Hà Nội: Kiểm tra, xử lý nhiều lái tàu vi phạm nồng độ cồn
Nhằm kiểm soát tai nạn giao thông đường thuỷ, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát đường thuỷ số 2 (Công an thành phố Hà Nội) đã tăng cường kiểm tra nồng độ cồn đối với nhiều lái tàu.
Tuần tra kiểm soát toàn diện
Thời điểm hiện tại, Hà Nội đang bước vào mùa mưa bão. Nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường thủy rất lớn, việc tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm là cần thiết. Trước tình hình trên, lực lượng Cảnh sát đường thuỷ số 2, Công an thành phố Hà Nội đã thực hiện tuần tra kiểm soát toàn diện; Trong đó, kiểm tra nồng độ cồn của các lái tàu, trọng tải hàng hoá và trang thiết bị bảo hộ.
Với tổng chiều dài toàn tuyến gần 100 km, việc quản lý, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên tuyến sông Hồng và sông Đuống của lực lượng Cảnh sát đường thủy số 2 rất vất vả và khó khăn. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông đường thủy, Đội Cảnh sát đường thủy số 2 thường xuyên tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm.
Thông tin từ lực lượng chức năng cho biết, khoảng 15h ngày 18/9, lực lượng Cảnh sát đường thuỷ số 2 gồm 4 cán bộ chủ động triển khai công việc theo kế hoạch đã đề ra. Các cán bộ đã đến tuyên truyền đối với các đơn vị kinh doanh vận tải, người lái phương tiện và người dân khi tham gia lưu thông đường thủy nội địa chấp hành các quy định. Đặc biệt, lực lượng chức năng kiên quyết xử lý triệt để các lái tàu sử dụng rượu bia, chở hàng hoá quá trọng tải khi tham gia giao thông đường thuỷ.
Lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy tăng cường kiểm tra nồng độ cồn đối với nhiều lái tàu. |
Sau 1 giờ tuần tra, lực lượng Cảnh sát đường thuỷ số 2 kiểm tra hàng chục con tàu chở hàng và các bến phà qua sông Hồng đoạn qua địa bàn huyện Thường Tín (thành phố Hà Nội). Qua kiểm tra, đa phần các lái tàu, chủ phương tiện đều chấp hành tốt các quy định.
Qua kiểm tra nồng độ cồn đối với anh Trần Tuấn Hiệp (người lái đò trên phà Cẩm Cơ), lực lượng chức năng không phát hiện vi phạm nồng độ cồn. Anh Hiệp cho biết: "Mỗi ngày chúng tôi thường có khoảng từ 200 - 300 khách qua sông. Trước khi các hành khách rời bến chúng tôi phải trang bị áo phao cho từng người, kiểm tra thật kỹ các máy móc để tránh gặp sự cố, đảm bảo an toàn cho người dân. Ngoài ra, chúng tôi chuẩn chỉ chấp hành luật an toàn giao thông là không sử dụng rượu bia khi đang lái tàu.
Bên cạnh việc phát đầy đủ áo phao cho hành khách thì chúng tôi còn đưa người dân sử dụng thêm những dụng cụ nổi để phòng ngừa sự cố. Tuy nhiên vẫn có nhiều trường hợp là người cao tuổi đôi chưa thực sự biết cách sử dụng dụng cụ nổi cứu sinh dù đã được phổ biến. Vì vậy việc tăng cường xử lý và nhắc nhở hướng dẫn người dân thường xuyên lại càng quan trọng".
Đại uý Nguyễn Văn Hải, Cán bộ đội Cảnh sát đường thủy số 2, Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an thành phố Hà Nội cho biết, bên cạnh việc tuyên truyền, nhắc nhở các chủ tàu thuyền thực hiện nghiêm các quy định đảm bảo an toàn cho hành khách sang sông, lực lượng cán bộ chiến sĩ thuộc Đội Cảnh sát Giao thông số 2 còn thực hiện kiểm tra đo nồng độ cồn với người điều khiển, tránh tình trạng sử dụng rượu bia khi lái tàu gây nguy hiểm. Nếu phát hiện vi phạm, Cảnh sát giao thông sẽ kiên quyết xử lý.
“Ngoài ra, trong mùa mưa bão, đề nghị các chủ tàu thuyền thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, nhất là tình hình bão lũ để có biện pháp phòng ngừa, tìm nơi tránh trú an toàn. Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về an toàn bến bãi, phương tiện chở khách không đăng ký, đăng kiểm, chở quá tải, quá số người quy định, người điều khiển phương tiện không có chứng chỉ chuyên môn, kiên quyết không để các phương tiện không đủ điều kiện hoạt động”, Đại úy Lê Văn Hải nói.
Xử phạt nghiêm các vi phạm
Trước đó, qua tuần tra trên tuyến sông Hồng, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) đã phát hiện 1 trường hợp lái tàu vi phạm nồng độ cồn ở mức cao.
Cụ thể, khoảng 9h30 cùng ngày (3/5), tổ công tác của Đội Cảnh sát giao thông đường thủy số 1 phát hiện phương tiện đường thủy số hiệu VP-1816 có dấu hiệu vi phạm tại Km225 trên sông Hồng, xã Xuân Đình, huyện Phúc Thọ (Hà Nội), đã tổ chức kiểm tra.
Vào thời điểm kiểm tra, trên tàu ngoài lái tàu là ông Đ.Đ.H (sinh năm 1981, ở huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) còn có một số thuyền viên.
Qua tuần tra trên tuyến sông Hồng, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) đã phát hiện 1 trường hợp lái tàu vi phạm nồng độ cồn ở mức cao |
Qua kiểm tra nồng độ cồn với lái tàu, tổ công tác ghi nhận có vi phạm ở mức 0,321 miligram/lít khí thở. Lái tàu Đ.Đ.H thừa nhận, khi ăn sáng có uống vài chén rượu.
Căn cứ vào vi phạm, tổ công tác đã lập biên bản xử phạt hành chính đối với ông Đ.Đ.H, theo điểm b, khoản 3, điều 21 Nghị định 139/2021/NĐ-CP, bị phạt từ 5-10 triệu đồng và tước giấy phép chuyên môn 2 tháng.
Về quy định xử phạt đối với vi phạm nồng độ cồn trong lĩnh vực giao thông đường thủy, theo quy định tại Nghị định số 139/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy (có hiệu lực từ 1/1/2022), mức phạt tối thiểu là 3 triệu đồng và tối đa 35 triệu đồng.
Cụ thể, khoản 3 Điều 24 Nghị định 139/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi của thuyền viên, người lái phương tiện đang trong ca trực mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, như sau: Phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với thuyền viên, người lái phương tiện đang làm việc trên phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/01 lít khí thở;
Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/01 lít khí thở; Phạt tiền từ 20-35 triệu nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/01 lít khí thở.
Ngoài ra, trường hợp bị xử phạt trong khung 3-5 triệu đồng bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn từ 1-2 tháng; Bị phạt tiền trong khung 20-35 triệu đồng bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn từ 2-4 tháng.
Theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, mức xử phạt vi phạm về nồng độ cồn đối với thuyền viên, người làm việc trên phương tiện thủy tại Nghị định số 139/2021 tăng hơn 100 lần so với quy định trước đó.