Thứ sáu, 11/07/2025 - 21:37
Tin mới

Bảo vệ bản quyền sách: Người mua thông thái, sách giả sẽ tự triệt tiêu?

Sách giả, sách lậu là thực trạng dù nghiêm trọng, đầy gai góc và đang lan rộng tại Việt Nam...

Bộ sách 'Hình họa' của nhà giáo - họa sĩ Triệu Khắc Lễ bị làm giả và rao bán trên mạng xã hội.
Bộ sách 'Hình họa' của nhà giáo - họa sĩ Triệu Khắc Lễ bị làm giả và rao bán trên mạng xã hội.

Trước thực trạng sách giả tràn lan, nhiều ý kiến cho rằng chế tài pháp luật không thể triệt tiêu được nạn sách giả, chỉ có người mua khi nhận diện và ý thức được tác hại của sách giả, thì khi đó sách giả mới không tồn tại.

Sách giả công khai bán như sách thật

Mới đây, tại Diễn đàn Xuất bản số 2025, ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành nhận định, vi phạm bản quyền luôn là vấn đề phức tạp, là nguyên nhân khiến ngành xuất bản lúc nào cũng trong trạng thái thoi thóp. Nếu bản quyền không được bảo vệ thì mọi nỗ lực phát triển đều vô nghĩa.

Câu nói của ông Nguyễn Nguyên cũng là lời cảnh báo mang ý nghĩa sống còn của ngành xuất bản. Tuy nhiên, căn nguyên từ các hoạt động vi phạm bản quyền lại vô cùng đa dạng, diễn biến ngày càng phức tạp, khiến cho việc bảo vệ bản quyền trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, nếu không muốn nói là hết cách.

Nhà giáo, họa sĩ Triệu Khắc Lễ - nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cho hay, cách đây mấy ngày, ông nhận được thông tin từ một đồng nghiệp phản ánh về việc trên mạng, một shop sách đang rao bán và có nhiều người đã mua bộ giáo trình “Hình họa” do ông biên soạn cách đây hơn 20 năm cho một dự án giáo trình viết theo Chương trình Hình họa, Chương trình Cao đẳng Sư phạm môn Mỹ thuật mà Bộ GD&ĐT ban hành.

“Tuy nhiên, bộ giáo trình đang được rao bán rầm rộ chỉ có bìa là thật, còn nội dung bên trong thì photo các tài liệu ở đâu đó, chắp ghép vào. Sách giả nhưng được rao bán như sách thật, với giá gần 300 nghìn đồng”, nhà giáo Triệu Khắc Lễ cho hay.

Việc sách bị làm giả, bản quyền bị xâm phạm không phải hiếm gặp. Thậm chí, nhiều tác giả, nhiều nhà xuất bản từng phàn nàn về thực trạng “hôm nay xuất bản, ngày mai đã xuất hiện sách giả”. Sách giả có giá bán thấp đã khiến sách thật không còn “đường sống”, đơn vị phát hành sách không chỉ lâm vào tình trạng điêu đứng, mà còn tuyệt vọng trước hành trình tìm lại công bằng.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, bà Ngô Phương Thảo - Giám đốc Anbooks cho biết, bộ sách “Dạy con trong hoang mang” do Anbooks đầu tư và sở hữu quyền khai thác, được cấp phép bởi NXB Tổng hợp TPHCM từng bị làm giả và bán công khai trên các trang thương mại điện tử. Với giá chiết khấu từ 30 - 50%, sách giả hoàn toàn chiếm thế thượng phong trước sách thật.

Nói về nạn sách giả, ông Nguyễn Văn Phước - CEO First News - Trí Việt cho biết, với sách giả thì hầu hết chất lượng xấu, in mờ, nhiều trang không đọc được, vì vậy mà có giá rẻ hơn sách thật. Cuốn “Muôn kiếp nhân sinh” có giá 219 nghìn đồng, nhưng sách giả bán trên sàn Shopee chỉ với giá 111 nghìn đồng.

Đáng chú ý, theo ông Phước khi các đối tượng bán sách giả giới thiệu hình ảnh trên sàn sẽ sử dụng sách thật, khi giao hàng cho khách mới lộ ra là sách giả. “Nhiều người mua phải sách giả trên Shopee, không đổi được mới báo lại với First News. Ngoài “Muôn kiếp nhân sinh”, hàng trăm đầu sách khác của chúng tôi bị làm giả và bày bán khắp nơi”, ông Phước xác nhận.

bao-ve-ban-quyen-sach-nguoi-mua-thong-thai-sach-gia-se-tu-triet-tieu-2.jpg

Tại Diễn đàn Xuất bản số 2025, giới chuyên gia khẳng định sự cần thiết của việc số hóa xuất bản. Ảnh: Alpha Boôks.

