Thứ năm, 19/09/2024 - 23:05

Chỉ số hàng hóa chung MXV-Index suy yếu tuần thứ 4 liên tiếp

Mặc dù sắc xanh đã quay trở lại nhóm nông sản trong tuần qua, nhưng chỉ số hàng hóa MXV-Index vẫn không thể tránh khỏi tuần giảm thứ 4 liên tiếp.

Chỉ số hàng hóa MXV-Index vẫn không thể tránh khỏi tuần giảm thứ 4 liên tiếp, với mức giảm 1,8% xuống còn 2.624 điểm.

Trong đó, nhóm năng lượng giảm mạnh nhất với mức giảm 4,3%. Giá trị giao dịch tại MXV giảm 6% do tâm lý thận trọng hơn của các nhà đầu tư trong nước, xuống còn hơn 4.000 tỷ đồng mỗi ngày trong tuần vừa qua.

Chỉ số hàng hóa MXV- Index suy yếu tuần thứ 4 liên tiếp

MXV-Index và giá trị giao dịch

Dầu thô chưa thể lấy lại đà tăng

Thị trường dầu thô không giữ được sắc xanh trong tuần vừa qua khi mà những lo ngại về suy thoái bao trùm lên tâm lý các nhà giao dịch. Kết thúc tuần 04 – 10/07, hợp đồng dầu thô WTI kỳ hạn tháng 8 giảm 3,36% về 104,79 USD/thùng, còn hợp đồng dầu thô Brent kỳ hạn tháng 9 giảm 4,13% về 107,02 USD/thùng.

Điểm nhấn đáng chú ý nhất trong tuần vừa qua là việc giá của cả hai mặt hàng dầu thô đánh mất mốc 100 USD, vốn được coi là một mức hỗ trợ tâm lý rất lớn đối với thị trường. Cụ thể, giá dầu thô WTI từng chạm mốc 95,21 USD, và giá dầu Brent từng giảm về 98,52 USD.

Chỉ số hàng hóa MXV- Index suy yếu tuần thứ 4 liên tiếp

Bảng giá năng lượng

Nguyên nhân chính khiến cho giá giảm mạnh xuất phát từ những lo ngại việc các Ngân hàng Trung ương trên thế giới mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ bằng việc tăng lãi suất sẽ khiến cho nền kinh tế toàn cầu đối mặt với suy thoái. Chỉ số Dollar Index cũng kết thúc tuần ở mức 107,01 điểm, cao nhất kể từ năm 2002. Điều này không chỉ làm gia tăng chi phí đối với các hoạt động kinh doanh dầu thô hàng thực, mà còn phản ánh việc các nhà đầu tư đang có xu hướng muốn cắt giảm bớt tài sản rủi ro, và trú ẩn vào đồng bạc xanh, hoặc những tài sản an toàn khác được niêm yết bằng đồng USD như trái phiếu Chính phủ Mỹ.

Bên cạnh đó, sức ép bán cũng được gia tăng trên thị trường trước những tin tức tiêu cực về tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc. Trung tâm tài chính Thượng Hải đã phải tiến hành xét nghiệm hàng loạt sau khi có một đợt bùng phát dịch mới, và thành phố này cũng đã ghi nhận một ca nhiễm biến thể BA.5 đầu tiên trong tuần trước. Trong bối cảnh mà việc phòng chống dịch vẫn là mục tiêu số một của các nhà chức trách, các hoạt động của nền kinh tế Trung Quốc sẽ khó có thể phục hồi mạnh mẽ, đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư chưa thể kỳ vọng vào sự tăng trưởng trong nhu cầu tiêu thụ dầu tại đây.

Mặc dù chịu sức ép lớn, nhưng giá dầu vẫn lấy lại được mốc 100 USD trong hai phiên cuối tuần, bởi trong ngắn hạn bài toán nguồn cung vẫn chưa tìm được lời giải. Một trong những hệ thống đường ống lớn nhất thế giới thuộc Công ty CPC đã bị tòa án Nga buộc phải ngừng hoạt động, và khiến cho khoảng 30 triệu thùng dầu thô chủ yếu từ Kazakhstan, có nguy cơ không được xuất khẩu mỗi tháng.

Tại trung tâm lưu trữ và cũng là điểm giao hàng cho hợp đồng tương lai dầu thô lớn nhất của Mỹ ở Cushing, Oklahoma, dự trữ của các kho đang dao động ở mức tối thiểu để duy trì hoạt động. Theo hãng tin Bloomberg, so với năm ngoái, dự trữ ở khu vực này thấp hơn khoảng 600.000 thùng. Nhu cầu tiêu thụ, đặc biệt là với dầu của Mỹ hiện vẫn cao, khi mà số liệu hải quan Mỹ vẫn cho thấy hàng triệu thùng dầu trong đợt giải phóng dự trữ khẩn cấp lịch sử của Mỹ đã được xuất khẩu sang châu Âu và châu Á vào tháng trước.

Trong tuần trước, số lượng giàn khoan dầu chỉ tăng 2 lên 752 giàn, còn số lượng giàn khoan các sản phẩm khác như khí, hay dầu đá phiến đều không thay đổi. Mức tăng khiêm tốn này vẫn phản ánh sự khó khăn trong việc gia tăng nguồn cung của Mỹ, và là một yếu tố giúp hạn chế sức bán trên thị trường.

