Dịch sởi chưa hạ nhiệt, bệnh tay chân miệng bắt đầu vào mùa tại Cần Thơ
Số ca bệnh tay chân miệng chưa ở mức báo động, tuy nhiên, bệnh có khả năng gia tăng khi vào mùa Hè.
Bác sĩ kiểm tra bệnh nhi có dấu hiệu bệnh tay chân miệng. Ảnh: Phong Linh
Từ cuối năm 2024 đến nay, tại TP Cần Thơ, số ca mắc bệnh sởi luôn duy trì ở mức cao so cùng kỳ. Đặc biệt thời điểm tháng 10 và tháng 11 năm 2024, tại khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, có ngày ghi nhận hơn 200 ca sốt phát ban (bao gồm cả bệnh sởi). Số ca tăng nhanh, biến chứng nặng, các bác sĩ phải túc trực, can thiệp thở máy cho bệnh nhi.
Khoảng tháng 2 đến tháng 3 năm 2025, tình hình có chuyển biến tích cực khi số ca mắc sởi đã giảm khoảng một nửa so với đỉnh dịch. Trong số 80 - 100 ca bệnh điều trị nội trú mỗi ngày, có khoảng 7 - 10% bệnh nhi biến chứng sang viêm phổi, suy hô hấp.
Tuần đầu tháng 5, trao đổi với Lao Động về tình hình bệnh sởi, Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Hùng Dũng - Trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ - thông tin, chỉ còn 40 - 50 ca nội trú/ngày. Số liệu thống kê cho thấy khả năng kiểm soát bệnh này, tuy nhiên không ngoài khả năng bệnh chưa dứt điểm.
"Khi thấy trẻ sốt cao liên tục hoặc biểu hiện phát ban thì phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám, định bệnh rõ ràng, hướng điều trị chăm sóc kịp thời. Đặc biệt, đối với những trẻ chưa được tiêm phòng đầy đủ, phụ huynh cần nhanh chóng đưa con đi tiêm để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng" - bác sĩ Dũng chia sẻ.
Điều đáng chú ý là trong khi đó, số ca tay chân miệng đã bắt đầu có dấu hiệu nhen nhóm, khi trung bình có 30 - 40 ca nội trú/ngày. Bác sĩ Dũng cho biết, để chủ động ứng phó khi bệnh có khả năng gia tăng nhanh chóng khi vào mùa Hè, bệnh viện đã chuẩn bị mọi thiết bị y tế, nguồn thuốc điều trị.
"Ở khoa Nhiễm, chúng tôi tiếp nhận bệnh nhân không chỉ ở Cần Thơ mà còn các tỉnh lân cận. Hiện khoa có khoảng 200 giường bệnh và phân chia từng khu bệnh nặng. Cùng với việc chuẩn bị thuốc điều trị, khi lượng bệnh vượt ngưỡng sẽ ứng phó sắp xếp kịp thời" - ông Dũng nói thêm.
Được biết, hiện bệnh tay chân miệng chưa có thuốc đặc trị. Vì vậy, cha mẹ phải đưa trẻ đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế đảm trách việc điều trị bệnh nếu thấy trẻ có biểu hiện sau: Sốt cao liên tục 39 độ C không hạ sau khi đã hạ sốt tích cực; giật mình chới với, hốt hoảng, thất thần; run chi; yếu chi; trẻ đi đứng loạng choạng; trẻ đảo mắt bất thường; nôn ói nhiều; quấy khóc...
Nếu trong gia đình có nhiều trẻ, cách ly tuyệt đối giữa trẻ lành và trẻ bệnh bằng nhiều cách tùy theo hoàn cảnh gia đình như gửi trẻ lành tạm thời ở một nơi khác; khuyến khích trẻ bệnh không nên chơi chung với trẻ lành trong thời gian mắc bệnh; cần giám sát chặt chẽ các hoạt động của trẻ bệnh trong sinh hoạt thường nhật. Người lớn khi tiếp xúc và chăm sóc trẻ bệnh nên mang khẩu trang y tế cho mình và cho trẻ.
UBND TP Cần Thơ cũng có công văn tăng cường công tác phòng, chống dịch trong giai đoạn giao mùa. Theo đó, sẽ triển khai phương án cụ thể, sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh trên địa bàn trong mùa Hè; không để bùng phát hoặc phát sinh mới các ổ dịch, nhất là các bệnh truyền nhiễm có số mắc, tử vong cao như dại, sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi,…