Thứ hai, 21/04/2025 - 21:02

DeepSeek nổi danh, nhưng 6 “lục hổ” mới là thế lực thật sự của ngành AI Trung Quốc

Trong khi DeepSeek đang nổi như cồn trong cuộc đua AI, giới công nghệ Trung Quốc vẫn truyền tai nhau về một nhóm “lục hổ” thầm lặng nhưng đầy uy lực.

Trong khi startup DeepSeek đang gây chấn động tại cả Thung lũng Silicon lẫn Phố Wall, thì tại Trung Quốc, vẫn còn một nhóm khác đang âm thầm nắm giữ vị trí thống trị trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo. Giới công nghệ gọi họ là "Lục Hổ" - Six Tigers của ngành AI Trung Quốc.

Sáu startup gồm: Zhipu AI, Moonshot AI, MiniMax, Baichuan Intelligence, StepFun và 01.AI. Họ sở hữu đội ngũ nhân sự từng làm việc tại các tên tuổi lớn như Google, Huawei, Microsoft, Baidu và Tencent, và đang phát triển các mô hình AI tiên tiến, cạnh tranh trực tiếp với các đại diện đến từ phương Tây.

Zhipu AI

Thành lập năm 2019 bởi hai giáo sư từ Đại học Thanh Hoa (Tsinghua), Zhipu AI là một trong những công ty khởi nghiệp AI sinh ngữ đầu tiên tại Trung Quốc. Startup này sở hữu chatbot ChatGLM và công cụ tạo video bằng AI có tên Ying.

DeepSeek nổi danh, nhưng 6 “lục hổ” mới là thế lực thật sự của ngành AI Trung Quốc- Ảnh 1.

 

Tháng 8 năm ngoái, Zhipu công bố mô hình GLM-4-Plus, được đánh giá có hiệu năng ngang ngửa với GPT-4o của OpenAI. Họ cũng ra mắt GLM-4-Voice, mô hình AI đàm thoại có khả năng nói tiếng Trung và tiếng Anh với ngữ điệu, giọng vùng miền như con người.

Dù vậy, Zhipu vừa bị chính quyền Mỹ đưa vào danh sách hạn chế thương mại. Hồi đầu tháng, công ty vẫn kêu gọi được hơn 140 triệu USD, với sự tham gia của Alibaba, Tencent và một số quỹ nhà nước.

Moonshot AI

Ra đời năm 2023, cũng từ Đại học Thanh Hoa, Moonshot AI do nhà nghiên cứu Yang Zhilin sáng lập – người từng học tại Carnegie Mellon.

DeepSeek nổi danh, nhưng 6 “lục hổ” mới là thế lực thật sự của ngành AI Trung Quốc- Ảnh 2.

 

Sản phẩm nổi bật của họ là chatbot Kimi AI, lọt top 5 chatbot phổ biến nhất tại Trung Quốc với gần 13 triệu người dùng hoạt động hàng tháng (số liệu tháng 11/2023, theo Counterpoint Research). Kimi có thể xử lý truy vấn lên tới 2 triệu ký tự tiếng Trung.

Công ty được định giá 3,3 tỷ USD, và cũng có sự hậu thuẫn từ Alibaba, Tencent.

MiniMax

MiniMax được thành lập năm 2021 bởi nhà nghiên cứu AI Yan Junjie. Sản phẩm nổi bật là Talkie, một chatbot cho phép người dùng trò chuyện với các nhân vật ảo – từ người nổi tiếng đến nhân vật hư cấu.

DeepSeek nổi danh, nhưng 6 “lục hổ” mới là thế lực thật sự của ngành AI Trung Quốc- Ảnh 3.

 

Talkie từng có tên là Glow khi ra mắt năm 2022, sau đó được đổi tên thành Xingye tại Trung Quốc và Talkie ở thị trường quốc tế. Ứng dụng này bị gỡ khỏi App Store Mỹ vào tháng 12 do "lý do kỹ thuật", theo South China Morning Post.

