Thứ sáu, 27/12/2024 - 05:40

Thanh Hóa: Tăng cường công tác chống buôn lậu khu vực biên giới

Các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phòng, chống buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua khu vực biên giới.

Tiềm ẩn nguy cơ buôn lậu tại khu vực biên giới

Trong thời gian qua, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trên địa bàn cả nước nói chung và tại tỉnh Thanh Hóa nói riêng có những diễn biến phức tạp, đã xuất hiện tình trạng một số đối tượng lợi dụng các đường mòn, lối mở để thực hiện hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có các cửa khẩu qua nước bạn Lào gồm: Cửa khẩu quốc tế Na Mèo (huyện Quan Sơn), Cửa khẩu quốc gia Tén Tằn (huyện Mường Lát) và Cửa khẩu phụ Khẹo (huyện Thường Xuân).

chống buôn lậu khu vực biên giới
Lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường nhằm phòng, chống buôn lậu tại khu vực biên giới. Ảnh: Quản lý thị trường Thanh Hóa

Riêng tại huyện biên giới xa nhất của tỉnh Thanh Hóa, Mường Lát có tuyến đường biên giới giáp với 2 huyện Viêng Xay và Xốp Bâu của tỉnh Hủa Phăn (Lào). Do đặc thù miền núi còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí của người dân chưa cao, đồng thời vị trí địa lý đồi núi phức tạp, có nhiều đường tiểu ngạch nên tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn luôn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp.

Ông Lê Văn Tỵ, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 11 (Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa) cho biết, hiện đội đang được giao quản lý địa bàn 3 huyện Quan Hóa, Quan Sơn và Mường Lát, là 3 huyện biên giới phía Tây của tỉnh Thanh Hóa; địa bàn nơi xa nhất cách trung tâm TP. Thanh Hóa hơn 240 km.

Theo ông Tỵ, đây là địa bàn rộng, địa hình chủ yếu là đồi núi với hơn 188 km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp, dân số trên 144.00.000 người, hiện có 6 dân tộc cùng sinh sống đó là Thái, Mường, Kinh, Mông, Dao và Hoa nên việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn cũng gặp nhiều khó khăn.

chống buôn lậu khu vực biên giới
Cán bộ Đội Quản lý thị trường số 11 (Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa) phối hợp với lực lượng Công an, Biên phòng kiểm tra một cơ sở kinh doanh khu vực biên giới. Ảnh: Quản lý thị trường Thanh Hóa

“Tại khu vực do chúng tôi quản lý hiện có 2 cửa khẩu chính là Cửa khẩu quốc tế Na Mèo và Cửa khẩu quốc gia Tén Tằn; hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là quặng, hàng xuất khẩu thường là vật liệu xây dựng như xi măng, sắt, thép. Hiện tổng số cơ sở sản xuất, kinh doanh đủ các thông tin theo yêu cầu của cơ sở dữ liệu INS là 740 (trong đó 667 cá nhân và 73 tổ chức).

Theo đánh giá, vài năm gần đây, tình hình thuộc địa bàn quản lý cơ bản ổn định, đáp ứng được nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân; thời gian gần đây cũng không phát sinh vụ việc nổi cộm. Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép”, ông Tỵ cho biết thêm.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Trước tình hình còn diễn biến phức tạp, đặc biệt dịp Tết 2025 đã đến gần, để chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm và tội phạm liên quan đến buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới trên địa bàn tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản yêu cầu các ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thị xã, thành phố, tập trung quán triệt và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tuyến biên giới, trên biển và địa bàn nội địa.

Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hóa giao các lực lượng chức năng như: Công an, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Quản lý thị trường tỉnh,... chủ động công tác thu thập thông tin, nắm chắc tình hình, tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới giáp Lào, không để hình thành các kho, bãi tập kết, điểm chứa hàng lậu, hàng cấm, hàng giả ở khu vực biên giới.

chống buôn lậu khu vực biên giới
Đoàn liên ngành kiểm tra cac cơ sở kinh doanh quần áo nhằm phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm. Ảnh: Quản lý thị trường Thanh Hóa

Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các lực lượng để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tội phạm liên quan đến buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; tập trung phát hiện, đấu tranh với các đường dây, nhóm đối tượng hoạt động chuyên nghiệp, phức tạp, quy mô lớn.

