Hơn 1.500 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn
Theo Báo cáo tài chính Hợp nhất quý I/2025, Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thương Tín (Vietbank – MCK: VBB) ghi nhận thu nhập lãi thuần của đạt gần 703 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm trước. Các nguồn thu ngoài lãi lại không chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu thu nhập của ngân hàng này. Chi phí hoạt động trong quý tăng 14% lên 398 tỷ đồng, theo đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt gần 367 tỷ đồng.
Ngân hàng đã trích hơn 118 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 31%, kết quả lợi nhuận trước thuế đạt hơn 248 tỷ đồng. Thế nhưng nếu so với mục tiêu 1.750 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế đề ra cho cả năm 2025, Vietbank mới thực hiện được 14% kế hoạch sau quý đầu năm.
Tính đến cuối quý I/2025, tổng tài sản Vietbank tăng 7% so với đầu năm, lên 174.377 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm 60% còn 2.846 tỷ đồng, tiền gửi và cho vay tại các TCTD khác tăng 32% ghi nhận 46.317 tỷ đồng, cho vay khách hàng tăng 4% đạt 97.298 tỷ đồng.
Ở phần nguồn vốn, tiền gửi và vay Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước còn hơn 6 tỷ đồng, trong khi đầu năm gần 223 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng tăng 9% ghi nhận 103.017 tỷ đồng, phát hành giấy tờ có giá tăng 14% ghi nhận 20.118 tỷ đồng.
Quý I/2025, Vietbank ghi nhận nợ có khả năng mất hơn 1.500 tỷ đồng (Ảnh: BCTC Vietbank)
Tổng nợ xấu tính đến 31/03/2025 của Vietbank xấp xỉ đầu năm ở mức 2.567 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn ghi nhận 296 tỷ đồng; nợ nghi ngờ ghi nhận 681 tỷ đồng; đáng lưu ý là nhóm nợ có khả năng mất vốn vẫn ở mức cao khi ghi nhận 1.589 tỷ đồng, chiếm 62% tổng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu/dự nợ cho vay khách hàng ghi nhận 2,64%.
Tại Đại hội đồng cổ đông ngày 26/4 vừa qua, HĐQT VietBank cũng đã trình cổ đông thông qua nội dung liên quan đến phương án tăng vốn điều lệ năm 2025. Theo đó, VietBank dự kiến tăng vốn từ 7.139 tỷ đồng lên mức 10.919,7 tỷ đồng thông qua hai đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (phát hành từ nguồn vốn chủ sở hữu và huy động vốn từ cổ đông).
Theo HĐQT VietBank, việc tăng vốn trong năm 2025 sẽ giúp cho VietBank cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR) khoảng 13%, theo đó nâng cao khả năng huy động vốn và mở rộng danh mục tín dụng cho năm 2025 và các năm tiếp theo. Đồng thời, giúp VietBank nâng xếp hạng tín nhiệm theo chuẩn mực quốc tế. Việc tăng vốn cũng là điều kiện cần thiết để mở rộng mạng lưới, chi nhánh và tiếp cận khách hàng của Ngân hàng.
Nhiều vi phạm ở Vietbank Bình Dương
Tháng 1/2025, Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bình Dương đã công bố kết luận thanh tra Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thương tín (Vietbank) chi nhánh Bình Dương.
Theo kết luận, hoạt động tín dụng Vietbank Bình Dương tăng trưởng cao qua các năm, cụ thể tổng dư nợ cuối năm 2023 tăng 127% so với cuối năm 2022. Đến thời điểm 31/10/2024, tổng dư nợ đạt 2.064 tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 2,03% so với cuối năm 2023.
Tổng huy động vốn qua các năm tương đối ổn định, từ 1.720 tỷ đồng vào cuối năm 2022 tăng lên 2.227 tỷ đồng vào cuối năm 2023, với tỷ lệ tăng 29,5%. Đến 31/10/2024, tổng huy động đạt 2.132 tỷ đồng, giảm 6,78% so với cùng kỳ năm 2023 và giảm 4,26% so với cuối năm 2023.
Kết luận Thanh tra Ngân hàng Nhà nước đối với Vietbank chi nhánh Bình Dương
Kinh doanh hiệu quả và có lợi nhuận trong nhiều năm liên tục nhưng đến 31/10/2024 thì lợi nhuận lũy kế của Chi nhánh lỗ 2,06 tỷ đồng.
Kết luận thanh tra nhấn mạnh, nợ xấu của Vietbank Bình Dương có xu hướng tăng, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,24% (thời điểm 31/12/2022) lên 8,55% (thời điểm 31/10/2024). Mặc dù Chi nhánh đã và đang áp dụng các biện pháp để kiểm soát nợ xấu, tuy nhiên, hiệu quả thu hồi nợ xấu còn chậm và chưa có hiệu quả.
