Từ 1/10, phụ tùng ô tô nhập khẩu được miễn kiểm tra trong trường hợp nào?
Từ ngày 1/10/2023, linh kiện, phụ tùng ô tô con khi có giấy chứng nhận của EU và UK nhập khẩu về Việt Nam sẽ được miễn kiểm tra, thử nghiệm.
Bộ Giao thông Vận tải đã công bố thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đăng kiểm nhằm hướng dẫn thực hiện quy định tại Nghị định 60/2023 quy định về việc kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ô tô nhập khẩu và linh kiện nhập khẩu theo các Hiệp định mà Việt Nam là thành viên có hiệu lực từ ngày 1/10 tới đây.
Theo đó, từ ngày 1/10/2023, linh kiện, phụ tùng của ô tô con được sản xuất tại EU, UK và đã được thử nghiệm, chứng nhận tại EU, UK thỏa mãn các quy định của ECE và EC về Việt Nam sẽ được miễn kiểm tra, thử nghiệm. Đối với ô tô con sẽ áp dụng quy định này từ ngày 1/8/2025.
Từ 1/10, phụ tùng ô tô nhập khẩu được miễn kiểm tra trong trường hợp nào? Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, quy định này sẽ không áp dụng đối với các loại ô tô nhập khẩu và linh kiện ô tô nhập khẩu phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh theo kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đối với các linh kiện và ô tô nhập khẩu có thời điểm về đến cảng, cửa khẩu Việt Nam trước ngày hiệu lực được nêu trong nghị định này thì không áp dụng quy định trên.
Nghị định nhằm nội luật hóa Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-Len (UKVFTA) đã được Việt Nam ký kết ngày 1/8/2020.
Theo tinh thần của các hiệp định trên, hàng hóa thuộc Phụ lục 2-B (gồm ô tô thuộc nhóm M1 (ô tô con) và linh kiện, phụ tùng của ô tô con) được sản xuất tại quốc gia tham gia hiệp định nếu đã được thử nghiệm, chứng nhận tại nước xuất khẩu theo các quy định của Ủy ban Kinh tế Liên hợp quốc về châu Âu – UNECE (đối với ô tô con và linh kiện, phụ tùng ô tô con) hoặc của Ủy ban châu Âu – EC (đối với ô tô con) và không có yếu tố đe dọa đến an toàn kỹ thuật, môi trường của nước nhập khẩu thì nước nhập khẩu sẽ phải thừa nhận kết quả thử nghiệm, chứng nhận tại nước xuất khẩu. Đây là quy định để thuận lợi cho hàng hóa nhập khẩu từ các nước tham gia hiệp định.
Đồng thời, quy định rõ hiệu lực áp dụng quy định này, cụ thể, đối với linh kiện, phụ tùng của ô tô con sẽ áp dụng sau 3 năm kể từ khi ký kết Hiệp định, đối với ô tô con sẽ áp dụng sau 5 năm kể từ khi ký kết Hiệp định.
Để triển khai thực hiện hiệp định, Chính phủ đã ban hành Nghị định 60, từ đó, tạo ra hành lang pháp lý để các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện các thủ tục hành chính nhằm thừa nhận giấy chứng nhận, kết quả đánh giá sự phù hợp cấp cho xe cơ giới và phụ tùng, thiết bị của xe cơ giới.
Đồng thời, hướng dẫn quy trình, hồ sơ, thủ tục về việc kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô nhập khẩu và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức.