Thứ hai, 07/07/2025 - 19:46

Xuất khẩu hàng hóa: Doanh nghiệp tăng tốc về đích 6 tháng cuối năm 2025

6 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Việt Nam. Chủ động, bền vững và thích ứng nhanh, doanh nghiệp tăng tốc về đích.

Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 7,73 tỷ USD

Theo báo cáo của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), 6 tháng năm 2025, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 219,83 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 7,63 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 12,15 tỷ USD).

6 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 219,83 tỷ USD

6 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 219,83 tỷ USD

Trong lĩnh vực dệt may, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), cho hay, 6 tháng đầu năm 2025, tốc độ tăng trưởng về doanh thu toàn ngành đạt khoảng 8%; kim ngạch xuất khẩu của cả nước tăng trưởng khoảng 11%; tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành dệt may khá tốt, như ở Vinatex, 6 tháng năm 2025, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.

“Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận tốt hơn tốc độ tăng trưởng của doanh thu cho thấy giá bán hàng hóa 6 tháng đầu năm được cải thiện. Bên cạnh đó, đơn đặt hàng lớn và dài, do dó quy mô và kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp chủ động hơn”, ông Nguyễn Tiến Trường chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Phạm Văn Việt, Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VITAJEANS), nửa đầu năm 2025, doanh thu của doanh nghiệp tăng trưởng khoảng 13%, tuy nhiên, giữa tháng 6 và tháng 7 dự kiến kim ngạch xuất khẩu sẽ giảm nhẹ. Toàn bộ đơn hàng đi thị trường Hoa Kỳ, doanh nghiệp đã xuất khẩu trước ngày 20/6, hiện doanh nghiệp đang tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong nước để đáp ứng được thị trường này. Với các thị trường khác, đơn hàng của doanh nghiệp vẫn ổn định.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2025 đạt 33,84 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, cà phê là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu nông lâm thủy sản khi chỉ trong nửa năm 2025, xuất khẩu thu về 5,45 tỷ USD, gần cán đích xuất khẩu cho cả năm 2025.

Là doanh nghiệp xuất khẩu cà phê đến nhiều thị trường lớn, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Lê Đức Huy - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV XNK 2-9 Đắk Lắk (Simexco Daklak) cho biết, mặc dù kim ngạch xuất khẩu tăng 5,3% về khối lượng nhưng tăng tận 67,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 5708,3 USD/tấn, tăng 59,1% so với cùng kỳ năm 2024 là nguyên nhân đẩy kim ngạch xuất khẩu tăng cao kỷ lục trong 6 tháng đầu năm 2025.

“Vào vụ cà phê của Việt Nam sản lượng không tốt, trong khi nguồn cung cầu của thế giới 6 tháng trước cũng bị hụt dẫn đến giá cà phê Arabica và Robusta tăng cao. Nhu cầu cà phê Robusta trên thế giới cũng tăng, do đó, xuất khẩu cà phê nửa đầu năm ghi nhận giá trị cao kỷ lục”, ông Lê Đức Huy chia sẻ và nhận định khả năng cả năm nay ngành cà phê sẽ cán đích vượt 7 tỷ USD.

Nhận định về tình hình xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm, bà Nguyễn Thu Oanh, Trưởng ban Thống kê Dịch vụ và Giá (Cục Thống kê), cho biết, xuất khẩu là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Việt Nam với mức tăng cao trong 6 tháng đầu năm 2025. Thặng dư thương mại tiếp tục duy trì, góp phần ổn định cán cân vãng lai, tỷ giá và hỗ trợ kiểm soát lạm phát. 

Xuất khẩu tăng trưởng tốt là tín hiệu tích cực giúp ổn định kinh tế vĩ mô và giữ đà phục hồi. Khu vực đầu tư nước ngoài đóng vai trò lớn trong kim ngạch xuất khẩu, các tập đoàn lớn tăng cường hoạt động, thúc đẩy xuất khẩu. Ngoài ra, Việt Nam tiếp tục hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP, RCEP…. Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp tăng cường thúc đẩy mở rộng thị trường, đàm phán kỹ thuật, đẩy mạnh logistics, hải quan điện tử, cải thiện thủ tục xuất khẩu đã đóng góp cho tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian vừa qua.

