Chứng khoán Mỹ phục hồi nhanh chóng sau phiên giao dịch tồi tệ nhất trong nhiều tháng
Trong phiên 21/12, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều tăng mạnh sau khi trải qua phiên giao dịch tồi tệ nhất trong nhiều tháng một ngày trước đó.
Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 21/12, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã tăng 322 điểm, tương đương 0,87%, lên 37.404 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tiến thêm 1,26%, đạt 14.964 điểm.
Trong khi đó, S&P 500 tăng 1,03%, đóng cửa với 4.747 điểm. Kết quả này giúp S&P 500 cách mức đỉnh chốt phiên lịch sử khoảng 1% và đỉnh trong phiên là 1,5%.
Đà tăng của S&P 500 diễn ra trên diện rộng, với hơn 450 mã chứng khoán thuộc chỉ số này đi lên. Micron Technology là công ty có thành tích tốt nhất khi ghi nhận mức tăng 8,6% nhờ vượt kỳ vọng trong quý trước cũng như đưa ra dự báo tích cực cho quý hiện tại.
Cổ phiếu VinFast (VFS) đã tăng 2,14%, lên mức 8,11 USD/cp. Với kết quả trên, vốn hóa công ty đạt 18,9 tỷ USD, đứng thứ 24 trong danh sách những hãng xe lớn nhất thế giới.Cổ phiếu của các công ty bán dẫn cũng đi lên mạnh mẽ. Trong đó, cổ phiếu Intel và Advanced Micro Devices (AMD) lần lượt tăng 2,9% và 3,3%.
Với chỉ số Dow Jones, Salesforce là một trong những mã cổ phiếu dẫn đầu khi ghi nhận mức tăng 2,7% nhờ việc được Morgan Stanley nâng triển vọng.
Trước đó chỉ một ngày, Phố Wall đã trải qua phiên giao dịch tồi tệ nhất trong nhiều tháng. Ngày 20/12, chỉ số Dow Jones và Nasdaq Composite chứng kiến phiên giao dịch khó khăn nhất kể từ tháng 10, đồng thời chấm dứt chuỗi tăng điểm kéo dài 9 ngày. Trong khi đó, S&P 500 có ngày tồi tệ nhất kể từ tháng 9.
Ông Rhys Williams, chiến lược gia trưởng tại Spouting Rock Asset Management, nhận định: “Thị trường đi từ tăng xuống giảm khá nhanh. Tôi nghĩ rằng hôm 20/12 chỉ là một sự điều chỉnh kỹ thuật sau một khoản thời gian rất mạnh mẽ” của chứng khoán.
Từ mức chốt phiên thấp nhất của tháng 10 đến nay, chỉ số Dow Jones và S&P 500 đều tăng hơn 15%, còn Nasdaq Composite tăng hơn 18%.
Ông MacAdam viết: “Chúng tôi kỳ vọng sự tăng giá dầu gần đây chỉ là tạm thời, tình trạng thiếu hụt hàng hóa sẽ không xảy ra và chi phí vận chuyển dường như sẽ không tăng”.
“Ngay cả khi sự gián đoạn về vận tải khiến chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng đáng kể, thì nhu cầu yếu và lượng hàng tồn kho lớn sẽ làm suy yếu khả năng chuyển chi phí sang người tiêu dùng cuối cùng của doanh nghiệp”, ông cho biết thêm.
Capital Economics nhận định rằng hoạt động sản xuất hàng hóa sẽ không bị ảnh hưởng bởi các sự kiện ở Biển Đỏ cũng như việc tuyến vận tải giờ đây phải đi qua Mũi Hảo Vọng và miền nam châu Phi, với khoảng cách xa hơn. “Vật liệu sẽ đến, chúng sẽ chỉ mất thêm nhiều thời gian hơn để đến thôi”.