MiniMax cũng phát triển Hailuo AI, một công cụ tạo video từ văn bản. Công ty được định giá 2,5 tỷ USD sau vòng gọi vốn 600 triệu USD do Alibaba dẫn dắt vào tháng 3 năm ngoái.

Baichuan Intelligence

Baichuan Intelligence thành lập tháng 3/2023, quy tụ nhân sự từng làm việc tại Microsoft, Huawei, Baidu và Tencent.

DeepSeek nổi danh, nhưng 6 “lục hổ” mới là thế lực thật sự của ngành AI Trung Quốc- Ảnh 4.

 

Startup này đã phát hành hai mô hình ngôn ngữ mã nguồn mở là Baichuan-7B và Baichuan-13B trong năm 2023. Các mô hình này được đào tạo trên dữ liệu đa ngôn ngữ, hỗ trợ các lĩnh vực như tri thức phổ thông, toán học, lập trình, dịch thuật, pháp lý và y tế.

Tháng 7 vừa rồi, Baichuan gọi vốn thành công 687,6 triệu USD, nâng mức định giá lên hơn 20 tỷ nhân dân tệ (tương đương gần 2,8 tỷ USD), với sự tham gia của Alibaba, Tencent và các quỹ đầu tư nhà nước.

StepFun

StepFun là một startup AI có trụ sở tại Thượng Hải, thành lập năm 2023 bởi Jiang Daxin, cựu Phó Chủ tịch cấp cao của Microsoft. Dù còn non trẻ, công ty này đã nhanh chóng tạo dấu ấn khi ra mắt 11 mô hình nền tảng (foundation models) bao gồm AI xử lý hình ảnh, âm thanh và đa phương thức (multimodal).

DeepSeek nổi danh, nhưng 6 “lục hổ” mới là thế lực thật sự của ngành AI Trung Quốc- Ảnh 5.

 

Trong đó, nổi bật nhất là Step-2, một mô hình ngôn ngữ với một nghìn tỷ tham số (trillion parameters), hiện đang được xếp hạng cạnh tranh trực tiếp với các mô hình từ DeepSeek, Alibaba và OpenAI trên bảng xếp hạng LiveBench – nơi đánh giá hiệu năng của các mô hình ngôn ngữ lớn theo thời gian thực.

Tháng 12 năm ngoái, StepFun đã gọi vốn thành công hàng trăm triệu USD trong vòng Series B, với sự hậu thuẫn của Fortera Capital – một quỹ đầu tư tư nhân thuộc sở hữu nhà nước.

01.AI

01.AI được thành lập vào năm 2023 bởi Kai-Fu Lee, cựu lãnh đạo kỳ cựu từng làm việc tại Apple, Microsoft và Google. Đây là cái tên đáng chú ý trong làn sóng AI mã nguồn mở tại Trung Quốc, với hai mô hình chính: Yi-Lightning và Yi-Large.

DeepSeek nổi danh, nhưng 6 “lục hổ” mới là thế lực thật sự của ngành AI Trung Quốc- Ảnh 6.

 

Cả hai mô hình đều được công bố mã nguồn mở, và nhanh chóng lọt top các mô hình có hiệu năng tốt nhất thế giới về khả năng ngôn ngữ, suy luận và hiểu ngữ cảnh.

Điểm nổi bật của Yi-Lightning là chi phí huấn luyện cực kỳ tối ưu. Theo chia sẻ từ chính Kai-Fu Lee trên LinkedIn, mô hình này chỉ dùng 2.000 GPU Nvidia H100 trong vòng 1 tháng – ít hơn đáng kể so với Grok 2 của xAI dù đạt hiệu năng tương đương.

Trong khi đó, Yi-Large được thiết kế để đối thoại tự nhiên như con người, hỗ trợ cả tiếng Trung và tiếng Anh.

 

Lượt xem: 7
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật