Thông tin thống kê phục vụ xây dựng chính sách phát triển kinh tế nông thôn
Các thông tin thống kê về thực trạng phát triển các vùng nông thôn, nông nghiệp, nông dân đóng vai trò đặc biệt quan trọng, phục vụ hoạch định, điều chỉnh chính sách sát thực tiễn, phù hợp với yêu cầu phát triển trong tình hình mới như hiện nay.
Sự hợp tác của mỗi người dân sẽ góp phần quan trọng tạo nên bức tranh toàn diện về nông thôn Việt Nam
Kinh tế nông thôn không chỉ là trụ cột của ngành nông nghiệp, mà còn là nền tảng bảo đảm an sinh, ổn định xã hội và phát triển bền vững quốc gia. Trong bối cảnh hiện nay, khu vực nông thôn Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức trong quá trình phát triển kinh tế theo hướng xanh, hiệu quả và bền vững. Chính vì vậy, các thông tin thống kê về thực trạng phát triển các vùng nông thôn, nông nghiệp, nông dân đóng vai trò đặc biệt quan trọng, phục vụ hoạch định, điều chỉnh chính sách sát thực tiễn, phù hợp với yêu cầu phát triển trong tình hình mới như hiện nay.
Chính sách trợ lực, tạo đòn bẩy cho kinh tế nông thôn
Nông thôn Việt Nam là khu vực cung cấp lực lượng lao động chính cho nền kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Bên cạnh vai trò sản xuất, khu vực nông thôn còn giữ gìn giá trị văn hóa, môi trường sinh thái và là không gian sống thiết yếu của hàng triệu người dân. Chính vì vậy, phát triển kinh tế nông thôn bền vững không chỉ là mục tiêu của riêng ngành nông nghiệp, mà còn là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong dài hạn.
Trong nhiều năm, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, nhằm tạo động lực và làm nền tảng vững chắc để khu vực nông thôn chuyển mình mạnh mẽ, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị, bảo đảm công bằng và bền vững. Một trong những chương trình trọng tâm và tiêu biểu là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, được triển khai từ năm 2010 và liên tục được nâng cấp qua các giai đoạn. Qua đó, Chương trình đã góp phần tích cực phát triển toàn diện, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Song song với đó, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định rõ quan điểm: Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế; nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; môi trường xanh, sạch, đẹp; đời sống văn hóa lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn là trách nhiệm, nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng; đề cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Để tăng cường phát triển kinh tế nông thôn, Chính phủ cũng triển khai nhiều chính sách tín dụng ưu đãi, lồng ghép trong các chương trình khác, qua đó khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hỗ trợ chuyển đổi sinh kế bền vững cho người dân vùng khó khăn, vùng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.
Ở cấp địa phương, nhiều tỉnh, thành phố đã triển khai chính sách tập trung vào: hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng sản xuất, khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo nông thôn, hỗ trợ sản phẩm OCOP, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử…
Mặc dù phát triển kinh tế khu vực nông thôn luôn được quan tâm, chú trọng, nhưng đến nay, thực trạng thu nhập còn thấp, thiếu việc làm ổn định, cơ sở hạ tầng yếu kém, chất lượng nguồn nhân lực hạn chế… vẫn tồn tại và là rào cản đối với tăng trưởng khu vực nông thôn. Điều đó đòi hỏi một nền tảng dữ liệu đủ mạnh để phục vụ công tác hoạch định chính sách, phân tích xu hướng phát triển, phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia và đáp ứng các yêu cầu mới trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Thông tin thống kê cung cấp dữ liệu phục vụ xây dựng chính sách phát triển kinh tế nông thôn bền vững
Ở Việt Nam, tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp là cuộc điều tra lớn, được thực hiện định kỳ 10 năm/lần nhằm thu thập, xử lý và cung cấp dữ liệu toàn diện về thực trạng nông nghiệp, nông thôn và nông dân trên phạm vi cả nước. Cuộc Tổng điều tra định kì lần thứ 6 hiện đang được Cục Thống kê chủ trì thu thập thông tin bắt đầu từ ngày 01/7/2025 với quy mô lớn, thu thập thông tin cơ bản về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và nông thôn nhằm phục vụ việc đánh giá thực trạng, phân tích xu hướng biến đổi, xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển nông thôn, khu vực nông, lâm, thủy sản và cải thiện mức sống dân cư nông thôn trên phạm vi cả nước cũng như của từng địa phương.
Bên cạnh đó, kết quả Tổng điều tra còn phục vụ nghiên cứu đánh giá quy mô, cơ cấu lao động nông thôn và lao động nông, lâm, thủy sản; thay đổi kết cấu hạ tầng nông thôn; tình hình thực hiện một số nội dung của các chương trình, mục tiêu quốc gia; phục vụ so sánh quốc tế về các chỉ tiêu nông thôn và khu vực nông, lâm, thủy sản.
Các kết quả có được sẽ là nguồn số liệu quý giá để xây dựng cơ sở dữ liệu về nông thôn và nông, lâm, thủy sản; phục vụ công tác nghiên cứu chuyên sâu, làm dàn chọn mẫu cho một số cuộc điều tra định kỳ hàng năm về lĩnh vực nông, lâm, thủy sản và đáp ứng các yêu cầu thống kê khác.
Để tránh trùng lặp, bỏ sót đơn vị điều tra, bắt đầu từ ngày 01/3 đến ngày 30/5/2025, ngành Thống kê đã tiến hành thu thập thông tin lập bảng kê hộ dân cư tham gia hoạt động nông, lâm nghiệp và thủy sản. Đây là một trong những công đoạn quan trọng, đóng vai trò nền tảng cho toàn bộ cuộc Tổng điều tra.
Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 được ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các công đoạn gồm: Lập bảng kê, quản lý mạng lưới điều tra, phân công điều tra viên và giám sát viên, thu thập thông tin, giám sát điều tra và làm sạch số liệu, khai thác kết quả… Ngoài ra, Cục Thống kê đã nghiên cứu áp dụng công nghệ học máy hỗ trợ kiểm tra, rà soát mã ngành kinh tế, ứng dụng AI hỗ trợ công tác thu thập thông tin, sử dụng định vị GPS của đơn vị điều tra trong công tác điều hành tác nghiệp, giám sát thực hiện điều tra và phổ biến kết quả.
Thu thập thông tin Tổng điêu tra nông thôn, nông nghiệp
tại thành phố Cần Thơ
Đặc biệt, Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp được thực hiện trong bối cảnh cả nước vừa sắp xếp lại địa giới hành chính và thực hiện tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp. Do đó, thông tin của Tổng điều tra sẽ có ý nghĩa rất lớn trong định hướng chính sách phát triển kinh tế nông thôn theo đơn vị hành chính mới.
Có thể nói, Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 không chỉ là một nhiệm vụ thống kê đơn thuần, đây còn là “cuộc tổng rà soát” toàn diện, khoa học và chính xác về thực trạng khu vực nông thôn - nông nghiệp, giúp định hình các chính sách phát triển bền vững, hiệu quả và sát thực tế. Vì vậy, sự hợp tác của mỗi người dân sẽ góp phần quan trọng tạo nên bức tranh toàn diện về nông thôn Việt Nam; từ đó góp phần giúp Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng hoạch định các chính sách "đúng" và "trúng", phục vụ người dân và đất nước, vì một nông thôn - nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.