Tham giá rẻ là tiếp tay cho sách giả

Theo thống kê, từ năm 2010 - 2023, chỉ riêng NXB Giáo dục Việt Nam đã phát hiện hơn 3,3 triệu cuốn sách, 100.000 đĩa CD, và gần 41 tấn bán thành phẩm sách giáo dục bị in lậu. Đặc biệt, các đường dây in lậu tinh vi như đường dây tại Đà Nẵng - TPHCM in hơn 1,64 triệu cuốn sách giáo khoa giả từ 2022 đến giữa 2025, trong đó có phiên xét xử hồi tháng 4/2025.

Trước thực trạng sách bản quyền bị xâm phạm tràn lan, ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho rằng, các đơn vị làm sách, nhà xuất bản phải coi câu chuyện đấu tranh bản quyền sách là câu chuyện của chính mình, không thể đùn đẩy cho cơ quan chức năng.

Tuy nhiên trong thực tế, việc đấu tranh bản quyền không hề đơn giản. Từ đầu năm 2025, First News đã lập vi bằng, quyết khởi kiện và làm đến cùng nhưng đến nay chưa có động tĩnh gì mới. Trong khi đó, Anbooks chỉ còn cách tổ chức thông cáo trên website cũng như trên các nền tảng mạng xã hội để độc giả được biết. Việc tiến hành lập vi bằng và theo đuổi vụ kiện đã không xảy ra vì cho rằng không thay đổi được cục diện.

Đối với phương diện cá nhân tác giả bị xâm phạm, nhà giáo - họa sĩ Triệu Khắc Lễ cho biết: “Đồng nghiệp của tôi rất bực tức và cho rằng việc làm sách giả là vi phạm pháp luật, cần tố cáo đến cơ quan chức năng. Đúng là vi phạm thật, song giờ tôi đã cao tuổi nên không có quan tâm lắm, chỉ xin lưu ý mọi người đừng có mua vì đó là sách rởm. Khách hàng không mua, bọn làm sách giả sẽ không bán được và tự phải rút lui”.

Trong khi các đơn vị bất lực trước sách giả, cơ quan chức năng vẫn luôn tìm mọi cách để ngăn chặn thì sách giả vẫn xuất hiện khắp nơi, từ vỉa hè, nhà sách nhỏ, sàn thương mại điện tử, mạng xã hội. Công nghệ làm giả ngày càng tinh vi, từ mực in, tem giả, QR code, hộp đóng được làm giống bản thật rồi được bán với chiết khấu 60 - 70% giá bìa.

Giới chuyên gia nhận định, ngoài chế tài, quy định quản lý, công nghệ kiểm soát… thì ý thức người tiêu dùng là một trong những “chốt chặn” quan trọng để đẩy lùi sách giả. Tuy nhiên, đáng tiếc là nhiều phụ huynh, bạn đọc vẫn luôn ưu tiên sách giá rẻ, bất chấp các hậu quả về bản quyền cũng như chất lượng sách.

Sách giả, sách lậu là thực trạng dù nghiêm trọng, đầy gai góc và đang lan rộng tại Việt Nam, nhưng việc bảo vệ bản quyền không chỉ gói gọn trong hệ thống luật pháp hay nhà xuất bản, mà còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân: Người mua - người đọc. Chỉ khi thói quen được thay đổi cùng với biện pháp pháp lý mạnh mẽ, vấn nạn sách giả này mới có thể bị đẩy lùi.

Tại Diễn đàn Xuất bản số 2025, ông Nguyễn Thế Hùng - Giám đốc Công ty TNHH Điện tử Aki, cho rằng: Không thể theo tư duy “chỉ làm khi chắc chắn chống được vi phạm bản quyền” thì mới phát triển sách trên không gian số. Người trẻ hiện nay tiếp cận sách theo con đường công nghệ. Thay vì chỉ nghĩ đến ngăn chặn, hãy tập trung mang tri thức đến với độc giả theo con đường công nghệ. Khi thói quen tích cực được hình thành thì các hành vi vi phạm bản quyền tự nhiên sẽ giảm.

Lượt xem: 9
Nguồn:giaoducthoidai.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật