Giữ vững đà tăng trưởng và phát triển ngành điều
Giữ vững đà tăng trưởng và phát triển ngành điều
Ngành điều lập kỷ lục mới
Với giá trị xuất khẩu năm 2024, ngành điều đã lập kỷ lục mới, đồng thời giữ vững vị trí số 1 thế giới trong suốt 18 năm qua khi chiếm trên 80% tổng sản lượng nhân điều xuất khẩu toàn cầu. Năm 2024, ngành điều cũng lấy lại vị thế xuất siêu, thặng dư thương mại đạt 1,12 tỷ USD.
Về thị trường xuất khẩu, Mỹ vẫn là khách hàng lớn nhất. Đáng chú ý, năm 2024 ghi nhận lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ chi tới hơn 1,15 tỷ USD để nhập khẩu gần 192.200 tấn hạt điều của Việt Nam.
Theo đó, xuất khẩu hạt điều sang thị trường Mỹ tăng 21,3% về lượng và tăng 30,3% về giá trị so với năm trước đó.
Hiện loại hạt siêu dưỡng chất này của Việt Nam chiếm khoảng 98% trong tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này của thị trường Mỹ. Còn trong tổng kim ngạch xuất khẩu hạt điều của nước ta năm 2024, thị trường Mỹ chiếm gần 26,6%.
Hạt điều là loại hạt siêu dưỡng chất chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất, chất chống oxy hóa giúp duy trì tốt các chức năng của cơ thể.
Theo Cơ sở dữ liệu dinh dưỡng quốc gia của Bộ Nông nghiệp Mỹ, chỉ cần ăn 18 hạt điều mỗi ngày sẽ cung cấp 31% đồng, 23% mangan, 20% magie, 17% photpho, 10% sắt, 8% selen và 5% vitamin cần thiết cho cơ thể.
Do đó, hạt điều được sử dụng rộng rãi trong ngành chế biến thực phẩm để làm đồ ăn nhẹ, bánh kẹo, sản phẩm bánh mì...
Bên cạnh đó, sự phát triển của ngành chế biến thực phẩm, được thúc đẩy bởi quá trình đô thị hóa, lối sống thay đổi của người tiêu dùng và nhu cầu về thực phẩm tiện lợi.
Dự báo, nhu cầu nhập khẩu hạt điều của các thị trường lớn, trong đó có Mỹ, nhiều khả năng sẽ tăng trong thời gian tới, tạo dư địa xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Bà Đào Thị Lanh - Chủ tịch Hội Điều tỉnh Bình Phước cho rằng: Lợi thế lớn nhất của ngành điều chính là công nghệ chế biến tiên tiến nhất thế giới do người Việt sản xuất, chất lượng hạt điều trồng tại Việt Nam cũng là ngon nhất.
Tuy nhiên như vậy là chưa đủ, ngành điều cần có chiến lược bài bản làm tăng giá trị trong chuỗi giá trị ngành điều thế giới, chuyển từ sơ chế nhân điều xuất khẩu sang chế biến sâu, thành thực phẩm, đi trực tiếp vào siêu thị.
Cuộc cách mạng thứ hai trong ngành điều
Theo bà Đào Thị Lanh, ngành điều Việt Nam đang đứng trước sự lựa chọn lớn, đó là tiếp tục đầu tư cho công nghệ, đổi mới thiết bị để giữ vững vị thế xuất khẩu nhân điều sơ chế hay vừa đầu tư cho nhân điều vừa tập trung nguồn lực cho phát triển chế biến sâu, thực hiện "Cuộc cách mạng lần thứ 2 trong ngành điều Việt Nam", nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị điều toàn cầu.
Với quan điểm chủ trương chung của ngành là tiếp tục kiên trì thực hiện mục tiêu "giữ lượng, tăng chất, tăng giá" trong sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu điều.
Trước tiên, ngành điều Việt Nam rất cần một định hướng chung để phát triển, đó phải là ở tầm quốc gia ban hành, hoạch định "Chiến lược phát triển ngành điều trong tình hình mới", xứng tầm với ngành hàng xuất khẩu trên 3,5 tỷ USD/năm.
Trong đó, tập trung phát triển mạnh chế biến sâu, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường thế giới; giành vị trí xứng đáng trong chuỗi giá trị điều toàn cầu; đồng thời cũng chú trọng phát triển thị trường trong nước.
Ổn định vùng nguyên liệu theo hướng chất lượng, hiệu quả; vừa tạo thế chủ động về nguồn nguyên liệu chất lượng cao cho chế biến, vừa góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng điều.
Để ngành điều Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp điều nói riêng phát triển bền vững, ông Đặng Hoàng Giang - Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) cho rằng, các doanh nghiệp cần chú trọng vào 2 yếu tố là con người và thiên nhiên.
Về con người, ông Giang cho rằng, cần chú ý đến nhóm yếu thế là lao động nữ và ngành điều cũng là ngành sử dụng nhiều lao động nữ.
Đối với yếu tố thiên nhiên, ông Giang cho rằng, phát triển bền vững luôn đi kèm với bảo vệ môi trường và bảo vệ hệ sinh thái.
Ở góc độ doanh nghiệp, bảo vệ môi trường chính là từ các quy định của Nhà nước liên quan về kiểm soát an ninh môi trường khu vực nhà máy…