Thứ sáu, 03/01/2025 - 10:07

Bài học từ việc xây dựng khu tái định cư ở Tây Nguyên

Qua thực tế tại Tây Nguyên cho thấy, việc bố trí tái định cư cần tính toán kỹ lưỡng nhằm bảo đảm sinh kế để tiếp sức cho người dân xây dựng tương lai tươi sáng.

Bài học từ việc xây dựng khu tái định cư ở Tây Nguyên

Việc xây dựng khu tái định cư cần tính toán kỹ lưỡng, phù hợp với tập tục và đời sống sản xuất của người dân. Ảnh: Phan Tuấn

Cần bảo đảm sinh kế cho người dân

Nói về Dự án tái định cư 800 tỉ đồng ở xã Đắk P’lao, ông Trần Nam Thuần, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong (Đắk Nông) cho rằng, câu chuyện ổn định dân cư ở dự án này đã và đang để lại nhiều bài học cho địa phương.

Theo ông Thuần, sau gần 15 năm đi vào hoạt động, dự án tái định cư có quy mô lớn này vẫn chưa giải quyết triệt để quyền lợi cho nhiều hộ dân bị thu hồi đất.

Trong đó, có nhiều hộ vẫn chưa được cấp đất sản xuất, các hộ đã được cấp đất cũng gặp khó khăn trong canh tác do đất dốc và cằn cỗi.

Ảnh: Bảo Trung

Ảnh: Bảo Trung

Theo UBND huyện Đắk Glong, hiện nay, toàn khu tái định cư Đắk P’lao vẫn còn thiếu hơn 100ha đất sản xuất chưa được bố trí cho người dân.

Trong khi đó, huyện lại rơi vào thế bị động vì toàn bộ khu tái định cư chỉ được bàn giao lại sau khi hoàn thiện cơ bản nhưng còn thiếu nhiều hạng mục, cũng như hạ tầng thiết yếu.

Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, kéo theo nhiều hệ lụy mà đến nay địa phương vẫn chưa thể xử lý dứt điểm.

Ảnh: Phan Tuấn

Ảnh: Phan Tuấn

Ông Trần Nam Thuần, Chủ tịch UBND huyện, nhận định: “Nếu chủ đầu tư dự án phối hợp chặt chẽ với địa phương trong việc khảo sát địa điểm, đánh giá kỹ đời sống và tập quán của người dân nông thôn thì tình hình đã có thể khác".

"Hiện tại, điều quan trọng nhất là rà soát quỹ đất còn lại trên địa bàn, đặc biệt tại những khu vực người dân đang canh tác ổn định và đạt năng suất cao, để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đây là nền tảng để bà con an tâm ổn định cuộc sống" - ông Thuần chia sẻ.

Họp bàn kỹ lưỡng để tránh lãng phí

Bà Y Kim Lý, Bí thư Đảng ủy xã Đăk Pét, huyện Đăk Glei (Kon Tum) cho rằng, việc khu tái định cư chỉ có 1 hộ dân đến ở là thất bại trong việc tìm hiểu và nghiên cứu văn hóa của cư dân bản địa.

Điều này phản ánh việc phân bổ vốn và triển khai dự án thiếu hiệu quả, coi nhẹ tính khả thi của việc di dân. Bà Y Kim Lý đề xuất cần gắn trách nhiệm cụ thể cho chủ đầu tư và người đứng đầu khi dự án gây lãng phí nguồn lực Nhà nước.

Ảnh: Bảo Trung

Ảnh: Bảo Trung

Theo bà Y Kim Lý, trước khi thực hiện dự án di dân tái định cư, các ban ngành chức năng cần nghiên cứu kỹ lưỡng và tham vấn ý kiến cộng đồng.

Thực tế cho thấy, đối với các dự án lớn có ảnh hưởng đến nhiều hộ dân thì tham vấn cộng đồng là phương pháp hiệu quả để đánh giá tính khả thi.

Nếu như ngay từ đầu, chủ đầu tư thuyết minh rõ ràng về địa điểm xây dựng khu tái định cư, đồng thời lắng nghe ý kiến và đánh giá của người dân, thì mọi chuyện đã khác.

"Nếu địa điểm mới đảm bảo điều kiện tốt, có đất sản xuất và an toàn trước thiên tai thì người dân sẽ tin tưởng và sẵn sàng dọn về" - bà Y Kim Lý, Bí thư Đảng ủy xã Đăk Pét chia sẻ thêm.

Ảnh: Thanh Tuấn

Ảnh: Thanh Tuấn

Ông Lê Viết Nam – Chủ tịch UBND huyện Đắk Glei cho biết: “Dự án làng tái định cư Đăk Đoát được thực hiện từ các nhiệm kỳ trước, làng không có người dân đến ở là sự việc đáng tiếc, không ai mong muốn.

Dự án chưa phát huy hết hiệu quả cũng là bài học cần rút ra cho tương lai khi quyết định đầu tư. Chính quyền huyện sẽ nỗ lực vận động, tuyên truyền người dân đến ở để bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe trong mùa mưa lũ, thiên tai".

Chia sẻ thêm về dự án này, ông Nam cho rằng công tác di dân, tái định cư chưa bao giờ là việc dễ dàng, bởi nó phải luôn gắn liền với đất sản xuất, vì đất đai là yếu tố thiết yếu đối với người dân.

“Nếu chủ đầu tư chịu khó nghiên cứu, tính toán cẩn thận và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân bản địa, thì có lẽ sẽ không xảy ra cảnh nhà hoang, làng vắng như ở khu tái định cư thôn Đăk Đoát hiện nay” - ông Nam tiếc nuối.

Ảnh: Bảo Trung

Ảnh: Bảo Trung

Ông Nguyễn Đình Trung, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, tỉnh đã có sự đánh giá tổng thể về những ưu điểm, thành công cũng như các tồn tại, hạn chế của các dự án tái định cư trên địa bàn trong những năm qua.

Trong thời gian tới, bên cạnh việc giải ngân vốn đầu tư công và giải phóng mặt bằng cho các dự án trọng điểm, tỉnh sẽ đặc biệt chú trọng công tác di dời, bố trí tái định cư cho bà con. Việc này sẽ được thực hiện theo phương châm nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ.

Ảnh: Bảo Trung

Ảnh: Bảo Trung

Theo ông Nguyễn Đình Trung, trước khi đón người dân đến khu tái định cư, các đơn vị liên quan phải triển khai đồng bộ dự án theo đúng quy định pháp luật. Hạ tầng như điện, đường, trường học, trạm y tế và đặc biệt là đất canh tác phải được bảo đảm đầy đủ.

Cơ quan chức năng tại địa phương, nơi giải phóng mặt bằng, cần nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của người dân để đề xuất lên cấp có thẩm quyền giải quyết. Điều này không chỉ bảo đảm an ninh trật tự mà còn hạn chế tối đa các khiếu kiện liên quan đến đất đai.

Khi người dân đã đến sinh sống tại khu tái định cư, chính quyền địa phương cần cử cán bộ thường xuyên theo dõi, tìm hiểu hoàn cảnh và nhu cầu của bà con. Việc này giúp kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh, hỗ trợ người dân ổn định lâu dài tại nơi ở mới.

"Tỉnh ủy và UBND tỉnh luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi với các quyết sách và cơ chế kịp thời, đảm bảo người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, an cư lạc nghiệp trên vùng đất mới" - ông Nguyễn Đình Trung chia sẻ thêm.

 

 

Lượt xem: 7
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật