Sự yếu thế của tài xế công nghệ
Mặc đồng phục giả mạo, tấn công những người chạy xe cho ứng dụng... câu chuyện mâu thuẫn giữa xe ôm truyền thông và tài xế công nghệ tưởng đã trôi vào dĩ vãng thì vẫn hiển hiện ở những góc khuất của thành phố.
Chia sẻ với tạp chí Rest of World, Đạo - một tài xế Grab cho biết đầu năm nay, anh bị một người mặc áo đồng phục Grab tấn công khi đang đón khách ở một bến xe. Đạo nói rằng người đó thuộc nhóm xe ôm truyền thống và họ không liên kết với bất kỳ ứng dụng công nghệ nào.
Câu chuyện mâu thuẫn giữa xe ôm truyền thống và tài xế công nghệ không còn mới, song nó vẫn âm ỉ tồn tại kể từ cái ngày những nền tảng Uber hay Grab xuất hiện ở Việt Nam. Tại các nhà ga, bến xe, bệnh viện - địa bàn hoạt động của cánh xe ôm truyền thống, họ thường tìm cách bảo vệ thị phần ít ỏi của mình, không cho đội ngũ tài xế công nghệ bước chân vào.
"Tôi không thể lái xe vào bến xe để đón khách; xe ôm truyền thống sẽ ra đuổi đánh tôi”, Đạo kể. Nhóm xe ôm truyền thống vẫn thường mạo danh tài xế Grab bằng cách mặc đồng phục giả để cố gắng lấy lòng khách hàng.
“Các tài xế truyền thống thường tự tổ chức thành nhóm một cách không chính thức,” các nhà nghiên cứu Bình Nguyễn và Sarah Turner cho biết trong bài báo đăng trên trang Asia Pacific Viewpoint.
“Hình thức tổ chức này thường bắt nguồn từ các tổ chức lái xe giống như mafia… Những tổ chức này giám sát và bảo vệ các hoạt động và lãnh thổ của xe ôm truyền thống để đổi lấy phí bảo kê hàng tháng”, nhà nghiên cứu nhận xét.
"Vấn đề về những kẻ mạo danh Grab không chỉ dẫn đến trải nghiệm tiêu cực cho người dùng mà còn gây ra mối lo ngại về an toàn cho hành khách và đối tác của chúng tôi,” Xiuxing Aw, trưởng bộ phận truyền thông khu vực của Grab cho biết. Đồng thời khuyến nghị đối tác tài xế nên báo cơ quan quản lý, công an nếu gặp nguy hiểm.
Đặng Trường Sơn, một người lái xe ôm truyền thống cho biết ông đã phải giành giật "lãnh địa" tại một bến xe buýt của một hãng hàng không giá rẻ ở trung tâm Hà Nội. Ông đã giữ địa bàn gần 20 năm, sẵn sàng ra tay với bất kỳ kẻ nào nhăm nhe địa phận này.
“Nếu khách đặt qua app thì tôi không can thiệp được” Sơn nói. Nhưng nếu ông nhìn thấy tài xế công nghệ tiếp cận một khách hàng tiềm năng trên khu vực của mình, chuyện sẽ vô cùng căng thẳng.
"Tôi sẽ đuổi họ đi. Nếu họ vẫn lì lợm, cứ lấy mũ bảo hiểm mà ra tay thôi", Sơn chia sẻ.
Kể từ khi ứng dụng gọi xe xuất hiện vào năm 2014, thu nhập của Sơn đã giảm hơn một nửa. Song, ông không thể làm việc với Grab vì không có giấy tờ. Do đó, ông chọn mua một chiếc áo Grab giả để mặc.
Một số tài xế xe ôm truyền thống cảm thấy đồng phục Grab dù thật hay giả đều giúp hợp pháp hóa công việc của họ. Ông Nguyễn Văn Cường, 70 tuổi, nói với Rest of World rằng ông vẫn thường được người ta gọi chở vì thấy đồng phục Grab trên người.
Đại diện truyền thông Grab cho biết công ty thường thay đổi địa điểm đón khách so với đề xuất vì lý do an toàn. Các tài xế ở TP HCM cũng đã nghĩ ra nhiều giải pháp như yêu cầu hành khách đi bộ ra xa nơi xe ôm truyền thống không thể phát hiện ra.
Ngoài ra, họ cũng chỉ cho nhau cách phân biệt tài xế công nghệ và xe ôm truyền thống nhờ đồng phục không đồng đều tới các phụ kiện hỗ trợ. “Cần có kinh nghiệm để có thể nhận ra tài xế Grab giả,” Lê Tùng, một tài xế của Be nói.
Nhưng không phải lúc nào việc yêu cầu khách hàng di chuyển tới điểm xa hơn cũng dễ dàng. Nguyễn Tú làm đối tác cho Grab từ năm 2018, chia sẻ anh từng gọi điện cho khách hàng và nhờ họ đi tới điểm an toàn hơn, song yêu cầu của anh bị từ chối.
Anh thường phải hủy chuyến ở những điểm nguy hiểm như bến xe An Sương - nơi "đảm bảo 100% bị đánh".
“Xe ông truyền thống đuổi chúng tôi. Họ chửi bới mà chúng tôi không dám phản kháng. Bởi nếu làm thế, tôi sẽ bị họ đánh", Lê Tùng nói.