Thứ ba, 17/09/2024 - 02:49

Người dân cần quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết

Hiện thời tiết Hà Nội đang bước vào mùa mưa, đây là thời điểm thuận lợi để muỗi vằn truyền bệnh sinh sôi, tạo điều kiện bùng phát dịch sốt xuất huyết. Do đó, người dân cần nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, đồng thời triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm phòng, chống dịch sốt xuất huyết hiệu quả.

Gia tăng số ca mắc sốt xuất huyết

Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho thấy, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận 3.512 trường hợp sốt xuất huyết tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 408/579 xã, phường, thị trấn. Đặc biệt, bệnh nhân có xu hướng tăng nhanh trong 4 tuần gần đây, trung bình mỗi tuần ghi nhận 481 trường hợp, tăng 4,3 lần so với trung bình 4 tuần trước đó (113 trường hợp).

Trong đó, Thanh Trì là địa phương ghi nhận nhiều bệnh nhân nhất với 160 ca, tiếp đến là huyện Thạch Thất (54 ca), quận Hoàng Mai (51 ca), quận Bắc Từ Liêm (47 ca), quận Hà Đông (45 ca).

Ngoài ra, các xã, phường ghi nhận nhiều bệnh nhân là xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì (102 ca); Xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất (29 ca); Xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất (22 ca); Phường Định Công, quận Hoàng Mai (19 ca), xã Văn Tự, huyện Thường Tín (15 ca).

Người dân cần quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết

Người dân cần loại bỏ các dụng cụ chứa nước đọng, phòng tránh muỗi đẻ trứng

Cũng trong tuần qua, thành phố Hà Nội ghi nhận thêm 59 ổ dịch sốt xuất huyết tại 24 quận, huyện, thị xã. Trong đó, Hoài Đức có 10 ổ dịch; Bắc Từ Liêm (7 ổ dịch); Đống Đa (6 ổ dịch); Thanh Trì (4 ổ dịch). Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Quốc Oai, Cầu Giấy mỗi quận, huyện có 3 ổ dịch; Nam Từ Liêm, Chương Mỹ, Hai Bà Trưng, Ba Đình mỗi nơi có 2 ổ dịch.

Còn lại các quận, huyện: Ba Vì, Thường Tín, Thạch Thất, Phú Xuyên, Tây Hồ, Phúc Thọ, Thanh Oai, Hà Đông, Thanh Xuân, Sóc Sơn, Sơn Tây, Long Biên mỗi nơi có 1 ổ dịch.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội từ đầu năm đến nay, thành phố có 255 ổ dịch sốt xuất huyết. Hiện còn 114 ổ dịch đang hoạt động tại 25 quận, huyện, thị xã.

Là một trong những địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao, thời gian qua, huyện Thanh Trì đã tập trung cả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo cũng như triển khai các hoạt động cho công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Theo đó, Trung tâm Y tế huyện đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân các xã, thị trấn triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy đợt 1 trên toàn địa bàn từ ngày 1/7 đến 28/7. Huyện cũng tổ chức 16 lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn giám sát phát hiện, xử lý bọ gậy cho lực lượng phòng, chống dịch xã, thị trấn; Tập huấn kỹ năng sử dụng máy phun, kỹ thuật phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành cho công nhân phun hóa chất...

Người dân cần quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết

Hàng ngày, người dân cần kiểm tra khuôn viên trong gia đình, nhằm phát hiện các dụng cụ chứa nước và loại bỏ các dụng cụ, phế thải… có thể chứa nước đọng là nơi muỗi đẻ trứng

Tương tự, tại phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy), thời gian qua, phường cũng tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Theo đó, phường đã thực hiện 2 chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên quy mô toàn phường, huy động các ban, ngành, đoàn thể và người dân cùng tham gia.

Phường đã tổ chức vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy vào sáng thứ 7 hằng tuần, thực hiện thu gom phế thải, phế liệu tại hộ gia đình, khu dân cư; Phân công cộng tác viên đến từng hộ gia đình kiểm tra, giám sát vệ sinh môi trường; Tuyên truyền để người dân chủ động công tác vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phát hiện các trường hợp sốt báo ngay cho cộng tác viên hoặc trạm y tế để kịp thời điều tra và xử lý ổ dịch tại cộng đồng kịp thời, hiệu quả.

Chủ động phòng chống dịch từ sớm

Tính từ đầu năm, quận Hà Đông đang đứng top đầu của thành phố Hà Nội về số ca mắc sốt xuất huyết. Tuy nhiên, số ca mắc bệnh ở thời điểm hiện tại thấp và không có ổ dịch nhờ hiệu quả của công tác phòng dịch từ sớm.

