Sinh viên biến ý tưởng “điên rồ” thành sản phẩm
Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị với những định hướng chiến lược về phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đang mở ra một kỷ nguyên mới cho Việt Nam. Đây không chỉ là kim chỉ nam cho sự phát triển đất nước mà còn là lời hiệu triệu gửi gắm niềm tin sâu sắc vào thế hệ trẻ, đặc biệt là sinh viên – những người chủ tương lai của đất nước.
Với sức trẻ, trí tuệ và tinh thần tiên phong, sinh viên giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong việc đưa Nghị quyết 57 vào đời sống. Trong đó, không ít bạn trẻ đã từng bước biến những ý tưởng của mình thành sản phẩm phục vụ cuộc sống.
Bài 1: Kỳ lạ cây cối trò chuyện với con người
“Tôi đang tắm nắng nhưng hơi khát. Bạn có thể cho tôi xin ít nước không?” là cách cây bắt chuyện với người dùng, qua ứng dụng Nature Voice của một nhóm sinh viên trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ứng dụng này giúp người dùng chăm sóc cây, nâng cao kiến thức và ý thức bảo vệ thiên nhiên, đồng thời coi cây cối như người bạn, có thể "tâm sự" bất cứ lúc nào.
Ứng dụng công nghệ tạo sự khác biệt
Ứng dụng Nature Voice kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ Internet of Things (IOT) nhằm tạo ra một cầu nối giữa con người và thiên nhiên được phát triển bởi nhóm 5 bạn trẻ trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội gồm: Nguyễn Khắc Công, Nguyễn Văn Phú, Bùi Đinh Lam (ngành Khoa học dữ liệu), Nguyễn Trọng Nghĩa và Nguyễn Quang Ngọc (ngành Công nghệ thông tin - Truyền thông). Ứng dụng từng giành giải Nhất cuộc thi “Thử thách công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào kết nối chuỗi cung ứng doanh nghiệp vừa và nhỏ (RESET 2024) do Thành đoàn Hà Nội tổ chức.
Theo Trưởng nhóm Nguyễn Khắc Công, Nature Voice ra đời từ một vấn đề thực tế: Thế hệ trẻ hiện nay, đặc biệt là Gen Z và Gen Alpha, lớn lên trong môi trường công nghệ số, nơi tiếp xúc với thiên nhiên dần trở nên hạn chế. Điều này làm giảm ý thức bảo vệ môi trường và sự gắn kết với thiên nhiên.
![]() |
Ứng dụng từng giành giải Nhất cuộc thi “Thử thách công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào kết nối chuỗi cung ứng doanh nghiệp vừa và nhỏ |
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu đã nhận thấy một khoảng trống trên thị trường, thiếu những sản phẩm vừa mang tính tương tác vừa có khả năng giáo dục để thúc đẩy ý thức bảo vệ thiên nhiên.
“Khi biết đến cuộc thi Green Industrial AI Challenge (cuộc thi ứng dụng AI hướng đến mục tiêu phát triển xanh, bền vững) mình nghĩ ngay đến việc chăm sóc cây. Là sinh viên ngành Khoa học dữ liệu, từ lâu mình đã ấp ủ làm phần mềm có thể tương tác với người dùng như bạn bè. Mình tự hỏi "Tại sao không để cây là người bạn thân, vừa cần được quan tâm, vừa có thể quan tâm mình”, Công chia sẻ.
Nêu ý tưởng với nhóm bạn, Công được hưởng ứng. Một khảo sát tại Mỹ mà nhóm tìm được cho thấy hai phần ba người dân sở hữu hai cây trong nhà trở lên. Việt Nam không có khảo sát chính thức nào nhưng qua thực tế, nhóm thấy hầu như mọi nhà, công sở có chậu cây. Tuy nhiên, không ít người quên hoặc không biết cách chăm sóc. Ở khía cạnh khác, những người này cũng có thể gặp stress do công việc, học tập.
“Tận dụng mô hình trí tuệ nhân tạo và ngôn ngữ lớn, chúng mình có thể giải quyết hai vấn đề trên", Nguyễn Văn Phú thành viên của nhóm cho biết.
![]() |
Trưởng nhóm Nguyễn Khắc Công giới thiệu về Ứng dụng Nature Voice |
Nghiên cứu suốt ba tháng, nhóm tạo ra bản thử nghiệm với các tính năng như mong muốn. Mỗi chậu cây sẽ được trang bị một thiết bị cảm biến nhỏ để thu thập các yếu tố môi trường quan trọng như: Nhiệt độ, độ ẩm đất-không khí và ánh sáng.
Những cảm biến này sẽ liên tục theo dõi tình trạng của cây trong thời gian thực và truyền dữ liệu về ứng dụng qua kết nối không dây. Điều này cho phép người dùng nắm bắt tình trạng của cây dễ dàng mà không cần kiểm tra thủ công. Nó cũng cung cấp dữ liệu chính xác để AI đưa ra các gợi ý chăm sóc.
Hướng đến phát triển bền vững
Đặc biệt, các cảm biến gửi dữ liệu thu thập được về ứng dụng di động, AI xử lý và chuyển đổi thông tin thành những phản hồi sinh động. Cây có thể “nói” với người chăm sóc như một người bạn thực sự, với những câu trả lời đơn giản nhưng đầy cảm xúc, như: “Tôi cảm thấy rất khỏe, cảm ơn bạn đã chăm sóc tôi!” hoặc “Tôi đang cảm thấy khát, làm ơn cho tôi xin ít nước!” Những phản hồi này không chỉ dựa trên các yếu tố môi trường mà còn phản ánh trạng thái sức khỏe thực tế của cây.
