Doanh nghiệp Việt tăng tốc xuất khẩu, lo 'thuế chồng thuế' từ Mỹ
Nửa đầu năm 2025 đã trôi qua với kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn tăng trưởng. Tuy nhiên năm nay, các doanh nghiệp khó có thể dự báo được tình hình cuối năm bởi tất cả đều phụ thuộc vào kết quả đàm phán thuế đối ứng với Mỹ.
Thủy sản, gỗ tăng tốc xuất khẩu trước “giờ G” 9/7
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tăng trưởng ấn tượng đạt 4,2 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo, trong 6 tháng đầu năm sẽ đạt khoảng 5,1 - 5, 2 tỷ USD.
Thông tin thêm về kết quả này, chia sẻ với phóng viên, bà Lê Hằng, Phó Tổng thư ký VASEP cho biết, kể từ tháng 4, khi câu chuyện thuế đối ứng của Mỹ bắt đầu nổi lên thì các doanh nghiệp đổ xô vào xuất khẩu trước khi thuế đối ứng áp dụng ở mức cao hơn từ ngày 9/7. Do đo, nhu cầu từ các thị trường đều sự tăng tốc mạnh mẽ.

Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm có duy trì mức tăng trưởng này không thì phụ thuộc vào kết quả đàm phán thuế đối ứng với Mỹ.
Ở kịch bản khả quan, thuế đối ứng được mức 10% trở xuống thì xuất khẩu của ngành sẽ đạt mức trên 10 tỷ USD. Trong trưởng hợp thuế đối ứng cao hơn 10%, thậm chí ở mức 46% thì ngành thủy sản sẽ rất khó khăn khi “thuế chồng thuế”.
“Ngoài thuế đối ứng còn thuế chống bán phá giá với tôm thì xuất khẩu thủy sản sẽ chỉ ở mức 9 tỷ USD trở xuống”, bà Hằng nêu rõ.
Tương tự, đến hết tháng 5, ngành công nghiệp gỗ đã xuất khẩu được gần 7 tỷ USD, tăng trên 7% so với cùng kỳ năm trước. Theo ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, dù không tăng trưởng cao như mọi năm, song trong bối cảnh như hiện nay thì kết quả này là chấp nhận được.
Trước đó, các doanh nghiệp đã rất lo lắng thuế đối ứng từ Mỹ sẽ tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp gỗ của Việt Nam. Tuy vậy, do kỳ hoãn thuế đối ứng 90 ngày cho nên các doanh nghiệp cũng tranh thủ xuất khẩu. Các doanh nghiệp Việt Nam đã có đám phán và chia sẻ với các nhà nhập khẩu với tinh thần cùng chia sẻ gánh chịu rủi ro do thị trường mang tới.
Trong khi chờ đợi kết quả đàm phán, các doanh nghiệp gỗ cũng đã và đang nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sang các nước như Australia, Trung Đông và New Zealand nhằm tránh "bỏ trứng vào một giỏ". Tuy vậy, khối lượng gia tăng vào các thị trường này rất là khiêm tốn nên khó có thể bù đắp được thị trường từ Mỹ.
Trong thời gian còn lại của năm, các doanh nghiệp hiện trông đợi rất nhiều kết quả đàm phán giữa hai Chính phủ.
“Chúng tôi hi vọng hai bên tìm được tiếng nói chung minh bạch, công bằng đảm bảo các doanh nghiệp gỗ ko bị thua thiệt với các doanh nghiệp cùng ngành hàng ở các nước khác”, ông Hoài kỳ vọng.