Bà Lê Thị Thanh Bình, Trưởng phòng Y tế quận Hà Đông cho biết: Quận Hà Đông cũng như các năm trước xuất hiện một số ca mắc bệnh sốt xuất huyết ngay từ đầu năm. UBND quận Hà Đông và các cơ quan chuyên môn của quận đã chỉ đạo các phường triển khai sớm biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Người dân cần quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết

Các địa phương cần chủ động phun thuốc phòng dịch sốt xuất huyết

Cụ thể, quận đã chỉ đạo các phường và hội đoàn thể tập trung tuyên truyền cho người dân hiểu về dịch bệnh sốt xuất huyết, cách phòng tránh; Vận động Nhân dân tích cực làm vệ sinh môi trường để hạn chế muỗi phát sinh. Tại các phường đều lập nhóm Zalo để tuyên truyền về những biện pháp phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng.

Cùng với đó, quận cũng chỉ đạo các phường rà soát các khu đất trống, đất nông nghiệp xen kẹt để xử lý nước đọng, tránh muỗi phát sinh; Làm vệ sinh từ trong nhà ra ngoài ngõ xóm để hạn chế nơi trú ngụ và sinh sản của muỗi. Đài truyền thanh quận phối hợp với cơ quan chức năng viết các tin, bài về diễn biến của dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn đăng tải trên Cổng thông tin điện tử quận, phát loa giúp người dân chủ động phòng tránh...

Bên cạnh công tác tuyên truyền, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn quận Hà Đông đã tăng cường công tác giám sát tại cộng đồng.

Nói về vấn đề này, ông Đặng Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Nguyễn Trãi, cho biết: “Ở phường Nguyễn Trãi từ đầu năm đến nay dịch bệnh sốt xuất huyết được kiểm soát, không có diễn biến phức tạp. Có được kết quả này, phường đã xây dựng kế hoạch triển khai đến các tổ dân phố, hội đoàn thể để duy trì dọn vệ sinh môi trường ngõ xóm, cũng như các khu công cộng hàng tuần vào thứ 7 nhằm diệt lăng quăng, bọ gậy.

Đồng thời, Ban chỉ đạo phường cũng giao cho từng tổ dân phố phải có kế hoạch đến từng nhà dân, hướng dẫn người dân làm vệ sinh trong các gia đình, lật úp dụng cụ không cần thiết, hoặc thả cá vào bể nước, chậu cảnh để tránh muỗi phát sinh. Tại nhà dân phải dọn vệ sinh hàng ngày, còn tổ dân phố dọn hàng tuần”.

Người dân cần quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết

Chính quyền các cấp, chủ động trong phương thức tuyên truyền, sử dụng để người dân chủ động tiếp cận thông tin về dịch sốt xuất huyết

Nhấn mạnh công tác giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, bà Lê Thị Thanh Bình cho biết thêm: “Ngay từ đầu năm, quận Hà Đông đã ráo riết dọn vệ sinh môi trường, xử lý nước đọng. Các tổ giám sát công đồng đi giám sát chỉ số bọ gậy, hỗ trợ người dân làm vệ sinh môi trường.

Như mọi năm quận Hà Đông có nhiều ổ dịch từ tháng 3-4 và phải phun hóa chất nhưng năm nay do chủ động phòng chống muỗi từ sớm nên đến nay không có ổ dịch và không phải phun hóa chất. Từ đầu năm đến nay, toàn quận mới có 78 ca mắc sốt xuất huyết. Riêng tháng 7 chỉ có hơn chục ca mắc lẻ tẻ, không có ổ dịch mới, không có người mắc bệnh nặng. Chủ yếu các ca mắc vào tháng 2 và 3 là nhiều”.

Hiện nay, mùa mưa đang diễn biến phức tạp, dịch bệnh có thể lây lan nhanh. Vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc chống dịch của các địa phương, ý thức phòng bệnh tại gia đình của mỗi người dân rất quan trọng. Hàng tuần, mỗi người nên bỏ ra từ 10 -15 phút để kiểm tra khuôn viên trong gia đình, nhằm phát hiện các dụng cụ chứa nước và loại bỏ các dụng cụ, phế thải… có thể chứa nước đọng là nơi muỗi đẻ trứng, sinh ra các ổ bọ gậy phát triển thành muỗi truyền bệnh. Khi có những bất thường về sức khoẻ cần tới các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Lượt xem: 80
Tác giả: Thanh Hà
Tin liên quan