Trên thị trường nội địa, trước diễn biến hạ nhiệt của giá dầu thế giới, giá xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh giảm tại kỳ điều hành giá của liên Bộ Tài chính - Công Thương lúc 0h ngày 11-7. Theo đó, giá xăng đã giảm hơn 3.000 đồng/lít, về dưới 30.000 đồng một lít, bằng với ngưỡng giá dở thời điểm giữa tháng 03 giá dầu giảm dao động trong khoảng 2.000-3.022 đồng/lít. Đây là lần giảm thứ 2 sau 7 lần tăng liên tiếp và là mức giảm mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay. So với cuối năm ngoái, giá mỗi lít RON 95-III vẫn đắt hơn 6.380 đồng, E5 RON 92 tăng thêm 5.230 đồng một lít; còn dầu diesel là 9.020 đồng.

Chỉ số hàng hóa MXV- Index suy yếu tuần thứ 4 liên tiếp

Bảng giá xăng dầu nội địa

Lúa mì dẫn dắt đà phục hồi của nhóm nông sản

Đóng cửa tuần, giá ngô đã hồi phục hơn 2,6% sau hai tuần liên tiếp sụt giảm. Những thông tin về nguồn cung từ Mỹ là yếu tố đã hỗ trợ giá hồi phục trong tuần trước.

Đối với mùa vụ tại Mỹ, báo cáo Tiến độ Mùa vụ (Crop Progress) trong tuần kết thúc ngày 03/07 cho thấy tỉ lệ ngô đạt chất lượng tốt – tuyệt vời đạt 64%, giảm 3% so với tuần trước đó đồng thời cũng thấp hơn 1% so với dự báo của thị trường. Tình hình khô hạn tại các khu vực gieo trồng chính tiếp tục gây ảnh hưởng đến vụ mùa ngô tại Mỹ và tác động “bullish” đến giá. Bên cạnh đó, báo cáo Dầu khí hàng tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy, sản lượng ethanol trong tuần 25/06 - 01/07 đạt mức 1,04 triệu thùng, tuần thứ 6 liên tiếp số liệu này đạt trên 1 triệu thùng. Thông tin này phản ánh nhu cầu ngô Mỹ cho hoạt động sản xuất ethanol vẫn rất ổn định và góp phần hỗ trợ giá ngô trong tuần trước.

Tương tự ngô, sau một chuỗi liên tiếp sụt giảm, lực mua đối với lúa mì được đẩy mạnh trong hai phiên cuối cùng của tuần trước đã giúp giá ghi nhận mức tăng hơn 5%. Triển vọng không mấy khả quan về nguồn cung lúa mì từ Liên minh châu Âu (EU) là nguyên nhân chính giúp giải thích cho diễn biến giá.

Theo hãng tin Reuters, sản lượng lúa mì năm nay của EU có thể thấp hơn so với các năm trước do thời tiết bất lợi. Mặc dù những cơn mưa kịp thời đã giúp cải thiện tình trạng mùa vụ tại một số vùng, nhưng điều này là không đủ để bù đắp sự sụt giảm năng suất ở những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của khô hạn.

Chỉ số hàng hóa MXV- Index suy yếu tuần thứ 4 liên tiếp

Bảng giá nông sản

Dầu đậu tương là mặt hàng nông sản duy nhất giảm giá trong tuần

Trong khi đó, các mặt hàng trong nhóm đậu tương có diễn biến trái chiều nhau. Dầu đậu tương có sự suy yếu, khô đậu lại ghi nhận mức tăng hơn 3,7% và vượt lên trên mức hỗ trợ tâm lí 400. Giá đậu tương mặc dù cũng rung lắc mạnh nhưng lại đóng cửa gần như không đổi so với tuần trước.

Trong báo cáo Tiến độ Mùa vụ Crop Progress mới nhất, chất lượng đậu tương trong tuần tiếp tục giảm 2% xuống còn 63% diện tích đạt tốt – tuyệt vời và dưới mức kỳ vọng của thị trường. Đáng chú ý, cây trồng bị ảnh hưởng trong tuần này chủ yếu đến từ những bang sản xuất lớn như Iowa và Illinois. Nhiệt độ tăng cao tại khu vực này đang gây ra nguy cơ ảnh hưởng tới chất lượng mùa vụ và hỗ trợ giá đậu tương hồi phục trở lại.

Bên cạnh đó, trong báo cáo cung – cầu tháng 07 của Cơ quan Cung ứng mùa vụ (CONAB), sản lượng và tồn kho đậu tương niên vụ 21/22 tại Brazil được dự báo thấp hơn so với số liệu trong báo cáo trước đó. Điều này càng khiến cho lo ngại về nguồn cung toàn cầu gia tăng và giúp giá đậu tương lấy lại sắc xanh.

Ở chiều ngược lại, dầu đậu tương đã chứng kiến tuần thứ 4 liên tiếp đóng cửa trong sắc đỏ với việc sụt giảm hơn 3%. Kể từ ngày 04/07, Indonesia đã nâng hạn ngạch xuất khẩu dầu cọ đối với các công ty tham gia chương trình Nghĩa vụ Thị trường Nội địa (DMO) lên mức 7 lần khối lượng bán ra trong nước. Bên cạnh đó, tồn kho dầu cọ cuối tháng 06 của Malaysia dự kiến sẽ tăng lên mức cao nhất trong vòng 7 tháng qua do xuất khẩu sụt giảm sau khi Indonesia quay trở lại thị trường. Những thông tin trên cũng đã gây sức ép tới giá dầu đậu tương trong tuần vừa qua.

 
Lượt xem: 122
Tác giả: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Tin liên quan