Thứ ba, 01/07/2025 - 21:58

Chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2025: Bảo đảm tiến độ, phù hợp thực tiễn

Theo kế hoạch, từ ngày 28/6, các hội đồng thi “bắt tay” vào công tác chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2025. 

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tại điểm thi Trường THPT Hai Bà Trưng (Phú Thọ). Ảnh: TG
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tại điểm thi Trường THPT Hai Bà Trưng (Phú Thọ). Ảnh: TG

Trong bối cảnh sắp xếp, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có phương án chấm thi phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tiến độ công bố điểm vào ngày 16/7.

Chủ động nhân lực, cơ sở vật chất

Ngay sau khi hoàn thành coi thi, công tác chấm thi tại Nghệ An đã nhanh chóng triển khai theo kế hoạch. Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, địa phương đã chuẩn bị cơ sở vật chất, lựa chọn và chỉ đạo điểm thi đảm bảo an ninh, an toàn, thuận tiện cho công tác chấm thi. Đồng thời huy động giáo viên có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, khách quan để chấm thi đảm bảo chính xác, công bằng cho học sinh.

Theo chỉ đạo của Bộ, Sở GD&ĐT Nghệ An thành lập Hội đồng chấm thi của Chương trình GDPT 2018 và Chương trình GDPT 2006 một cách bài bản, đúng quy chế. Hội đồng chấm thi tự luận gồm gần 300 giám khảo, trong đó có 266 người chấm bài thi Chương trình GDPT 2018, 10 người chấm bài thi Chương trình GDPT 2006 và 23 giám khảo kiểm tra. Các giám khảo làm việc tại phòng chấm thi, chấm kiểm tra, chấm ghép bài… theo quy trình phân công.

Đối với hội đồng chấm thi trắc nghiệm gồm 41 người làm nhiệm vụ tại 3 phòng chấm (2 phòng chấm Chương trình GDPT 2018, 1 phòng chấm Chương trình GDPT 2006, bố trí 2 hệ thống máy chủ và máy trạm chấm độc lập cho 2 chương trình). Trước đó, sở đã cử cán bộ đi tập huấn phần mềm chấm thi trắc nghiệm do Bộ GD&ĐT tổ chức.

Đồng thời phân công nhiệm vụ, phổ biến, quán triệt quy chế đến từng thành viên và tổ chấm thi. Tất cả khu vực chấm thi trắc nghiệm, tự luận được bảo vệ nghiêm ngặt, có công an bảo vệ. Đặc biệt phòng chứa bài thi, chấm thi trắc nghiệm có công an và camera theo dõi 24h/ngày, đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ…

Thông tin Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tại TP Huế diễn ra nghiêm túc, an toàn, ông Nguyễn Tân - Giám đốc Sở GD&ĐT TP Huế cho biết: Từ 28/6, các ban chấm thi và ban làm phách đã họp để triển khai chấm từ 29/6. Với đặc thù tổ chức thi song song cho 2 đối tượng thí sinh (thi theo Chương trình GDPT 2018 và Chương trình GDPT 2006), công tác chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được TP Huế chỉ đạo, triển khai với 2 quy trình độc lập theo quy định của 2 quy chế thi tương ứng.

Về nhân lực huy động, Ban Chấm thi theo Chương trình GDPT 2018 gồm 146 người; Ban Chấm thi theo Chương trình GDPT 2006 gồm 21 người; lực lượng bảo đảm an toàn công tác chấm thi 45 người. Với chấm thi tự luận, giáo viên chấm bài thi theo Chương trình GDPT 2006 sẽ không tham gia chấm bài thi theo Chương trình GDPT 2018 và ngược lại.

Công tác chấm bài thi trắc nghiệm được thực hiện theo 2 quy trình độc lập, với hệ thống phần mềm chấm thi, máy chủ, máy trạm khác nhau và được bố trí ở 2 khu vực khác nhau cho 2 tổ chấm. Lực lượng chấm trắc nghiệm Chương trình GDPT 2006 sau khi hoàn thành chấm bài thi sẽ bổ sung vào lực lượng chấm bài thi theo Chương trình GDPT 2018.

