Thứ ba, 22/10/2024 - 16:34

Lạng Sơn: Từng bước nâng cao thể trạng, cải thiện tầm vóc trẻ em vùng cao

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Lạng Sơn đã và đang mang lại nhiều kết quả tích cực

Thời gian qua, việc triển khai Dự án “Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em” nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Lạng Sơn đã và đang mang lại nhiều kết quả tích cực.

Sức khoẻ bà mẹ, trẻ em dần được cải thiện

Bây giờ, ở các thôn vùng III (đặc biệt khó khăn) của xã Trấn Yên huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) như: Lân Cà, Lân Hoèn, tỷ lệ đường trục thôn, ngõ xóm phần nhiều đã được cứng hóa, nước sạch cũng được kéo về trước cửa mọi nhà. Trẻ em người dân tộc thiểu số ở đây giờ được chăm sóc, đưa đón đến lớp học bán trú chứ không theo mẹ lên nương, lên rẫy như trước đây nữa.

Lạng Sơn: Từng bước nâng cao thể trạng, cải thiện tầm vóc trẻ em vùng cao
Cán bộ y tế lấy mẫu máu gót chân cho trẻ sơ sinh

Chị Bàn Thị Minh, ở thôn Lân Cà cho biết, chị em trong độ tuổi sinh đẻ ở đây được phổ biến kiến thức và thực hành trong chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em. Các mẹ được hỗ trợ tăng cường việc khám thai định kỳ, tuyên truyền sinh con tại cơ sở y tế, hạn chế thấp nhất số ca đẻ tại nhà. Đồng thời được hỗ trợ y tế trước, trong và sau khi sinh con. Trẻ em dưới 24 tháng tuổi cũng được hỗ trợ khám sức khỏe định kỳ… “Trẻ mới sinh phải bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu. Sau 6 tháng là cho ăn dặm, ăn từ loãng đến đặc. Mẹ chăm sóc cơ thể, hàng ngày vệ sinh sạch sẽ. Phải biết giữ vệ sinh, sức khỏe bà mẹ để chăm sóc con cái cho đảm bảo” - Chị Bàn Thị Minh tự tin nói.

Bà Dương Thị Hà - Trưởng Trạm Y tế xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn - cho biết, địa bàn xã hiện có trên 470 trẻ em. Trước đây, đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên việc cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em chưa được quan tâm, nhất là tại các thôn đặc biệt khó khăn như Lân Cà, Lân Hoèn. Tuy nhiên, qua hoạt động tuyên truyền, truyền thông, tư vấn, nhiều cha mẹ đã quan tâm cải thiện dinh dưỡng cho con trẻ. Tình trạng trẻ thiếu cân, suy dinh dưỡng trên địa bàn xã đã giảm đáng kể. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân trên địa bàn xã chỉ còn 15,5%, suy dinh dưỡng thể thấp còi là 16,2%.

Có được kết quả trên là sự nỗ lực lớn của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là ngành Y tế trong triển khai thực hiện Dự án “Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em” nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Lạng Sơn.

Can thiệp dinh dưỡng từ sớm

Ông Hoàng Xuân Trường - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn, cho biết, Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới có tỷ lệ người dân tộc thiểu số rất đông, chiếm gần 84% dân số toàn tỉnh (gồm: Nùng, Tày, Dao, Sán Chay, Hoa, Mông...). Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây còn rất nhiều khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới. Đặc biệt, người dân còn nhiều hủ tục lạc hậu như sinh con tại nhà, chăm sóc trẻ thiếu khoa học, thiếu trang thiết bị, dụng cụ cho chăm sóc bà mẹ, trẻ sơ sinh…

Từ thực tiễn đó, thời gian qua, tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện nội dung chăm sóc sức khoẻ nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, trước mắt là giai đoạn I, từ năm 2021 đến năm 2025.

Cùng với đó, ngành y tế và các cấp, các ngành liên đã triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện suy dinh dưỡng ở trẻ em như thực hiện “Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”; Kế hoạch hành động Chương trình “Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm phòng chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh Lạng Sơn”.

