Thứ sáu, 20/09/2024 - 05:14

Thừa Thiên Huế: Giảm nghèo bền vững cho các dòng họ, làng, bản

Phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” tại Thừa Thiên Huế đã phát huy vai trò của trưởng họ, già làng… giúp các gia đình vươn lên thoát nghèo.

Vai trò của già làng, trưởng bản

Lễ phát động phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” vừa được tổ chức tại huyện miền núi A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) – 1 trong 74 địa phương nghèo của cả nước.

Thừa Thiên Huế: Giảm nghèo bền vững cho các dòng họ, làng, bản
Phát động phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” tại huyện A Lưới

Theo Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế, việc phát động phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của các dòng họ, dòng tộc, làng, bản. Đặc biệt là vai trò của trưởng họ, trưởng tộc, già làng, trưởng thôn, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số gương mẫu, nòng cốt đi đầu trong thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững.

Phong trào còn hướng đến nâng cao nhận thức, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực của các dòng họ, làng, bản, người có uy tín chính quyền địa phương động viên, khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các gia đình trong dòng họ, làng, bản nỗ lực vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, góp phần thực hiện thành công công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 11-NQ/TU, ngày 03/11/2021 của Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, với mục tiêu phấn đấu giảm tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đến năm cuối năm 2024 còn 2,2% và đến cuối năm 2025 còn 1,84%.

Ông Phan Ngọc Thọ cho rằng, để phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” được thực hiện sâu rộng, có hiệu quả, đòi hỏi cả hệ thống chính trị vào cuộc, hỗ trợ đồng bộ, kịp thời chung tay cùng các hộ nghèo thoát nghèo. “Quyết tâm phấn đấu hộ nghèo có sức lao động phải thoát nghèo; phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín phải nêu cao hơn nữa vai trò của mình trong làng bản, dòng họ động viên khuyến khích các con em tích cực, nỗ lực thoát nghèo”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ đề nghị và yêu cầu cấp ủy, chính quyền tiếp tục vận động, tuyên truyền cho người dân giúp cho bản thân hộ nghèo có ý chí vươn lên thoát nghèo, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại.

Hướng đến mục tiêu đến hết năm 2023 A Lưới không còn là huyện nghèo

Theo UBND huyện A Lưới, trong giai đoạn 2016 - 2020, chương trình giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đạt được những kết quả quan trọng. Tỷ lệ hộ nghèo từ hơn 35% năm 2016, giảm xuống còn gần 15% cuối năm 2020 (theo tiêu chí cũ). Năm 2021, qua điều tra, rà soát (theo chuẩn nghèo đa chiều) toàn huyện hiện còn 7.022 hộ nghèo (chiếm gần 50%); 2.185 hộ cận nghèo (chiếm gần 16%).

Huyện A Lưới phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều toàn huyện giảm còn dưới hơn 12%.

Thừa Thiên Huế: Giảm nghèo bền vững cho các dòng họ, làng, bản
Sâm Bố Chính được trồng thử nghiệm và phát triển tốt trên đất A Lưới

Để thực hiện mục tiêu này, huyện sẽ “Xác định rõ nguyên nhân nghèo và có phương án thoát nghèo theo địa chỉ cụ thể cho từng hộ nghèo”. Và căn cứ kế hoạch phân bổ chỉ tiêu của huyện, các xã, thị trấn đã xây dựng kế hoạch giảm nghèo cụ thể đối với thôn, tổ dân phố.

Hiện Ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững huyện A Lưới đã xây dựng kế hoạch giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ đầu năm 2022 là gần 50% (tương đương với 7.022 hộ nghèo), giảm xuống dưới hơn 12% (tương đương với 1.784 hộ nghèo vào năm 2025); tỷ lệ bình quân giảm 9,49%/năm. Riêng năm 2022 giảm 10,18%; cả giai đoạn 2022 - 2025 giảm 5.238 hộ tỷ lệ khoảng 37,96%.

Ông Huỳnh Công Quảng - Bí thư Huyện ủy A Lưới, Thừa Thiên Huế cho biết, để đạt mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, huyện A Lưới đã và đang triển khai việc tạo công ăn việc làm, xóa nhà tạm cho người dân. Nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cũng đã và đang được triển khai như: trồng nấm, sâm bố chính, chăn nuôi trang trại bò, lợn hữu cơ…

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ, với những mục tiêu, kế hoạch đề ra, đến cuối năm 2023, huyện A Lưới đủ điều kiện thoát khỏi huyện nghèo Quốc gia.

“Để làm được điều đó, chính quyền các địa phương vào cuộc theo từng địa chỉ hộ nghèo để phong trào có chiều sâu, phát triển lâu dài, thật sự đem lại lợi ích thiết thực cho người dân; Ban dân vận, Ủy ban MTTQ các cấp tổ chức thi đua trên từng địa bàn; đánh giá kết quả hoạt động của phong trào hàng quý, hàng tháng…”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên khẳng định.

Đồng thời, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ mong muốn huyện A Lưới nỗ lực vươn lên quyết tâm giảm nghèo bền vững thoát khỏi danh sách các địa phương nghèo cả nước, góp phần đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Sau Lễ phát động, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ trao tượng trưng 05 con bò (mỗi con trị giá 15 triệu đồng) cho 5 hộ nghèo tại huyện A Lưới và tham gia khởi công xây dựng nhà Đại đoàn kết tại xã Hồng Kim, huyện ALưới.

Lượt xem: 42
Tác giả: Nguyễn Tuấn
Tin liên quan