Hội đồng thi quán triệt việc lập kế hoạch chấm thi, Quy chế thi, thảo luận hướng dẫn chấm thi, đáp án, thang điểm và chấm chung; tổ chức trao đổi, rút kinh nghiệm trong quá trình chấm thi; họp tổng kết, rút kinh nghiệm sau khi hoàn thành công tác chấm thi… thực hiện nghiêm túc theo quy định. Thực hiện thu thiết bị thu/phát thông tin của người thực hiện nhiệm vụ tại Ban Chấm thi ngay trước mỗi buổi chấm và suốt thời gian buổi chấm thi.

Cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện cho Hội đồng/Ban Chấm thi được triển khai chu đáo bài bản. Các đoàn công tác của sở GD&ĐT đã tiến hành kiểm tra tổng thể công việc đã chuẩn bị, kịp thời bổ sung và khắc phục những hạn chế, thiếu sót, đảm bảo các điều kiện để tổ chức tốt công tác chấm thi.

“Dự kiến, TP Huế sẽ hoàn thành công tác chấm thi vào ngày 13/7, để kịp hoàn thành các công việc, sẵn sàng công bố kết quả thi vào 8 giờ ngày 16/7 theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT”, ông Nguyễn Tân cho hay.

cham-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2025-2.jpg

Đoàn công tác Ban Chỉ đạo thi tỉnh Nghệ An kiểm tra phòng lưu trữ đề thi, bài thi của thí sinh trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Ảnh: Hồ Lài

Khớp nối chấm thi phù hợp thực tiễn

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An, dù địa phương ko sáp nhập tỉnh, nhưng thực hiện bộ máy hành chính 2 cấp, Thanh tra sở GD&ĐT đã chuyển sang Thanh tra tỉnh. Vì vậy, công tác kiểm tra, thanh tra chấm thi được thực hiện với phân công chức năng, vai trò rõ ràng. Qua đó góp phần giúp hội đồng chấm thi làm việc hiệu quả, đúng quy trình, quy chế và đảm bảo công bằng chính xác, khách quan cho thí sinh.

Sau sáp nhập, tỉnh Phú Thọ có khoảng 47.000 nghìn thí sinh. Ông Nguyễn Phú Sơn - Phó Giám đốc sở GD&ĐT cho hay, khi vận hành đơn vị hành chính mới, phương án tổ chức chấm thi của tỉnh Phú Thọ là: Thành lập 3 cụm (3 tiểu ban) chấm thi dựa trên cơ sở vật chất thiết bị tại chỗ, con người tại chỗ, hậu cần tại chỗ… Tỉnh tiếp tục duy trì các bộ phận làm phách, phúc khảo như trước đây.

Sở GD&ĐT Phú Thọ có thay đổi về kiện toàn thành viên Ban Chỉ đạo thi. Tuy nhiên, việc này không ảnh hưởng đến tiến độ cũng như chất lượng chấm bài thi của thí sinh. Sở cũng xây dựng kế hoạch chi tiết để các cá nhân, tập thể thực hiện công tác chấm thi theo quy trình và quy chế.

Tương tự, khi vận hành đơn vị hành chính mới (từ 1/7), tỉnh Ninh Bình thành lập 3 cụm chấm thi trên cơ sở 3 tỉnh cũ: Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam. Ông Phan Thành Công - Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình (trước khi sáp nhập 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình thành tỉnh Ninh Bình) cho hay, tỉnh đã huy động đầy đủ máy tính chủ, máy trạm chấm bài thi trắc nghiệm đảm bảo cấu hình theo quy định của Bộ GD&ĐT. Đồng thời, xây dựng hệ thống độc lập dùng để chấm thi trắc nghiệm cho Chương trình GDPT 2018 và Chương trình GDPT 2006 theo quy định.

