Giải thưởng động viên các nhà báo góp tiếng nói xây dựng cho ngành giáo dục
Đối với nhà báo Thanh Hùng, giải cao hay thấp đều là nguồn động viên để tiếp tục góp tiếng nói đóng góp cùng Bộ GD&ĐT cho ngành tốt hơn.
Nhà báo Võ Thanh Hùng: "Giải thưởng là động viên để tiếp tục góp tiếng nói xây dựng cho ngành giáo dục". |
Trăn trở phương án khơi thông cho vấn đề tự chủ đại học
Nhà báo Võ Thanh Hùng (SN 1981), phóng viên phụ trách mảng Giáo dục đại học thuộc Ban Khoa giáo, Báo Sài Gòn Giải Phóng là một trong số ít tác giả vinh dự được 2 lần đoạt giải “Vì sự nghiệp giáo dục”.
Với loạt 3 kỳ “Bất cập đào tạo nhân lực khoa học cơ bản”, nhà báo Thanh Hùng đã đoạt giải khuyến khích “Vì sự nghiệp giáo dục năm 2023”. Lần này, anh tiếp tục dự giải với loạt bài “Mặt trái của tự chủ đại học”.
Nhà báo Thanh Hùng cho biết, ý tưởng cho đề tài xuất hiện khi tham dự các hội nghị về tự chủ đại học và các hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện đổi mới giáo dục.
Theo nhà báo Thanh Hùng, năm 2023 là năm tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Riêng với giáo dục đại học vấn đề tự chủ là vấn đề rất quan trọng để tạo sự bứt phá về đào tạo nhân lực trình độ cao nhằm đáp ứng nguồn nhân lực cho những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Tự chủ được xem như là kim chỉ nam cho giáo dục đại học.
Bên cạnh những thành tựu đã được Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá, Bộ GD&ĐT tổng kết thì những hạn chế, những mặt trái trong quá trình thực hiện tự chủ (từ thí điểm giai đoạn 2014-2017 có 23 trường thí điểm cho đến thực hiện Luật Giáo dục Đại học 2018) cũng đã được nhìn nhận trong quá trình tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29.
Tuy nhiên, những khó khăn, hạn chế của vấn đề tự chủ mới chỉ nhìn nhận và chưa có bất cứ nghiên cứu nào để phản ánh cụ thể nhằm nói lên những kiến nghị về mặt chính sách để khơi thông cho vấn đề tự chủ.
Mặt khác, khi tự chủ, các trường hoàn toàn bị cắt ngân sách nhà nước và tất cả nguồn tài chính đều phụ thuộc vào học phí. Gánh nặng học phí đè lên vai người học.
Học phí cao là trở ngại cho mục tiêu để người dân tiếp cận với giáo dục đại học, các trường đại học tự chủ gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, nhà báo Thanh Hùng cũng cho biết, quá trình triển khai đề tài cũng gặp không ít khó khăn khi phải thuyết phục những nhà quản lý thẳng thắn nói lên kiến nghị, phân tích và chỉ ra những mặt trái. Ngoài ra, vấn đề đối chiếu, so sánh mức thu – mức chi cho đào tạo, nghiên cứu, đầu tư, nâng cao chất lượng… của các trường cũng là một vấn đề hơi nhạy cảm..
“Loạt bài khởi đăng, tôi nhận được nhiều tin nhắn, động viên từ các trường. Và trên cơ sở đó, tôi hỏi thêm để làm những kiến nghị cụ thể để góp thêm tiếng nói nhằm giúp cơ quan quản lý và các bộ ngành nghiên cứu và đề xuất những thay đổi về chính sách vĩ mô nhằm tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thực hiện tự chủ đại học”, nhà báo Thanh Hùng chia sẻ.
Giải báo chí “Vì sự nghiệp giáo dục” rất có ý nghĩa
Nhà báo Thanh Hùng cũng chia sẻ, anh là người từng có ý tưởng và góp ý về một giải thưởng trong lĩnh vực giáo dục.
“Năm 2018, trong chuyến công tác cùng Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc kiểm tra công tác thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2018 tại Cà Mau. Khi đến nơi thì hay tin một thầy giáo làm nhiệm vụ coi thi bị mất và đoàn đến nhà thầy giáo thăm viếng. Tôi liền có suy nghĩ, các lĩnh vực khác đều có giải thưởng để tuyên truyền, tại sao ngành giáo dục liên quan đến hàng triệu giáo viên, hàng triệu học sinh sao không tổ chức giải thưởng để đẩy mạnh công tác tuyên truyền và góp ý cho ngành”, nhà báo Thanh Hùng nhớ lại.
Anh cũng bộc bạch: “Giải báo chí Vì sự nghiệp giáo dục càng ngày càng chất lượng, Ban tổ chức cũng rất chuyên nghiệp. Với tôi dù giải cao hay thấp cũng cảm thấy vui. Và quan trọng hơn là nguồn động viên để tiếp tục góp tiếng nói xây dựng và đóng góp cùng Bộ GD&ĐT cho ngành giáo dục ngày một phát triển hoàn thiện hơn”.
Nhà báo Võ Thanh Hùng từng đoạt giải B quốc gia năm 2010 với loạt bài 5 kỳ về “Những bất cập của trường đại học ngoài công lập”, Giải khuyến khích Giải báo chí TPHCM năm 2024 với loạt 5 kỳ “10 năm đổi mới giáo dục”.