Sẵn sàng với mọi kịch bản có thể xảy ra
Còn theo ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, sau đợt yêu cầu tăng năng lực sản xuất để giao hàng trước ngày 9/7, hiện các đối tác từ Mỹ đang có tâm lý chờ đợi thông tin áp thuế để quyết định đơn hàng sản xuất của nửa cuối quý III và quý IV.
Tuy vậy, theo ông Việt, với tỷ trọng xuất khẩu lớn, Mỹ là thị trường rất khó để thay thế. Vì vậy, để hạ giá thành trong trường hợp thuế đối ứng vẫn ở mức cao, doanh nghiệp tập trung vào tăng năng suất lao động thông qua đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao và đầu tư vào thiết bị hiện đại.
Cụ thể, doanh nghiệp đầu tư vào những máy lập trình gần như tự động hoàn toàn có thể tăng năng suất từ 20 -30%. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng tập trung vào giải pháp tiết kiệm chi phí sản xuất gồm có định mức nguyên vật liệu, định mức thời gian chế tạo ra sản phẩm cần thiết. Điều này sẽ giúp giảm giá thành sản xuất cũng như giảm áp lực giảm giá từ phía khách hàng.
“Bộ phận nghiên cứu tổ chức sản xuất cũng tập trung rất sâu vào việc phân tích các thao tác, làm thế nào tiết kiệm được thời gian chế tạo sản phẩm nhiều nhất, giúp thời gian tạo ra sản phẩm ngắn nhất, tạo ra năng tốt nhất”, ông Việt nêu rõ.
Đặc biệt, doanh nghiệp cũng đang nỗ lực đa dạng thêm là nguồn cung ứng nguyên phụ liệu, trong đó mua những vải có xuất xử nguồn gốc bông từ Mỹ. Bởi, khi chứng minh được sản phẩm làm từ vải nguồn gốc từ Mỹ thì là điểm cộng trong việc giảm mức thuế nhập khẩu vào nếu thuế đối ứng tăng trong thời gian tới.
Về đa dạng hóa thị trường, trong ngắn hạn và dài hạn, ngoài các thị trường truyền thống như Nhật bản, eu đội ngũ kinh doanh xuất khẩu đã và đang tăng cường tìm kiếm thị trường khác như Australia, New Zealand , Canada và ASEAN.

Theo Phó Tổng thư ký VASEP, các doanh nghiệp hiện đã chuẩn bị tinh thần cho mọi kịch bản có thể xảy ra. Trong bất kỳ tình huống nào, doanh nghiệp xác định nguyên tắc không “bỏ trứng vào một giỏ”, mà phải chủ động đa dạng hóa cả thị trường tiêu thụ lẫn danh mục sản phẩm.
Trong số các thị trường tiềm năng, ASEAN được xem là khu vực đệm quan trọng đối với ngành thủy sản Việt Nam nhờ vị trí địa lý gần, giúp tiết kiệm chi phí logistics. Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn tại đây nhìn chung không quá khắt khe như ở Mỹ hay EU.
Tuy nhiên, nội luật của từng quốc gia ASEAN vẫn đặt ra nhiều thách thức đáng kể. Các yêu cầu về kiểm dịch, ghi nhãn, cũng như chứng nhận Halal đã và đang làm tăng chi phí và kéo dài thời gian xuất khẩu của doanh nghiệp.
Để giảm thiểu ảnh hưởng từ các rào cản phi thuế quan và tăng khả năng cạnh tranh trong chuỗi cung ứng khu vực, bà Hằng cho rằng Việt Nam cần song song thúc đẩy cải cách chính sách trong nước và tăng cường năng lực đàm phán quốc tế.
Cụ thể, cần hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đáp ứng các rào cản kỹ thuật một cách hiệu quả. Đặc biệt, quy trình cấp chứng nhận Halal hiện còn mất nhiều thời gian – thường kéo dài vài tháng – gây chậm trễ cho hoạt động xuất khẩu. Do đó, việc đơn giản hóa thủ tục và nâng cao năng lực xử lý của các cơ quan chuyên môn là rất cần thiết, nhằm rút ngắn thời gian cấp chứng nhận xuống còn 1–2 tháng.
"Việc có một tổ chức chứng nhận Halal được các nước ASEAN công nhận sẽ giúp doanh nghiệp Việt tiết kiệm chi phí, thời gian và tránh phải kiểm toán lại tại thị trường đích. Đồng thời, nên có chính sách hỗ trợ tài chính, đào tạo và nâng cấp cơ sở cho các doanh nghiệp nhỏ, vốn gặp khó khi tiếp cận các thị trường Hồi giáo", Phó Tổng thư ký VASEP nêu rõ.