Khu vực chấm thi được bảo đảm an ninh, an toàn, có đủ phương tiện phòng cháy, chữa cháy, được công an bảo vệ liên tục 24 giờ/ngày. Nơi chấm thi, chấm kiểm tra bài thi tự luận và bảo quản bài thi tự luận được bố trí gần nhau. Bài thi của thí sinh được để trong tủ sắt có khóa chắc chắn.

Phòng chứa bài thi, chấm bài thi, chấm kiểm tra, làm việc của Ban Thư ký tham gia công tác chấm thi có thiết bị phòng chống cháy, nổ; camera an ninh giám sát, ghi hình các hoạt động tại phòng liên tục 24 giờ/ngày; có công an bảo vệ, giám sát liên tục 24 giờ/ngày. Hệ thống camera không kết nối Internet, được kết nối bằng hình thức hữu tuyến tới màn hình hiển thị; có bộ lưu điện dự phòng; dung lượng lưu trữ dữ liệu của camera tối thiểu 21 ngày.

cham-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2025-1.jpg

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT tại điểm thi Trường THPT Lê Hồng Phong (Nghệ An). Ảnh: Hồ Lài

Lường trước phát sinh

Ngày 13/6/2025 Bộ GD&ĐT đã có Công văn 2999/BGDĐT-QLCL hướng dẫn tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 trong bối cảnh sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh; trong đó có công tác chấm thi (Công văn 2999). Ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, không đợi đến ngày 1/7 mới tổ chức chấm thi, mà sau khi kết thúc coi thi, các ban chỉ đạo chấm thi ở địa phương đã “bắt tay” vào việc. Vì vậy hoạt động chấm thi diễn ra theo kế hoạch.

Thực tế cho thấy, chỉ những người điều hành cấp cao mới có điều chỉnh, còn cán bộ chấm thi, giáo viên… vẫn ở địa phương đấy. “Vì thế, công tác chấm thi không thay đổi ở cấp chuyên môn. Do vậy, chấm thi vẫn được làm nghiêm túc theo đúng quy chế”, ông Huỳnh Công Chương nhấn mạnh và cho biết, Bộ GD&ĐT đã lường trước các vấn đề có thể phát sinh trong chấm thi khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp.

Công văn 2999 hướng dẫn chi tiết từng bước chấm thi. Đoàn kiểm tra của Bộ đã làm việc với các địa phương và nhận được cam kết thực hiện đúng quy chế, chấm thi nghiêm túc, đảm bảo công bố kết quả thi cho thí sinh vào ngày 16/7. Theo đó, từng buổi chấm thi sẽ có tổng hợp để kịp thời phát hiện những vấn đề bất thường.

Tất cả được kiểm soát, đặc biệt trong quá trình chuyển trạng thái sắp xếp đơn vị hành chính và thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp. Trên tinh thần đó, các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia và đoàn kiểm tra chấm thi của Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành kiểm tra công tác này ở các Hội đồng thi nhằm tăng cường tính nghiêm minh và khách quan.

Bộ trưởng nhìn nhận, kỳ thi năm nay được tổ chức song song cho cả học sinh học theo Chương trình GDPT 2018 và Chương trình GDPT 2006, nên việc ra đề, chấm thi sẽ được tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo thăng bằng giữa các tổ hợp, khối xét tuyển. Về công tác chấm thi, cách ra đề thế nào, sẽ có phương án chấm thi tương ứng.

Về công tác chấm thi, Bộ GD&ĐT yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc quy trình chấm thi tự luận, trắc nghiệm và phúc khảo bài thi bảo đảm đúng quy chế.

Tăng cường củng cố hạ tầng công nghệ thông tin để bảo đảm việc công bố kết quả thi vào 8 giờ ngày 16/7 tuyệt đối không để xảy ra tình trạng nghẽn mạng. Các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia và đoàn kiểm tra chấm thi của Bộ GD&ĐT sẽ kiểm tra công tác chấm thi ở tất cả Hội đồng thi suốt thời gian diễn ra hoạt động này để tăng cường tính nghiêm minh của công tác chấm thi.

Lượt xem: 6
Nguồn:giaoducthoidai.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật