Thứ bảy, 14/09/2024 - 03:21

Tăng nhận diện hàng Việt trên kênh thương mại điện tử

Thương mại điện tử đang trở thành xu thế trong bức tranh thị trường bán lẻ, đặt ra cả thách thức và cơ hội cho hàng Việt Nam.

Ông Nguyễn Thế Hiệp – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, ông đánh giá gì về thương mại điện tử nói chung và phương thức bán hàng livestream đối với sự phát triển của doanh nghiệp Việt?

Qua theo dõi về công tác quản lý, từ sau đại dịch Covid-19, hoạt động tiêu dùng đã có nhiều thay đổi. Trong bối cảnh phát triển của khoa học - công nghệ, giải pháp bán hàng qua sàn thương mại điện tử tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã có sự sáng tạo, nhanh nhạy trong việc tiếp cận thị trường, khách hàng qua cách thức hoạt động kinh doanh mới.

Hàng Việt tăng tính cạnh tranh tại thị trường nội địa (Ảnh: Tân Vũ)
Hàng Việt tăng tính cạnh tranh tại thị trường nội địa. Ảnh: Tân Vũ

Thương mại điện tử nói chung và hình thức kinh doanh bán hàng livestream đã phát triển mạnh trong thời gian qua. Bình quân mỗi tháng, có khoảng 2,5 triệu phiên bán hàng livestream. Các mặt hàng bán qua hình thức này rất đa dạng như thời trang, làm đẹp, văn phòng phẩm…

Việc bán hàng livestream có nhiều lợi ích như khai thác sức mạnh mạng xã hội, tăng tương tác trực tiếp với khách hàng, rút ngắn hành trình mua hàng, quảng bá sản phẩm... Với phương thức bán hàng thương mại điện tử nói chung và livestream nói riêng, các doanh nghiệp phát triển các loại hình phân phối hiện đại, mở rộng đối tượng khách hàng.

“Sức nóng” của ngành công nghiệp livestream bán hàng tại Việt Nam đang tạo nên cuộc đua gay cấn trong thương mại điện tử. Ngoài livestream bán hàng thuần túy, hiện đã xuất hiện cả những cuộc livestream bán hàng kéo dài 2-3 tiếng với các hoạt động âm nhạc, game và các chương trình khuyến mãi độc quyền.

Không dừng lại ở một buổi phát trực tiếp đơn thuần, các thương hiệu còn đang kết hợp với những người có ảnh hưởng (KOLs) để đạt được hiệu quả kinh doanh. Ngoài các kênh mạng xã hội phổ biến (như Facebook, YouTube, TikTok…), hình thức livestream trên các nền tảng thương mại điện tử (như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo…) cũng được nhiều thương hiệu áp dụng.

Livestream bán hàng là một hình thức tiếp cận khách hàng mới, nhằm đưa sản phẩm nông sản địa phương đến gần hơn, nhanh hơn với người tiêu dùng
Livestream bán hàng là một hình thức tiếp cận khách hàng mới, nhằm đưa sản phẩm nông sản địa phương đến gần hơn, nhanh hơn với người tiêu dùng. Ảnh: Nguyễn Hạnh

Thay vì sử dụng các nhà phân phối, giờ đây, nhiều doanh nghiệp sản xuất có xu hướng trực tiếp mở cửa hàng online hoặc bắt tay với các KOLs để bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng trên các sàn thương mại điện tử và thông qua bán hàng livestream. Điều này cho phép nhà sản xuất kiểm soát toàn diện quy trình hoạt động như sản xuất, marketing và bán hàng, đồng thời, chi phí trung gian giảm tới mức tối đa giúp biên độ lợi nhuận cao hơn.

Điển hình có thể kể đến như nền tảng Shopee và Lazada, người dùng có thể tìm thấy các buổi livestream với sự tham gia của những thương hiệu uy tín, cao cấp như Shiseido, Vichy, Kiehl's, L’Oreal, Vinamilk,... với các khuyến mãi sâu, độc quyền dành cho người tiêu dùng. Cùng với đó, mỗi buổi livestream sẽ được dẫn dắt bởi các KOLs và Influencer (người có sức ảnh hưởng).

Trong bối cảnh hiện nay, người tiêu dùng đang có xu hướng tìm kiếm những sản phẩm giá rẻ và độc lạ hơn để thử nghiệm. Điều này mở ra cơ hội cho doanh nghiệp thích ứng và đổi mới, đồng thời thách thức họ phải tạo ra những chiến lược tiếp thị sáng tạo để thu hút sự chú ý của khách hàng.