Cụ thể, hằng năm, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã triển khai can thiệp dinh dưỡng sớm cho trẻ với các hoạt động như: Triển khai mô hình Chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời tại 45/88 xã vùng III của tỉnh; tư vấn dinh dưỡng, cung cấp kiến thức dinh dưỡng hợp lý và chăm sóc trẻ cho bà mẹ có con dưới 5 tuổi; bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ em từ 6 đến 36 tháng tuổi và bà mẹ sau sinh được uống vitamin A, 2 lần/năm; theo dõi tăng trưởng và phát triển, điều tra đánh giá tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em dưới 5 tuổi…

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Kiều Oanh - Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Phòng, chống bệnh không lây nhiễm và dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lạng Sơn cũng cho biết: “Hằng năm, chúng tôi đều tích cực tham mưu triển khai bổ sung vitamin A cho trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi trên địa bàn tỉnh; theo dõi các chỉ số dinh dưỡng của trẻ qua hoạt động cân, đo định kỳ, triển khai bổ sung đa vi chất cho phụ nữ có thai tại các huyện khó khăn (Bình Gia, Văn Quan)”.

Từ năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã bổ sung vitamin A 2 lần vào chiến dịch tháng 6 và tháng 12 cho gần 35.000 trẻ 6 - 36 tháng tuổi; theo dõi tăng trưởng định kỳ cho 17.319 trẻ dưới 02 tuổi hằng tháng; thực hiện cân và theo dõi biểu đồ tăng trưởng đối với trên 56.500 trẻ dưới 5 tuổi trong chiến dịch tháng 6 hằng năm; khám sức khoẻ định kỳ 6 tháng/lần cho gần 3.000 trẻ dưới 02 tuổi tại các xã vùng III…

Ngoài ra, công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về cải thiện dinh dưỡng cho trẻ cũng được các cấp, ngành quan tâm thực hiện thông qua các cuộc gặp gỡ để hướng dẫn các bậc cha mẹ về chi tiết cách chế biến thức ăn cho trẻ từ những loại thực phẩm có sẵn tại địa phương; thăm hộ gia đình; tổ chức tập huấn cập nhật kiến thức và thực hành truyền thông về nuôi dưỡng trẻ nhỏ cho cán bộ dinh dưỡng tuyến huyện, tuyến xã…

Từ năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức tuyên truyền lồng ghép cho trên 900.000 lượt người qua các hoạt động tư vấn, khám sức khoẻ, thăm hộ gia đình về chăm sóc sức khoẻ, chế độ dinh dưỡng phù hợp cho trẻ nhỏ; tổ chức 42 lớp tập huấn cho cán bộ y tế thôn bản; tổ chức tập huấn cho 41 cán bộ dinh dưỡng tuyến xã, huyện về nuôi dưỡng trẻ nhỏ trong chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời…

Có thể thấy, việc huy động và sử dụng nguồn lực để thực hiện các mục tiêu vì trẻ em tại Lạng Sơn ngày càng có hiệu quả, công tác chăm sóc sức khỏe, đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ em được cải thiện đáng kể. Năm 2023, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể cân nặng/tuổi của tỉnh là 15,1% (giảm 0,5% so với năm 2022); tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng chiều cao/tuổi là 21,8% (giảm 0,2% so với cùng kỳ năm 2022); tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng/chiều cao là 7,3% (giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2022); tỷ lệ phụ nữ có thai được khám thai ít nhất 4 lần trong thai kỳ đạt 82,7% (mục tiêu 58,3%); tỷ lệ phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của nhân viên y tế đạt 99,7%, vượt kế hoạch 9,7%…

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, ngành y tế tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo các đơn vị tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em, ưu tiên trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân quan tâm chăm sóc, đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ tại nhà… từ đó, giúp trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ, cải thiện tầm vóc trẻ em vùng cao.

 
Lượt xem: 1
Tác giả: Hoàng Chi
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật