Apple có động thái chấm dứt tranh cãi suốt 1 thập kỷ: Người dùng iPhone hay Android giàu hơn?
Không có bằng chứng nào cho thấy những người mua iPhone đều giàu.
Trong hơn một thập kỷ, người dùng điện thoại thông minh trên khắp thế giới đã phải đối mặt với vấn đề lớn trong giao tiếp: chênh lệch giữa tin nhắn “bóng xanh lá cây và xanh lam”.
Cụ thể, nếu người dùng iPhone gửi tin nhắn đến iPhone, tin nhắn sẽ nằm gọn trong bóng xanh lam với rất nhiều các emoji độc quyền như biểu tượng cảm xúc và hoạt ảnh vui nhộn. Tuy nhiên, nếu người dùng iPhone nhắn tin đến thiết bị Android, bong bóng sẽ chuyển sang màu xanh lá. Nhiều tính năng không hoạt động trong khi hình ảnh và video bị giảm chất lượng.
Theo thời gian, sự khó chịu của người dùng tăng lên khi khác biệt trên tạo ra mối quan hệ chia rẽ sâu sắc giữa những người dùng có thói quen đánh giá nhau qua điện thoại. Màu sắc được cho là sẽ phản ánh địa vị và sự giàu có bởi quan niệm rằng chỉ những người giàu mới mua được iPhone.
Rất may, một phần vấn đề này sẽ sớm được giải quyết.
Trong tháng này, Apple thông báo sẽ cải tiến công nghệ gửi tin nhắn giữa người dùng iPhone và Android bắt đầu từ năm tới bằng cách áp dụng tiêu chuẩn mà Google và các hãng khác đã tích hợp. Văn bản được gửi giữa iPhone và Android sẽ vẫn có màu xanh lá, song hình ảnh và video sẽ mang chất lượng cao hơn. Các tính năng bảo mật như mã hóa đầu cuối cũng có thể tích hợp.
Jim Steyer, giám đốc điều hành của Common Sense, tổ chức đã làm việc với hàng nghìn ngôi trường để chia sẻ những câu chuyện xoay quanh ứng dụng nhắn tin, cho biết: “So sánh tin nhắn xanh lá và xanh lam là một hình thức bắt nạt trên mạng”.
Trong một video phổ biến trên TikTok và YouTube, một người đàn ông ngẫu nhiên đặt câu hỏi cho những phụ nữ qua đường: “Một người mới 10 tuổi nhưng có điện thoại Android. Bạn chấm anh chàng mấy điểm?” Hầu hết đều trả lời “1” hoặc “0”, sau đó đưa ra những nhận xét kiểu ‘bong bóng xanh lá cây trông không sang’.
Thực tế, đúng là điện thoại Android có giá cả phải chăng hơn iPhone, song thương hiệu Android bán chạy nhất, Samsung, cũng sản xuất những chiếc smartphone Galaxy hàng đầu có giá từ 800 đến 1.100 USD, tức tương đương iPhone. Cũng không có bằng chứng nào cho thấy mọi người mua iPhone đều giàu có.
Mọi người chọn mua điện thoại vì nhiều lý do, bao gồm tính năng, kích thước màn hình, chất lượng camera và thời lượng pin. Ngân sách có thể là yếu tố quan trọng song sự khác biệt trong màu sắc tin nhắn không thể phản ánh thu nhập hay địa vị xã hội của bất kỳ ai.
Thực tế, vị trí thống trị của Apple trên thị trường điện thoại thông minh Mỹ đã kéo dài trong nhiều năm. Động lực đến từ nhiều yếu tố, trong đó có việc hãng này duy trì sự phổ biến của những chiếc iPhone trong bộ phận giới trẻ. Ai cũng sợ cảm giác làm xáo trộn cuộc trò chuyện nhóm bởi những khung chat xanh lá cây - cách Apple hiển thị tin nhắn văn bản được gửi từ các thiết bị “ngoại lai”.
“Nếu không dùng iPhone, bạn rất dễ nằm ngoài các cuộc trò chuyện nhóm trên mạng xã hội của bạn bè. Nghe có vẻ xấu tính nhưng thật khó để nhắn tin với một người không dùng chung hãng điện thoại với mình”, Nicole Jimenez, sinh viên năm hai 20 tuổi tại Đại học Rutgers (New Jersey, Mỹ), giải thích.
Carolina Milanesi, nhà phân tích công nghệ của Creative Strategies, cho biết Apple đã xây dựng cả một hệ sinh thái gồm các sản phẩm phụ thuộc vào nhau, bao gồm AirPods, Mac và Apple Watch, để tạo “bẫy” cho người tiêu dùng.
Tại đa số các quốc gia giàu có, người tiêu dùng dưới 29 tuổi hiện rất ưa chuộng iPhone. Việc chuyển sang dùng iPhone có thể chậm hơn ở châu Âu vì một số yếu tố, bao gồm sự sẵn có của chiếc điện thoại Android.
“Tôi sở hữu hầu hết những gì Apple bán ra”, một người dùng iPhone trung thành vừa nói vừa chỉ về phía chiếc túi đựng AirPods, iPhone, MacBook Air và iPad của mình. “Tôi không ngại trả giá cao cho một sản phẩm nếu nó tốt”.
“Thật khó để quay lại Android một khi bạn đã quen với iOS”, một người khác cho biết.
Với giới trẻ nói chung bên Mỹ, iPhone được coi là chuẩn mực, là thứ phổ biến cần có ở bất kỳ đứa trẻ Gen Z nào. Trong báo cáo Taking Stock of Teens thống kê về hành vi ở độ tuổi này nói chung, có tới 83% số người được hỏi cho biết họ đang dùng iPhone
“Thật nực cười, nhưng dường như iPhone đã biến thành biểu tượng của cả một thế hệ”, chuyên gia phân tích Mike Olson cho hay.
Sự phổ biến đến nỗi gần như lý tưởng này đã vô hình chung khiến nhiều người cảm thấy ‘lạc loài’ chỉ vì không dùng iPhone.
“Nếu bạn không có iPhone để dùng, đừng mong đợi quá nhiều về sự công bằng giữa những ánh nhìn trong một tập thể”, Liane Lopez, cựu học sinh trường trung học bang New Jersey, nói.
Ở một góc nhìn khác, các chuyên gia cho rằng nhu cầu làm việc đa tác vụ trong cuộc sống đã khiến smartphone nói chung và iPhone nói riêng ăn sâu vào tiềm thức mỗi người. Thế nhưng, các bạn trẻ khi được hỏi lại không quá thừa nhận điều đó. Họ thích iPhone đơn giản chỉ vì đây là một văn hoá ‘ngầm’.
“Tôi ước gì xã hội chúng ta chưa từng biết đến những thứ công nghệ và kết nối hiện đại”, Jess Gallo, cựu sinh viên Đại học Montclair, nói.
Theo: The New York Times, BI