Thương mại điện tử cùng với livestream bán hàng được dự báo sẽ là những giải pháp quan trọng cho tăng trưởng doanh thu, tạo ra môi trường mua sắm thuận tiện và gần gũi hơn với khách hàng.

Là đơn vị trực tiếp triển khai thực hiện Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”, sắp tới Sở Công Thương sẽ tham mưu gì cho Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” TP. Hà Nội nhằm đẩy mạnh Cuộc vận động, nhất là trong bối cảnh thị trường đang có những bước phát triển thần tốc, đặc biệt là về mặt công nghệ như hiện nay, thưa ông?

Để thúc đẩy hàng Việt và giúp doanh nghiệp đến gần hơn với người tiêu dùng, trong thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tăng cường công tác tuyên truyền ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam đến đông đảo người tiêu dùng; nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm xã hội của cộng đồng, doanh nghiệp, tổ chức, các nhân về sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Ông Nguyễn Thế Hiệp - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội. Ảnh: Viết Thành, Báo Hanoimoi.vn)
Ông Nguyễn Thế Hiệp - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội. Ảnh: Viết Thành

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác hỗ trợ liên kết, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông sản sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thông qua tổ chức các chương trình, hoạt động giao thương, hội chợ, triển lãm, tôn vinh sản phẩm Việt… Từ đó, các đơn vị tham gia quảng bá thương hiệu sản phẩm, kết nối, hợp tác với các kênh phân phối tiêu thụ sản phẩm trong nước, hỗ trợ xuất khẩu thông qua hệ thống phân phối nước ngoài.

Sở Công Thương cũng tổ chức cho các doanh nghiệp tham gia các hội nghị giao thương trực tuyến với tham tán thương mại và các tổ chức quốc tế. Hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác xúc tiến thương mại thị trường ngoài nước. Chủ động phối hợp với các tỉnh, thành phố tổ chức hiệu quả nội dung hoạt động liên kết vùng, hỗ trợ quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm mùa vụ của các tỉnh, thành phố; Tổ chức các chương trình hội chợ, tuần hàng, phiên chợ Việt để giới thiệu, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm OCOP; Phát triển các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với các địa điểm kinh doanh, du lịch làng nghề, du lịch nông thôn… từ đó thúc đẩy giới thiệu, quảng bá sản phẩm hàng Việt đến với người tiêu dùng trên địa bàn Thành phố.

Thành phố đã giao Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành chức năng hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử (Shopee, Lazada, Chợ nhà mình…); tổ chức các hội nghị đối thoại, giao ban tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp các thủ tục về vốn, thị trường, thuế, hải quan... các thủ tục hành chính liên quan tới: Quy hoạch, xây dựng, đất đai, tài nguyên môi trường, y tế…

Bên cạnh sự đồng hành của cơ quan chức năng, ông có khuyến nghị gì cho các doanh nghiệp Việt, thưa ông?

Trong giai đoạn hiện nay, để lan tỏa Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, bên cạnh sự hỗ trợ của thành phố Hà Nội, doanh nghiệp sản xuất cũng cần chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất, hướng tới đa dạng mẫu mã, chủng loại sản phẩm phục vụ nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng từng thời điểm. Sản phẩm sản xuất ra đảm bảo an toàn, đủ các giấy tờ, chứng nhận sản phẩm theo quy định, công tác truyền thông sản phẩm cũng cần được chú trọng, phát triển hoạt động thương mại điện tử…

Bên cạnh đó, về phía các doanh nghiệp phân phối cần quan tâm, ưu tiên kết nối, tiêu thụ sản phẩm hàng Việt, hỗ trợ trưng bày, giới thiệu tại các vị trí thuận lợi tại địa điểm phân phối; tham gia mạng lưới Điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP, Tự hào hàng Việt Nam… để truyền thông đến đông đảo người tiêu dùng biết về địa chỉ tin cậy trong mua sắm, tiêu dùng hàng Việt.

Đặc biệt, trong bối cảnh công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay, các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, mạng xã hội để tiếp cận đông đảo người tiêu dùng Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung...

Xin cám ơn ông!

 
Lượt xem: 4
Tác giả: Nguyễn Hạnh (thực hiện)
Tin liên quan