Tiếp tục củng cố thị trường, nỗ lực về đích xuất khẩu

Trước bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới và trong nước năm 2025, cùng với dự báo những thách thức và cơ hội đan xen trong giai đoạn tới, tăng tốc xuất khẩu đang được các doanh nghiệp đặt mục tiêu cũng như đưa ra chiến lược cho 6 tháng cuối năm 2025 và trong thời gian tới.

Trong lĩnh vực dệt may, ông Lê Tiến Trường cho hay, thông thường, 6 tháng đầu năm chỉ gánh vác được 40% lợi nhuận cả năm. Hiện các doanh nghiệp đang nhận đơn hàng tháng đến tháng 8, tháng 9. Ngành dệt may kỳ vọng với đơn hàng từ nay đến cuối năm, sản lượng sản xuất cơ bản đủ và tăng trưởng kim ngạch toàn ngành sẽ đạt khoảng 7 - 8%.

Ông Phạm Văn Việt cho biết, doanh nghiệp lên kế hoạch đầu tư nhà máy nguyên phụ liệu ngay tại thị trường trong nước. Theo đó, hiện doanh nghiệp đã mua 3 nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu trong nước, đồng thời đẩy mạnh đầu tư công nghệ cao vào các nhà máy này. Cùng với đó, doanh nghiệp tăng tốc, mở rộng ra các thị trường Australia, Canada.

“Dù không đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 2 con số mà doanh nghiệp đặt ra cho cả năm nay, tuy nhiên, dự kiến, cả năm 2025, doanh nghiệp vẫn sẽ tăng trưởng khoảng 8%”, ông Phạm Văn Việt chia sẻ.

Hiện, Việt Nam ký nhiều Hiệp định thương mại tự do mở rộng cơ hội cho xuất khẩu cho ngành dệt may. Tuy nhiên, trên thị trường thế giới, các quốc gia cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, tăng tốc tham gia vào thị trường dệt may toàn cầu, điều này tạo sức ép cạnh tranh lớn với các doanh nghiệp dệt may trong nước. Để thích ứng được với thị trường, buộc phải có tài chính để đầu tư công nghệ. Do đó, ông Việt cũng kiến nghị được hỗ trợ về vốn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp tái đầu tư vào công nghệ cao.

Trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, ông Lê Đức Huy cho hay, các doanh nghiệp ngành cà phê thường tính theo vụ (từ tháng 10 năm nay đến tháng 6 sang năm). Từ tháng 7 đến tháng 9/2025, lượng tồn kho trong dân thấp, lượng cam kết thu mua của doanh nghiệp cũng không lớn, do đó, tổng lượng cà phê doanh nghiệp xuất khẩu năm nay khoảng 110 nghìn tấn ngang bằng năm ngoái, tuy nhiên, tổng giá trị xuất khẩu dự kiến tăng khoảng 55%. Duy trì các thị trường xuất khẩu cà phê trọng điểm như EU, đồng thời mở rộng ra các thị trường mới là kế hoạch được doanh nghiệp đưa ra.

Đồng hành cùng doanh nghiệp ngành nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ sẽ đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, đóng góp vào sự phát triển của ngành và đất nước trong giai đoạn mới; nghiên cứu triển khai các nhiệm vụ nhằm khai thác tốt hơn thị trường Trung Quốc, bảo đảm ổn định đầu ra cho nông sản; tăng cường các hoạt động phát triển thị trường, kết nối, quảng bá nông sản tại các thị trường lớn nhưng thị phần còn chưa tương xứng như EU, Nhật Bản. Đồng thời, tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu các nhóm sản phẩm chủ lực như trái cây và nhóm sản phẩm tiềm năng còn nhiều dư địa gia tăng xuất khẩu như sản phẩm chăn nuôi.

Duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu, duy trì thặng dư thương mại 6 tháng cuối năm 2025 sẽ là tín hiệu tích cực giúp ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần ổn định cán cân vãng lai, tỷ giá và hỗ trợ kiểm soát lạm phát. 

Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam cần ưu tiên tái cấu trúc chiến lược theo hướng chủ động, bền vững và thích ứng nhanh. Các chuyên gia khuyến nghị, doanh nghiệp cần tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới. Khai thác hiệu quả, tận dụng lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do FTA để gia tăng xuất khẩu. Đồng thời, đẩy mạnh xuất khẩu sang Ấn Độ, Trung Đông, Nam Á, Đông Âu, châu Phi...

Lượt xem: 5
Tác giả: Nguyễn Hạnh
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật