“Đất Mũi” khởi nghiệp – Nung nấu khát vọng và bài toán vươn tầm
Trong dòng chảy Quốc gia khởi nghiệp, tại tỉnh Cà Mau có những con người khát khao, dám nghĩ, dấn thân khởi nghiệp. Con đường khởi nghiệp luôn có những khó khăn, cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau thời gian qua quan tâm công tác này và thể hiện bằng những hành động cụ thể.
Khơi khát vọng
Anh Nguyễn Minh Thái (ở xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi) đạt giải Nhất cuộc thi “Khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Cà Mau” năm 2021, với bộ sản phẩm cá mào gà Đầm Dơi gồm: Mắm, khô, chả và nước mắm. Sản phẩm của Thái được đánh giá cao không chỉ vì ngon, đẹp mà còn là sản phẩm mới với ngay cả người dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Vào năm 2020, trong quá trình tham gia xây dựng HTX ở địa phương, Thái cảm nhận rõ nhất sự cực khổ của bà con đánh bắt thủy hải sản nhưng nhiều sản phẩm chỉ để làm thức ăn cho cua hoặc bán với giá rất thấp. Cá mào gà chính là loài cá tạp, không có giá trị cao của ngư dân làm nghề biển ở miền quê Thái ở. Từ việc một bộ phận người dân địa phương dùng cá mào gà làm mắm, chàng trai 30 tuổi đã nảy ra ý định khởi nghiệp với sản phẩm này và được ghi nhận. Điều đáng quý hơn, người thanh niên nhiệt huyết đó, phát triển sản phẩm mắm cá mào gà không chỉ vì bản thân mà còn mang theo khát vọng muốn làm được gì đó cho vùng đất, con người nơi mình ở.
“Trước đây, tôi đặt nặng mục tiêu là lợi nhuận, sau này đặt mục tiêu vừa tìm kiếm lợi nhuận, còn phải hoàn thiện sản phẩm hơn, đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng. Từ đó, mình sẽ giúp đỡ được nhiều người dân. Mình hoạt động một phần vì lợi nhuận, một phần tạo việc làm để cùng phát triển địa phương”, anh Nguyễn Minh Thái chia sẻ.
Ở vùng Đất Mũi - Cà Mau không chỉ Nguyễn Minh Thái mà còn có rất nhiều người ấp ủ giấc mơ khởi nghiệp. Trong Cuộc thi về khởi nghiệp lần thứ 3 được cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau tổ chức vào ngày 26/10 vừa qua, có 81 dự án khởi nghiệp tham gia, 10 dự án vào vòng chung kết. Khi Ban Tổ chức trao giải những tiếng vỗ tay vang vọng khán phòng, những tiếng reo hò của các thí sinh không chỉ thể hiện niềm vui vỡ òa của người chiến thắng mà còn là niềm vui của cơ hội phát triển.
Điều đó thể hiện khát khao của những con người muốn đóng góp, muốn cống hiến. Khát khao đó, thể hiện trong chính dự án các thí sinh dự thi, gắn liền với hướng phát triển các đặc sản có tiếng hoặc các thế mạnh của vùng đất “Cuối trời”. Khát khao đó, còn thể hiện rõ hơn qua nội dung thuyết trình các dự án, đều hướng tới giá trị đóng góp cho quê hương, cho vùng đất họ chôn nhau cắt rốn và khi kết quả cuộc thi được công bố thì đó là sự trào dâng. Những cuộc thi khởi nghiệp tỉnh Cà Mau tổ chức những năm qua đã góp phần không nhỏ khơi dậy, lan tỏa khát vọng khởi nghiệp của nhiều người ở “Cuối giải đất hình chữ S”.
Những “đóa hoa” chớm nở
Giải nhất Cuộc thi “Ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” của tỉnh Cà Mau năm 2022 thuộc về nhóm thí sinh Huỳnh Công Tấn, Tiêu Hoàng Pho và Dương Thanh Lực với Dự án “Ứng dụng công nghệ điện phân trực tiếp cho xử lý nước nuôi tôm siêu thâm canh”. Ban giám khảo đánh giá cao dự án này vì nhóm tác giả đã ứng dụng công nghệ và có sự sáng tạo, giúp xử lý, làm sạch nguồn nước đầu vào và xử lý được nguồn nước thải ra để tái dùng trong quá trình nuôi tôm siêu thâm canh.
Cà Mau là tỉnh có lợi thế lớn nhất cả nước về nuôi tôm nước lợ, trong đó, có nuôi tôm siêu thâm canh. Mô hình “Ứng dụng công nghệ điện phân trực tiếp cho xử lý nước nuôi tôm siêu thâm canh” được hoàn thiện, được nhân rộng, sẽ rất thiết thực trước tiên với chính người nuôi tôm Cà Mau. Tuy nhiên, từ một dự án khởi nghiệp để đến được rộng rãi người dân là cả một quá trình. Cũng chính vì vậy, những dự án khởi nghiệp đạt giải cũng chỉ được ví như những đóa hoa chớm nở, cần được chăm chút, vun bồi để nở rộ, rồi mới tới việc cho trái ngọt, còn không có thể tàn bất kỳ lúc nào.
