Hệ thống giao thông thông minh ở Hà Nội - chờ đến bao giờ?
Mấy ngày gần đây, người dân Hà Nội băn khoăn nhiều với câu chuyện đi lại trong thành phố. Một đoạn đường 6km mà đi ôtô riêng mất gần 2 tiếng đồng hồ, việc này không chỉ gây mệt mỏi mà còn gây lãng phí về thời gian của người dân.
Rõ ràng, nhu cầu về một hệ thống giao thông thông minh đối với Hà Nội ngày càng trở nên cấp thiết. Đề án “Giao thông thông minh trên địa bàn Thành phố Hà Nội” đã được HĐND Thành phố xem xét, quyết định, thông qua trong phiên họp cuối năm 2024. Đề án bao gồm nhiều giải pháp và ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành giao thông, giảm ùn tắc và đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.
Nội dung chủ yếu của đề án là xây dựng hệ thống giám sát giao thông bằng camera; Ứng dụng hệ thống đèn giao thông thông minh; Ứng dụng giao thông thông minh qua các ứng dụng di động; Triển khai hệ thống thu phí tự động; Hệ thống quản lý và điều hành giao thông đô thị tập trung; Phát triển các giải pháp cho phương tiện công cộng; Đào tạo và nâng cao ý thức người dân…
Trong văn bản giải trình, UBND TP Hà Nội khẳng định, hệ thống giao thông thông minh ITS thành phố giúp cho giảm ùn tắc giao thông, việc di chuyển được thuận lợi, an toàn, hiệu quả.
Thông qua đó lưu thông hàng hóa logistics của các doanh nghiệp trở nên dễ dàng, nhanh chóng hơn, cải thiện hơn chất lượng cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho cư dân Thủ đô. Đối với người dân, thông qua hiệu quả tăng cường an toàn, giảm thiểu ùn tắc giao thông, hệ thống giao thông thông minh giúp cho người lao động tiết kiệm thời gian đi lại, lao động hiệu quả hơn. Không những vậy, nhờ đó vấn đề ô nhiễm môi trường do các phương tiện giao thông gây ra cũng được cải thiện. Hơn nữa, hệ thống giao thông thông minh thành phố Hà Nội hướng tới di chuyển bền vững, xanh, dần chuyển đổi sang các phương thức thân thiện môi trường như sử dụng giao thông công cộng là chính, khuyến khích đi bộ, xe đạp,... góp phần Thành phố Hà Nội trở nên xanh, văn minh.
Dự án chia làm hai giai đoạn, từ 2025- 2027 và 2028-2030 với tổng kinh phí là trên 2.000 tỉ đồng. 2.000 tỉ đồng đối với Hà Nội không phải là con số lớn (năm 2024, tổng thu ngân sách nhà nước Hà Nội đạt trên 500.000 tỉ đồng). Vấn đề người dân quan tâm là dù có bỏ ra chừng ấy tiền, liệu giao thông Hà Nội có thông thoáng và hết ùn tắc?
Đây là câu hỏi khó trả lời vì để đảm bảo giao thông Hà Nội đi đúng lộ trình, chỉ việc xuất hiện hệ thống giao thông thông minh là chưa đủ. Nó còn là việc nâng tỉ lệ giao thông tĩnh từ 10% hiện nay lên 20%; nâng tỉ lệ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân của phương tiện công cộng từ 19% lên 30% đến năm 2030 và 50% sau 2035…
Trong đề án, có vấn đề đặt ra là lắp đặt các trạm thu phí vào nội đô. Đây cũng là giải pháp cần tính đến không chỉ giúp Hà Nội có thêm nguồn lực phát triển giao thông mà quan trọng là hạn chế được xe cá nhân vào thành phố. Để đường phố Hà Nội thông thoáng, không ùn tắc thì có phải nộp thêm phí, chắc chắn người dân Hà Nội sẽ đồng thuận. Bởi lẽ, việc mất thời gian, sức khỏe bị ảnh hưởng, công việc bị gián đoạn vì tắc đường, kẹt xe cũng chính là âm thầm tiêu hao túi tiền của người dân và làm chậm lại sự phát triển của thành phố.