Đối với sai sót trong hoạt động cấp tín dụng, VietBank Bình Dương vi phạm nguyên tắc vay vốn đối với 3 khách hàng với tổng dư nợ 106.991 triệu đồng (trong đó có 1 khách hàng nợ nhóm 4). Chi nhánh đã thu hồi trước hạn 1 khoản vay, còn hai khoản với tổng dư nợ 98.300 triệu đồng.
Công tác thẩm định và xét duyệt cho vay chưa chặt chẽ, đầy đủ, phù hợp và chưa có tài liệu chứng minh tổng nhu cầu vốn của 14 khách hàng, tổng dư nợ sai sót 973.116 triệu đồng.
Về tài sản bảo đảm, VietBank Bình Dương chưa cập nhật chủ sở hữu quyền sử dụng đất dự án sang tên công ty, chưa công chứng hợp đồng thế chấp và đăng ký giao dịch bảo đảm đối với các quyền sử dụng đất. Sai sót này xảy ra với hai khách hàng, tổng dư nợ 721.225 triệu đồng.
Việc cấp tín dụng đối với 4 khách hàng, tổng dư nợ 161.557 triệu đồng chưa được kiểm tra, giám sát sau cho vay một cách chặt chẽ, chưa đảm bảo hoặc chưa thu thập đầy đủ chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn hoặc thu thập chứng từ chưa phù hợp.
Kết luận thanh tra phát đi cảnh báo rủi ro tín dụng khi VietBank Bình Dương chưa có biện pháp hoặc không quản lý được nguồn trả nợ, nguồn thu của khách hàng, đặc biệt là một số khách hàng có nguồn thu nhập bằng tiền mặt khá lớn; nguồn thu từ vốn góp vào công ty không đảm bảo, chưa phù hợp; nguồn trả nợ gốc từ bán bất động sản trong tương lai; nguồn thu từ dự án cho vay cho chi nhánh tài trợ, để đảm bảo khách hàng thực hiện trả nợ đúng theo thoả thuận.
Bên cạnh đó, 9 khách hàng có tình hình tài chính hoặc báo cáo tài chính thể hiện chưa lành mạnh, chỉ số hoạt động kinh doanh không khả quan, dẫn đến tiềm ẩn rủi ro tín dụng.
Khách hàng được cấp hạn mức tín dụng để bổ sung vốn lưu động phục vụ SXKD tại nhiều TCTD nhưng Chi nhánh chưa có biện pháp kiểm soát trước giải ngân để đảm bảo tổng số tiền giải ngân tại chi nhánh và các TCTD khác không vượt quá tổng nhu cầu vốn của khách hàng.
VietBank Bình Dương không sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng đối với nợ xấu; công tác đôn đốc xử lý nợ xấu còn chậm, chưa kịp thời và có hiệu quả.
Một số hồ sơ nợ xấu còn vi phạm nguyên tắc vay vốn, tồn tại sai sót trong công tác thẩm định, giải ngân và kiểm tra, giám sát vốn vay.
VietBank Bình Dương chưa thu thập đầy đủ, kịp thời thông tin nhận biết đối với 2 khách hàng trong hoạt động phòng, chống rửa tiền.
Cơ quan thanh tra, giám sát kiến nghị Giám đốc NHNN Chi nhánh Bình Dương ban hành văn bản kiến nghị UBND tỉnh Bình Dương xử lý theo thẩm quyền đối với nguyên giám đốc Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Bình Dương, đã có hành vi sử dụng con dấu của quỹ, ký phát hành cam kết trả nợ ngày 13/6/2024 cho khoản vay của khách hàng tại VietBank Bình Dương không phù hợp quy định pháp luật.
Đoàn thanh tra cũng kiến nghị chi nhánh đôn đốc và thu hồi triệt để nợ xấu, đảm bảo giảm tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3%.
Thời điểm hiện tại, Chủ tịch Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thương Tín (Vietbank) là ông Dương Nhất Nguyên. Ông Nguyên là con trai của ông Dương Ngọc Hoà - nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị VietBank và bà Trần Thị Lâm - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Lâm.
Theo tìm hiểu, lâu nay, VietBank có quan hệ “mật thiết” với Tập đoàn Hoa Lâm do bà Trần Thị Lâm làm Chủ tịch. Bà Lâm từng là Phó Tổng Giám đốc VietBank từ tháng 5/2023, đến ngày 26/3/2024, bà Lâm được HĐQT VietBank miễn nhiệm chức danh này.