Thứ ba, 17/09/2024 - 02:36

Làm gì để phát huy vai trò quan trọng của bảo hiểm thất nghiệp?

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) lần đầu tiên được quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2009.

Người lao động
Người lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại huyện Đông Anh, Hà Nội; Ảnh: Vương Đức

Đối tượng tham gia là người lao động có hợp đồng lao động (HĐLĐ), hợp đồng làm việc từ đủ 12 tháng trở lên làm việc và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có quy mô từ 10 lao động trở lên.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế quy định về BHTN tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, nội dung BHTN đã được chuyển sang Luật Việc làm năm 2013. Theo đó đã mở rộng đối tượng tham gia BHTN (người lao động có HĐLĐ từ 3 tháng trở lên, mọi người sử dụng lao động).

Cơ quan chức năng đã quy định rõ 4 chế độ: Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động và trợ cấp thất nghiệp; bỏ chế độ hưởng trợ cấp một lần để bảo lưu thời gian đóng BHTN cho những lần hưởng tiếp theo; giảm thủ tục hành chính...

Hiện nay, chính sách BHTN được quy định tại Chương VI Luật Việc làm (từ Điều 41 đến Điều 59), gồm: Nguyên tắc, đối tượng, chế độ BHTN; Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ tay nghề để duy trì việc làm cho người lao động; Trợ cấp thất nghiệp; Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề; Quỹ BHTN.

Chính sách BHTN ngày càng phát huy vai trò quan trọng, hỗ trợ một phần thu nhập cho người thất nghiệp và giúp người thất nghiệp sớm quay trở lại thị trường lao động, nhất là trong giai đoạn dịch COVID-19 vừa qua.

Các nguyên tắc BHTN về chia sẻ rủi ro, mức đóng BHTN đựa trên tiền lương của người lao động, mức hưởng BHTN tính trên mức đóng và thời gian đóng BHTN, tổ chức thực hiện BHTN theo hướng đơn giản, thuận lợi và quản lý Quỹ BHTN tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch, bảo đảm an toàn và được Nhà nước bảo hộ.

Luật Việc làm đã quy định cụ thể đối tượng tham gia BHTN, với việc mở rộng đối tượng so với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 đã tạo thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện, góp phần mở rộng diện bao phủ của chính sách, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động nói chung, người thất nghiệp nói riêng.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, sau hơn 7 năm thực hiện Luật Việc làm, số người tham gia BHTN tăng qua các năm, bình quân hằng năm tăng 14,3% và tỷ lệ số người tham gia BHTN so với lực lượng lao động trong độ tuổi tăng theo từng năm. Tuy nhiên, đến năm 2021 tỷ lệ này là 27,19% chưa đạt so với mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW (đến năm 2021, khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN).

Theo đánh giá, đối tượng tham gia BHTN tại Luật Việc làm chưa bao phủ hết tất cả đối tượng có quan hệ lao động. Theo quy định tại Điều 43 Luật Việc làm thì đối tượng tham gia BHTN là người lao động có HĐLĐ không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ 3 tháng trở lên, do đó, người lao động có HĐLĐ từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng không thuộc đối tượng tham gia BHTN nhưng vẫn thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, trong khi đây là đối tượng có nguy cơ mất việc làm cao.

Bên cạnh đó, chưa có quy định về trường hợp người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng có thuộc đối tượng phải đóng BHTN (theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014, thời gian này không phải tham gia BHXH bắt buộc), gây khó khăn trong tổ chức thực hiện BHTN.

Ngoài ra, chưa có quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc thông báo ngay cho cơ quan lao động, cơ quan BHXH về việc có việc làm của người lao động nên xảy ra trường hợp người lao động đã có việc làm mà vẫn được hưởng BHTN. Bên cạnh đó, chưa có quy định cụ thể về quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHTN.

Luật Việc làm đã quy định 1 trường hợp bảo lưu thời gian đóng BHTN đối với người lao động sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, tuy nhiên, trong thực tế có rất nhiều trường hợp bảo lưu khác chưa được quy định trong Luật (ví dụ: bảo lưu đối với tháng đóng chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp, bảo lưu đối với người lao động được xác nhận bổ sung thời gian đóng BHTN sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, bảo lưu đối với người lao động bị hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp…) ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, định hướng sửa đổi, bổ sung theo hướng tất cả người lao động có giao kết hợp đồng làm việc, HĐLĐ xác định, không xác định thời hạn hoặc HĐLĐ xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia BHTN.

Về tham gia BHTN, đề xuất bổ sung các quy định về người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng không đóng BHTN tháng đó; Bổ sung quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động phải thông báo ngay cho cơ quan lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội về việc có việc làm của người lao động; Đồng thời bổ sung quy định việc xử lý đối với trưởng hợp người sử dụng lao động không có khả năng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ BHTN; Bổ sung quy định về quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHTN.

Lượt xem: 17
Tác giả: Hiếu Trung
Tin liên quan