Hay như anh Đặng Quốc Huy (ở phường 6, TP.Cà Mau) – một con người lặng lẽ bước vào con đường khởi nghiệp bằng lúa sạch vào năm 2014, đã có những thành công nhưng đến năm 2018, anh đã phải lùi bước vì không thể cạnh tranh với sự nở rộ của sản phẩm lúa sạch tràn ngập thị trường. Anh Huy chuyển qua kinh doanh sản phẩm làm đẹp, cũng có kết quả bước đầu. Anh qua Thái Lan học hỏi và đầu tư sản xuất kem làm trắng da nhưng sản phẩm của anh không phù hợp với người tiêu dùng Việt và lại một lần anh phải chuyển đổi. Trong quá khởi nghiệp đầy thăng trầm, anh Huy đã ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, chăm sóc khách hàng bằng các phần mềm. Khi có tệp khách hàng tương đối lớn, anh nhận ra, đó là tài sản đã giúp mình kinh doanh hiệu quả. Trong xu thế chuyển đổi số, anh Huy đã mạnh dạn xây dựng ứng dụng LNB Group chuyển qua kinh doanh theo hướng tiếp thị liên kết.
Điểm cốt lõi trong kinh doanh tiếp thị liên kết của anh Huy là nền tảng thương mại điện tử LNB Group, giúp kết nối nhà phân phối, đại lý, mạng lưới cộng tác viên và khách hàng. Trên nền tảng LNB Group có sản phẩm của người muốn bán, người có nhu cầu chỉ cần tải ứng dụng về đăng ký tài khoản miễn phí để mua. Trên mỗi đơn hàng bán với giá niêm yết, anh Huy chia lại 50% hoa hồng được nhận từ nhà phân phối cho người mua hàng. Tất cả đều được xử lý trên nền tảng LNB Group rất thuận lợi. Sau 2 năm thực hiện, trên ứng dụng đang có hơn 1.000 sản phẩm của các nhà cung cấp được bày bán; có hơn 1.500 tài khoản đăng ký sử dụng và 40% hoạt động thường xuyên.
Anh Đặng Quốc Huy cho biết, kết quả đó đến từ chính giá trị chia sẻ với khách: “Đúng kinh doanh là phải vì tiền, tuy nhiên, mình phải chia sẻ giá trị cho người dùng trước. Ai đến với mình họ cũng nhận được giá trị, tôi chia sẻ lợi nhuận, hoa hồng từ các nhà cung cấp cho cộng tác viên, người tiêu dùng thì lúc đó rất dễ lan tỏa. Thực tế điều đó giúp mình giảm rất nhiều chi phí, mình không có nhiều vốn để đầu tư đâu mình chỉ tập trung vào công nghệ và hàng hóa. Mình maketing rộng rãi được đó là nhờ vào sự trao giá trị”.
Anh Huy là người đầu tiên tại Cà Mau thực hiện mô hình kinh doanh tiếp thị liên kết. Chiều hướng phát triển khả quan, tuy nhiên, bước đường khởi nghiệp đã qua luôn khiến người thanh niên 34 tuổi phải suy tư về vấn đề phát triển bền vững và đủ lớn để tồn tại được lâu dài. Anh Huy nhận ra mô hình kinh doanh của mình rất phù hợp để liên kết cùng phát triển với những các Startup khác nên đã đặt ra cho phóng viên 1 câu hỏi: “Mô hình kinh doanh này muốn được hỗ trợ, liên kết để phát triển có thể liên hệ với ai, đơn vị nào?”.
Thấy gì từ Cà Mau Up
Tháng 10/2022, Chương trình sự kiện về khởi nghiệp được cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau tổ chức hoành tráng nhất từ trước tới nay, với tên gọi Cà Mau UP. Chương trình gồm chuỗi hoạt động: Trưng bày sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp; Diễn đàn khởi nghiệp và Cuộc thi “Ý tưởng Dự án khởi nghiệp sáng tạo”.
Tại Diễn đàn khởi nghiệp, những chuyên gia hàng đầu cả nước như: bà Phạm Thị Việt Nga, Thầy thuốc ưu tú, Anh hùng Lao động, nguyên Tổng giám đốc Cty Dược Hậu Giang; ông Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Quản lý tri thức KMI; bà Vũ Kim Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA);… đã có những chia sẻ đầy tâm huyết. Từ lý thuyết cơ bản đến những phân tích chuyên sâu về xu thế, diễn biến thị trường đến định hướng nên khởi nghiệp như thế nào,… đã được các chuyên gia truyền tải đến hàng trăm Startup tham dự.