Bằng việc phát triển AI giao tiếp tự nhiên, Nature Voice tạo ra một trải nghiệm gần gũi, nơi cây không chỉ là một vật thể sống trong nhà mà là một “người bạn” có thể tương tác. Mỗi cây sẽ có một “tính cách” riêng biệt, được AI tạo ra dựa trên cách người dùng chăm sóc cây.M ột cây được chăm sóc tốt sẽ thể hiện những phản hồi vui vẻ, lạc quan, trong khi một cây bị bỏ bê có thể thể hiện sự “buồn bã” qua các câu trả lời.
![]() |
Qua ứng dụng cây cối có thể trò chuyện với con người |
Điều này tạo ra một sự tương tác thú vị và đầy cảm hứng, giúp người dùng cảm thấy gắn kết và có trách nhiệm hơn với cây cối, từ đó phát triển thói quen bảo vệ môi trường. “Chúng mình muốn mỗi người khi chăm sóc cây không chỉ xem đó là trách nhiệm, mà còn là niềm vui và cảm hứng. Việc cây có thể “nói chuyện” sẽ giúp tạo ra sự gắn kết cảm xúc, từ đó hình thành thói quen chăm sóc cây và yêu thiên nhiên một cách tự nhiên nhất,” Nguyễn Khắc Công, Trưởng nhóm chia sẻ.
Nature Voice còn kết nối với các nền tảng mạng xã hội như TikTok và Instagram, giúp người dùng chia sẻ khoảnh khắc chăm sóc cây của mình. Điều này không chỉ khuyến khích người dùng tiếp tục chăm sóc cây mà còn tạo ra một cộng đồng mạnh mẽ, cùng nhau lan tỏa thông điệp sống xanh và bảo vệ thiên nhiên. Tính năng này giúp dự án thu hút sự quan tâm của các bạn trẻ, đặc biệt là Gen Z và Gen Alpha, những người rất năng động trên mạng xã hội và có khả năng truyền tải thông điệp mạnh mẽ.
Theo nhóm bạn trẻ Nature Voice không chỉ là một công cụ chăm sóc cây mà còn là một nền tảng giáo dục về bảo vệ môi trường, giúp người dùng có thể kết nối, hiểu và yêu quý thiên nhiên hơn qua công nghệ.
Đưa khoa học công nghệ vào đời sống
Theo các thành viên của nhóm, một trong những thách thức lớn nhất trong 3 tháng triển khai dự án là quá trình phát triển công nghệ AI giao tiếp tự nhiên, sao cho cây có thể “nói chuyện” một cách chân thực, không mang tính máy móc. Nhóm gặp khá nhiều khó khăn khi triển khai tích hợp công nghệ AI giao tiếp tự nhiên với cảm biến IoT, làm thế nào để dữ liệu được xử lý chính xác, có ý nghĩa trong khi phải đối mặt với giới hạn về thời gian và tài nguyên, đặc biệt trong việc phát triển các tính năng giao tiếp của cây sinh động mà không quá phức tạp.
![]() |
Nature Voice được đánh giá cao nhờ mang đến một bước tiến mới trong lĩnh vực công nghệ chăm sóc cây cối |
Tuy nhiên, nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên, nhóm đã vượt qua những thử thách này. “Mỗi lần thử nghiệm thành công, khiến cây cối ngày càng trở nên có “hồn” hơn, chúng mình lại cảm thấy vui và được tiếp thêm nguồn động lực rất lớn” Bùi Đình Lam, thành viên nhóm chia sẻ.
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng quá trình triển khai dự án mang đến cơ hội để các thành viên hiểu thêm về nhu cầu thực tế của người dùng và cách xây dựng các giải pháp có tính ứng dụng cao – chìa khóa để thành công trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đặc biệt đưa khoa học công nghệ vào đời sống như tinh thần Nghị quyết 57 đã đề ra.
Vì thế, Nature Voice được đánh giá cao nhờ mang đến một bước tiến mới trong lĩnh vực công nghệ chăm sóc cây cối và mang ý nghĩa sâu sắc về giáo dục môi trường. Ứng dụng không chỉ là một minh chứng cho sự sáng tạo của thế hệ trẻ Việt Nam mà còn khẳng định tiềm năng của công nghệ trong việc kiến tạo một thế giới bền vững hơn.
Hiện, nhóm tiếp tục phát triển bản thử nghiệm của ứng dụng. Cảm biến IoT nhóm đang sử dụng là sản phẩm sẵn có trên thị trường, giá 200 -350.000 đồng. Thời gian tới, nhóm muốn tìm đối tác để tạo ra cảm biến riêng với chi phí thấp hơn, hoặc phát triển ứng dụng theo hướng không cần cảm biến.
Dự kiến, nhóm cùng nhau startup, tìm kiếm nhà đầu tư để đưa sản phẩm ra thị trường với tham vọng mở rộng tính năng tích hợp nhà thông minh và chăm sóc cả các vườn cây ngoài trời. Đặc biệt, nhóm cũng ứng dụng những công nghệ này vào lĩnh vực giáo dục với các dự án cụ thể như dạy và học tiếng Anh, tạo chatbot trong trường học.
(Còn nữa)