanh Ba trên thương trường, trên bản đồ chè Việt Nam, hiện tại, còn rất nhiều nút thắt cần phải tháo gỡ.

Cụ thể, công tác chỉ đạo ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, nhất là quy hoạch vùng sản xuất chè tập trung, gắn với chế biến, đảm bảo an toàn thực phẩm; diện tích chè đang có xu hướng giảm; liên kết giữa phát triển vùng nguyên liệu và cơ sở chế biến còn thiếu sự chặt chẽ, đa số tiêu thụ qua thương lái, không có hợp đồng; sản phẩm chè chất lượng cao, chế biến sâu, có bao bì, nhãn mác còn thấp, giá trị, sức cạnh tranh còn hạn chế; chưa phát huy, khai thác tốt tiềm năng lợi thế gắn với phát triển du lịch, dịch vụ ngành chè…".

Đây là những vấn đề mà cơ quan chức trách đặt ra đối với phát triển cây chè Thanh Ba quả là bộn bề thách thức không thể giải quyết trong một sớm một chiều.

Vùng chè Thanh Ba mặc dù có diện tích và sản lượng khá, chất lượng đã được khẳng định, song, để biến nó thành ngành sản xuất có quy mô, thương hiệu lớn, điều quan trọng hàng đầu đòi hỏi người nông dân phải có sự bứt phá, thoát khỏi lối tư duy sản xuất nhỏ, manh mún, mùa vụ. Do vậy, cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp phải thật sự quyết liệt vào cuộc, phải là "bà đỡ" thật sự cho người sản xuất, để họ chuyên tâm, yên tâm gắn bó máu thịt với cây chè.

Cùng với đó, quan tâm hiện đại hóa ngành sản xuất chè, địa phương cần sớm xây dựng chiến lược, đề ra lộ trình, kế hoạch chi tiết, tiêu chí cụ thể. Bởi, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, tin học hóa, số hóa vào các ngành sản xuất kinh doanh là xu thế tất yếu hiện nay, trong đó, sản xuất chè ở Thanh Ba không thể đứng ngoài cuộc nếu muốn đi nhanh, phát triển vững chắc.

Cây chè trên đất Thanh Ba vẫn ngày ngày tỏa hương mang lại dư vị đậm đà khó quên. Và để nó có chỗ đứng vững chắc, trở thành một thương hiệu trên bản đồ chè Việt Nam, là niềm tự hào trên vùng đất Tổ, rất cần sự quyết tâm cao độ và bước đi thích hợp của chính quyền và người dân nơi đây.

 
Lượt xem: 4
Tác giả: Thu Thủy
Tin liên quan