Phần hỏi đáp trực tiếp giữa Startup và các chuyên gia diễn ra sôi nổi. Đến gần thời điểm kết thúc chương trình, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã xin được phát biểu. Ông Sử bày tỏ, lo không còn cơ hội được hỏi và nhận được góp ý của các chuyên gia trong việc làm sao để xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp vững mạnh nên phải ngắt ngang chương trình. Qua đó cho thấy lãnh đạo tỉnh Cà Mau thể hiện sự quan tâm, mong muốn của cơ quan chức năng trong việc đầu tư, hỗ trợ, phát triển các dự án khởi nghiệp.
Ông Lê Văn Sử, gửi gắm đến những người có mong muốn khởi nghiệp của tỉnh: “Để khơi dậy ý tưởng dự án khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trước tiên giới trẻ phải trăn trở tìm cách để khai thác tiềm năng, bảo tồn, phát huy thế mạnh của địa phương mình. Đặc biệt, là các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế. Cùng với đó, phải ứng dụng khoa học công nghệ và phải có sự năng động, sáng tạo thì chắc chắn rằng chúng ta sẽ đề xuất được những dự án đáp ứng được yêu cầu”.
Không chỉ đến với Cà Mau Up mà ở nhiều chương trình, sự kiện trong chuỗi “Chương trình sự kiện Cà Mau điểm đến 2022” nói riêng và các năm trước nói chung, cơ quan chức năng Cà Mau đều có khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp để các Startup có cơ hội học hỏi, giới thiệu, tìm kiếm thị trường. Chia sẻ với PV, nhiều người đạt giải trong các cuộc thi khởi nghiệp trước đây của tỉnh Cà Mau cho biết, cơ quan chức năng quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để họ được đi nhiều tỉnh thành trên cả nước quảng bá, xúc tiến thương mại.
Còn những trăn trở
Góp ý cho việc, làm sao để xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp vững mạnh ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã đặt ra, bà Phạm Thị Việt Nga, nguyên Tổng giám đốc Cty Dược Hậu Giang cho rằng, lãnh đạo tỉnh Cà Mau hãy đến gần các Startup nhất có thể. Hãy uống cà phê, lắng nghe những người có mong muốn khởi nghiệp nói, hãy họ cơ hội được bày tỏ.
Còn bà Vũ Kim Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) đã dẫn chứng câu chuyện “một gia đình có 3 người con đều kêu đói” để gửi gắm đến lãnh đạo tỉnh Cà Mau như sau: “Người thứ nhất, kêu đói rồi đợi cha mang đồ ăn lại đưa cho; người thứ hai chạy xuống bếp lục xem có gì để ăn không xong quay ra nói cha ơi hết đồ ăn rồi; người còn lại sau khi thấy trong nhà không có gì ăn đã chạy ra ngoài kiếm đồ ăn. Người cha đều có cách xử lý để các người con của mình không đói. Vấn đề là người cha làm sao liên kết 3 đứa con lại để chúng hiểu được câu chuyện của gia đình mình, để chúng cảm thông, chia sẻ và giúp nhau cùng phát triển”.
Từ vấn đề các chuyên gia góp ý có thể thấy rằng, tỉnh Cà Mau cần có một không gian chung, quy tụ được các Startup. Thực tế, tỉnh Cà Mau đã có không gian cà phê khởi nghiệp từ lâu. Tuy nhiên, cà phê khởi nghiệp của tỉnh Cà Mau thường vắng lặng. Những người ngồi đây chủ yếu là khách vãng lai. Không gian này giống nơi trưng bày sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm OCOP hơn là nơi kết nối, nơi trải lòng, nơi tìm hướng đi cho 1 dự án khởi nghiệp. Nói cụ thể hơn, cà phê khởi nghiệp của tỉnh Cà Mau đang thiếu thực chất và cái thiếu quan trọng nhất đúng như các chuyên gia đã góp ý: “thiếu sự tương tác giữa lãnh đạo tỉnh Cà Mau và các Startup; thiếu sự sẻ chia, liên kết giữa chính các Startup với nhau”.
Vùng đất Cuối trời – Cà Mau đang có những con người có khát vọng khởi nghiệp, khát khao vươn lên; cũng có những mô hình, dự án khởi nghiệp bước đầu đã đạt kết quả khả quan. Cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau thời gian qua đã quan tâm đầu tư cho khởi nghiệp. Tuy nhiên, cũng còn đó những trăn trở. Quay trở lại câu hỏi của anh Đặng Quốc Huy đặt ra cho phóng viên: “đơn vị nào có thể hỗ trợ, tìm kiếm sự liên kết ở đâu?” để thấy rõ hơn, tỉnh Cà Mau đang thiếu một không gian khởi nghiệp thật sự dành cho các Startup./.