Gắn dịch vụ việc làm với thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp để đảm bảo an sinh xã hội
Dịch bệnh COVID-19 và những hệ quả nặng nề của nó khiến thị trường lao động bị tác động nghiêm trọng. Số lao động mất việc làm, đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tăng đột biến. Làm thế nào để đảm bảo chế độ cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội được Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nam quan tâm thực hiện ở từng khâu nhỏ nhất…
Nỗ lực thực hiện chính sách BHTN cho người lao động
Trong năm 2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hà Nam đã tiếp nhận 6.157 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Theo ông Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Trung tâm: So với năm 2021, số hồ sơ tăng cao hơn 1.742 người.
Người lao động đến Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Hà Nam trong các phiên giao dịch việc làm để làm thủ tục trợ cấp thất nghiệp và tư vấn giới thiệu việc làm. |
Trước tình hình đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hà Nam đã làm tốt công tác tiếp nhận hồ sơ, xem xét và thực hiện các thủ tục giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề. Đồng thời, Trung tâm tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm và dạy nghề cho người lao động; Giải quyết tốt chế độ BHTN để người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động, đảm bảo an sinh xã hội.
“Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc tư vấn học nghề cho người lao động, quan tâm chính đến đối tượng thất nghiệp đang hưởng trợ cấp để họ có được một nghề mới, tự tạo việc làm hoặc xin việc bằng nghề mới và sống được bằng nghề đó”, ông Tuấn cho biết.
Hiện nay, trung tâm đang đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin vào thực hiện các nhiệm vụ để nâng cao hiệu quả công tác dịch vụ việc làm và giải quyết chế độ BHTN. Qua thực tế tại trung tâm cho thấy, nhiều lao động do chưa hiểu hết các chính sách về BHTN nên phải chịu thiệt thòi khi làm các thủ tục đề nghị hưởng trợ cấp theo quy định. Cuối tháng 10 năm 2022, Trung tâm phối hợp với Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Hà Nam tổ chức tuyên truyền chính sách BHTN đối với người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ).
Giải quyết những bất cập
Theo trung tâm, lượng hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng đột biến gây khó khăn cho việc tiếp nhận hồ sơ, tư vấn giới thiệu việc làm, tư vấn học nghề thời gian qua vì trên địa bàn tỉnh có một lượng giáo viên chấm dứt hợp đồng lao động để thi viên chức. Những lao động do hưởng sai quy định phải thu hồi tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp cho Bảo hiểm xã hội tỉnh không có địa chỉ cụ thể để liên lạc hoặc cố tình không phối hợp để thực hiện thu hồi tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp trả về ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, vẫn còn doanh nghiệp trả hợp đồng lao động cho người lao động chậm dẫn đến người lao động thông báo có việc làm mới với trung tâm không đúng thời gian quy định nên người lao động không được bảo lưu số tháng chưa hưởng.
Cùng với đó, phần mềm Bảo hiểm thất nghiệp do Cục việc làm cung cấp không hoạt động, không nhập được dữ liệu hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động. Cán bộ làm công tác bảo hiểm thất nghiệp phải tiếp nhận, thẩm định hồ sơ bằng phương pháp thủ công gặp rất nhiều khó khăn, khối lượng hồ sơ quá nhiều dẫn đến tình trạng thẩm định ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động không kịp thời hạn theo quy định.
Trong số những hồ sơ gửi đến đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, có 5.821 người được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ra quyết định hưởng trợ cấp với số tiền trên 101 tỷ đồng. 321 người có quyết định được hỗ trợ học nghề, 7.283 lượt người được tư vấn giới thiệu việc làm.
Từ những bất cập phát sinh, trong năm 2022, trong số gần 6.200 hồ sơ gửi đến Trung tâm đề nghị được hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp (TCTN), đã có 49 trường hợp phải hủy quyết định, 27 trường hợp phải tạm dừng hưởng TCTN. Trung tâm đã thu hồi được 42/81 trường hợp hưởng trùng TCTN với số tiền là trên 142 triệu đồng trên tổng số hơn 334 triệu đồng về quỹ BHTN.
Ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nam khẳng định, mặc dù cán bộ trung tâm đã rất nỗ lực nhưng những phát sinh trong quá trình thực hiện chính sách BHTN cho người lao động rất phức tạp.
“Trong thời gian tới, trung tâm đẩy mạnh việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đề nghị hưởng TCTN trên cả hai hình thức là trực tiếp và trên cổng Dịch vụ công Quốc gia; Số hóa để lưu trữ hồ sơ BHTN của NLĐ sau khi chấm dứt hưởng TCTN thuận lợi cho việc tra cứu thông tin kịp thời chính xác. Đơn vị sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan Bảo hiểm xã hội trong công tác quản lý người lao động đang hưởng TCTN khi tham gia đóng bảo hiểm xã hội tại doanh nghiệp mới để hạn chế tối đa tình trạng trục lợi BHXH”, ông Tuấn thông tin.