Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở huyện đảo Cô Tô
Sắp hết học kỳ I năm học 2022-2023, tình trạng thiếu giáo viên vẫn chưa hoàn toàn được khắc phục ở nhiều địa phương, trong đó có huyện đảo Cô Tô, Quảng Ninh. Dù đã có nhiều phương án điều động, bổ sung nhân lực nhưng hiện tỷ lệ giáo viên/lớp còn thấp, nhiều giáo viên phải kiêm nhiệm nhiều lớp, nhiều trường, công tác xa gia đình...
Ông Đỗ Văn Quang, Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Cô Tô cho biết: "Cô Tô rất khó khăn trong việc tìm nguồn tại chỗ, nguồn nơi khác khi đăng tuyển cũng không có cháu nào nộp hồ sơ tại Cô Tô. Đảm bảo vẫn phải phân công giáo viên dạy liên trường, không để trường hợp giáo viên dạy chéo ban hoặc dạy không đúng chuyên môn. Phân công giáo viên từ cấp THCS tăng cường xuống dạy một số tiết ở cấp tiểu học, ví dụ môn tiếng Anh hoặc môn tin học".
Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, ngay từ đầu năm học ngành giáo dục huyện đảo Cô Tô đã chỉ đạo các trường chủ động rà soát trang thiết bị, cơ sở vật chất, kết nối mạng Internet cho việc học trực tuyến; điều động, bố trí giáo viên dạy liên trường, liên cấp hay tạm trú ở khu vực xa để dạy học. Đối với cấp THCS, ngoài việc đứng lớp ở trường chính tại thị trấn Cô Tô, một số thầy giáo, cô giáo được tăng cường sang xã Thanh Lân (cách huyện Cô Tô khoảng 4 km đường biển) dạy từ 2-3 buổi/tuần.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thái, Chủ tịch UBND xã Thanh Lân, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Việc đi lại hiện nay rất khó khăn. Phương tiện đi lại có duy nhất một cái đò gỗ có thể chở từ 20 đến 30 người. Ngoài việc tốn chi phí, mỗi đồng chí giáo viên sang bên này một ngày đi mất khoảng 70 nghìn đồng, trong khi đó lương rất thấp. Những hôm thời tiết trời yên biển lặng không vấn đề gì, nhưng những hôm có sóng gió, anh chị em đi lại rất vất vả, đặc biệt là đối với các đồng chí có con nhỏ, gia đình khó khăn. Để sang đến bên đây toàn tâm toàn ý cho việc giảng dạy, thực sự là một sự cố gắng rất lớn của các đồng chí cán bộ giáo viên".
Năm học 2022-2023 là năm học thứ ba ngành Giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Việc phân công giáo viên dạy liên cấp, liên trường chỉ là phương án tạm thời, bởi để đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, huyện Cô Tô cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tuyển dụng giáo viên còn thiếu theo chỉ tiêu. Trong đó cấp thiết nhất là giáo viên dạy môn tin học, tiếng Anh cùng giáo viên đứng lớp cấp tiểu học./.