Thứ ba, 22/10/2024 - 16:26

Chấm dứt nuôi nhốt gấu tại Việt Nam – Hành trình sắp cán đích

Ngày 22/10, tại Hà Nội, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên tổ chức họp báo với chủ đề “Chấm dứt nuôi nhốt gấu tại Việt Nam – Hành trình sắp cán đích” nhằm tổng kết những nỗ lực trong gần 20 năm qua trong công tác xóa bỏ hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật tại Việt Nam.

Phát biểu tại sự kiện, bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên cho biết, từ năm 2005, khi Việt Nam phát hiện khoảng 4.000 cá thể gấu bị nuôi nhốt để lấy mật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Tổ chức Bảo vệ động vật thế giới (WAP) ban hành Quyết định số 02/2005/QĐ-BNN nhằm quản lý và từng bước chấm dứt tình trạng này. Theo quy định, các cá thể gấu bị nuôi nhốt phải được gắn chíp điện tử để quản lý và quy trình đăng ký, gắn chíp đã hoàn thành vào năm 2006. Từ đó đến nay, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên đã phối hợp với Tổ chức Động vật châu Á (AAF), Four Paws và Free The Bears để cứu hộ gấu, thúc đẩy thực thi pháp luật và nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc không sử dụng mật gấu.

Bà Maya Pastakia, Quản lý chiến dịch của Tổ chức Bảo vệ động vật thế giới (WAP) khẳng định: “Đăng ký và gắn chíp cho các cá thể gấu là một trong những bước quan trọng đầu tiên được thực hiện vào năm 2005. Dù đây là một hành trình rất dài và gian nan, nhưng cũng tương tự như nhiều đơn vị, cá nhân khác, chúng tôi rất tự hào vì hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật sẽ sớm bị xóa bỏ hoàn toàn tại Việt Nam".

Ông Trần Quốc Bảo, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Nước Việt (Four Paws Việt) cho rằng, việc chấm dứt hoàn toàn tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật không chỉ là mục tiêu trong việc bảo vệ loài gấu mà còn giúp bảo tồn hệ sinh thái của Việt Nam. Các trung tâm cứu hộ hiện đang đảm nhận vai trò quan trọng trong việc chăm sóc và phục hồi gấu, giúp chúng có cơ hội sống tốt hơn trong môi trường tự nhiên. Ông Bảo rất mong sự hợp tác từ chính quyền địa phương và các tổ chức quốc tế để hỗ trợ quá trình chuyển giao các cá thể gấu còn lại đến các trung tâm cứu hộ, nhằm đảm bảo mục tiêu chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu được thực hiện một cách triệt để.

Theo Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, tính đến tháng 8 năm 2024, số lượng gấu bị nuôi nhốt trên cả nước đã giảm mạnh từ khoảng 4.000 cá thể vào năm 2005 xuống còn 192 cá thể tại 60 cơ sở trên toàn quốc. Hiện tại, 46 trong số 63 tỉnh, thành phố đã hoàn toàn không còn tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật. Các địa phương như Lâm Đồng, Bình Dương là những điểm sáng trong việc thuyết phục thành công các chủ nuôi tự nguyện chuyển giao gấu đến các trung tâm cứu hộ.

Tuy nhiên, Hà Nội hiện vẫn là địa phương có số lượng gấu bị nuôi nhốt lớn nhất cả nước, chiếm khoảng 49% tổng số gấu còn lại, với 94 cá thể gấu đang bị nuôi nhốt tại 16 cơ sở tư nhân, phần lớn tập trung tại huyện Phúc Thọ. Mặc dù đã đạt được những bước tiến nhất định trong việc kiểm soát tình trạng nuôi nhốt gấu tại Hà Nội, nhưng cần có thêm các biện pháp mạnh mẽ hơn để chấm dứt hoàn toàn tình trạng này.

Công tác thuyết phục chủ nuôi chuyển giao gấu tuy gặp nhiều khó khăn nhưng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ tại nhiều địa phương. Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên hy vọng 17 tỉnh, thành còn lại sẽ sớm hoàn tất quá trình chuyển giao 192 cá thể gấu đến các trung tâm cứu hộ, đánh dấu chặng cuối cùng trong hành trình xóa bỏ hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật tại Việt Nam.

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên được thành lập vào năm 2000, là tổ chức phi chính phủ đầu tiên tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã. Từ năm 2007, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên đã tiên phong trong công tác đấu tranh chống buôn bán động vật hoang dã trái phép, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về việc bảo vệ các loài động vật quý hiếm. Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực, cùng các đối tác trong nước và quốc tế, hướng tới chấm dứt hoàn toàn tình trạng nuôi nhốt gấu tại Việt Nam, vì một tương lai tươi sáng hơn cho động vật hoang dã./.

Lý Thanh Hương

Lượt xem: 1
Tác giả: Lý Thị Thanh Hương
Nguồn:TTXVN Sao chép liên kết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật