Thứ năm, 19/09/2024 - 17:16

Quảng Nam dự trữ lương thực, thực phẩm phòng, chống thiên tai năm 2024 ra sao?

Tỉnh Quảng Nam đã có kế hoạch dự trữ lương thực, thực phẩm phòng, chống thiên tai năm 2024, đảm bảo tính chủ động để ứng phó với mùa mưa bão.

Tỉnh Quảng Nam đã ban hành phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro trên địa bàn tỉnh năm 2024. Trong đó, có kế hoạch dự trữ lương thực, thực phẩm phòng, chống thiên tai.

Tỉnh Quảng Nam có kế hoạch cụ thể dự trữ lương thực, thực phẩm chủ động ứng phó với các loại hình thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024
Tỉnh Quảng Nam có kế hoạch cụ thể dự trữ lương thực, thực phẩm chủ động ứng phó với các loại hình thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024

Theo kế hoạch, tỉnh Quảng Nam sẽ dự trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm, y tế, nhiên liệu, sẵn sàng cung ứng phục vụ nhu cầu của người dân trong trường hợp thiên tai, bão lũ.

Cụ thể, có 2 đơn vị doanh nghiệp là siêu thị Coopmart Tam Kỳ, siêu thị Go Tam Kỳ và 18 huyện, thị thành dự trữ các mặt hàng thực phẩm. Về lượng hàng, dự trữ hơn 49.700 thùng mỳ ăn liền, 4.550 thùng lương khô, 2.060 tấn gạo, 46.044 thùng nước uống đóng chai và 2.229 tấn sản phẩm các mặt hàng thiết yếu khác.

Về nhiên liệu, công ty xăng dầu khu vực V chi nhánh Quảng Nam và 18 huyện, thị, thành dự trữ hơn 1,658 triệu lít xăng, hơn 1,397 triệu lít diezen và hơn 338 nghìn lít dầu hỏa.

Ngoài ra, các địa phương còn dự trự các vật tư y tế như thuốc, viên hóa chất CloraminB, phèn chua.

Theo phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro trên địa bàn tỉnh năm 2024, tỉnh Quảng Nam đưa ra kịch bản cụ thể (bao gồm di dời dân) ứng phó với 8 loại hình thiên tai. Gồm: Ứng phó áp thấp nhiệt đới, bão (cấp độ 3,4,5); ứng phó với lũ, ngập lụt; ứng phó với dông, lốc, sét; ứng phó với lũ quét, sạt lở đất, sụt lún do mưa lũ hoặc dòng chảy cấp độ 1,2,3; ứng phó với gió mạnh trên biển; ứng phó với xâm nhập mặn; ứng phó động đất, sóng thần; ứng phó với cháy rừng.

Đối với lĩnh vực Công Thương, Sở Công Thương Quảng Nam có nhiệm vụ theo dõi, tham mưu lãnh đạo tỉnh chỉ đạo phòng, chống thiên tai, xử lý các sự cố công tình thủy điện khi có thiên tai xảy ra. Đồng thời, rà soát, hướng dẫn các địa phương chủ động tổ chức dự trữ lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu tại các khu sơ tán tập trung, trụ sở UBND cấp xã, trường học, Trung tâm Y tế, các công trình kiên cố, những vị trí an toàn,…; đối với các địa bàn, khu vực có nguy cơ bị chia cắt, cô lập khi có mưa bão, sạt lở đất đảm bảo dùng đủ trong 30 ngày trở lên.

 
Lượt xem: 6
Tác giả: Vũ Lê
Tin liên quan