Ban Chỉ đạo 389 các huyện Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát, Thường Xuân, Lang Chánh chủ động phối hợp với các đồn biên phòng cửa khẩu, chi cục hải quan cửa khẩu trên địa bàn quản lý, tham mưu cho chủ tịch UBND huyện xây dựng kế hoạch, phương án triển khai các biện pháp phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; tổ chức 2 công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin, hướng dẫn, quản lý cư dân tại khu vực biên giới tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, không bao che, tiếp tay cho các đối tượng vi phạm, tích cực tố giác hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới cho lực lượng chức năng đấu tranh, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.

chống buôn lậu khu vực biên giới
Lực lượng Quản lý thị trường Thanh Hóa kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh tại cửa hàng xăng dầu thị trấn Quan Hóa (huyện Quan Hóa). Ảnh: Quản lý thị trường Thanh Hóa

Cũng trong thời gian này, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.

Riêng đối với các Đội Quản lý thị trường địa bàn tại tuyến biên giới đất liền phía Tây giáp tỉnh Hủa Phăn (Lào), cần chủ động phối hợp với lực lượng Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Công an, cấp uỷ chính quyền địa phương tăng cường kiểm soát hàng hóa từ khu vực biên giới đất liền phía Tây giáp tỉnh Hủa Phăn. Xác định ngoài địa bàn trọng điểm trong khu vực nội địa phải tập trung vào khu vực biên giới: Các đường mòn, lối mở, sông suối biên giới, cửa khẩu khu vực viên giới (Na Mèo, Tén Tằn, Bát Mọt), các tụ điểm (nếu có) kho, bãi tập kết, chứa hàng hoá nhập lậu khu vực biên giới, chợ biên giới, chợ cửa khẩu; các hành vi mua bán, vận chuyển hàng cấm, mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

chống buôn lậu khu vực biên giới
Ngoài công tác kiểm tra, giám sát, lực lượng chức năng triển khai song hành việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến từng hộ kinh doanh. Ảnh: Quản lý thị trường Thanh Hóa

Đối với các Đội Quản lý thị trường địa bàn tại tuyến biên giới biển, vùng biển phía Đông; chủ động phối hợp với lực lượng Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Công an, cấp uỷ chính quyền địa phương tăng cường kiểm soát hàng hóa từ khu vực biên giới biển, vùng biển phía đông. Xác định ngoài địa bàn trọng điểm trong khu vực nội địa phải tập trung vào khu vực biên giới biển, vùng biển: Tập trung kiểm tra tại các cảng Nghi Sơn, cảng Lễ Môn, cảng Hới, cảng dịch vụ Dầu khí tổng hợp (PTSC); các cửa lạch ven biển.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Lê Văn Tỵ, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 11 chia sẻ, để thực hiện tốt nhiệm vụ trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn quản lý, đội sẽ chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát cũng như xử lý nghiêm các hành vi vi phạm tại các khu vực cửa khẩu, đường mòn lối mở.

chống buôn lậu khu vực biên giới
Lực lượng Quản lý thị trường Thanh Hóa tiến hành ký cam kết đến từng cơ sở kinh doanh. Ảnh: Quản lý thị trường Thanh Hóa

“Đồng thời tăng cường nắm địa bàn, hoạt động của thị trường về hình thức, quy mô, tính chất hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, thương mại, công nghiệp. Đặc biệt sẽ chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và triển khai ký cam kết đến từng hộ kinh doanh, đơn vị vận chuyển hàng hóa để nâng cao ý thức, ngăn chặn hành vi vi phạm”, ông Tỵ cho biết thêm.

Còn ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 huyện Mường Lát chia sẻ thêm, hiện chúng tôi cũng đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan siết chặt kiểm tra việc vận chuyển, kinh doanh, buôn bán hàng hóa trên địa bàn. Đối với khu vực cửa khẩu, tập trung giám sát, kiểm tra vào các mặt hàng giao thương chủ yếu như hàng hóa là nông sản, vật liệu xây dựng.

Lượt xem: 8
Tác giả: Quốc Huy
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật