Cải tiến rõ rệt, năng suất tăng từ 30- 50%
Mới đây, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) và Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam đã tiếp tục triển khai Chương trình tìm kiếm, lựa chọn và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam có tiềm năng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là sáng kiến trọng điểm nhằm thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy nội địa hóa, tăng cường năng lực sản xuất, và phát triển bền vững ngành công nghiệp trong nước.
![]() |
Dự án hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh đã mang lại nhiều thay đổi tích cực cho các doanh nghiệp (Ảnh: Samsung Việt Nam) |
Khởi động từ năm 2015, chương trình hợp tác giữa Bộ Công Thương và Samsung Việt Nam đã mang lại nhiều kết quả tích cực và bền vững. Tính đến cuối năm 2024, hơn 400 doanh nghiệp Việt Nam đã được khảo sát và tư vấn cải tiến sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế. Trong số đó, 63 doanh nghiệp đã trở thành nhà cung ứng cấp 1 và cấp 2 trong chuỗi sản xuất toàn cầu của Samsung - một dấu mốc quan trọng chứng minh năng lực sản xuất, quản trị và chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp nội địa.
Nhiều doanh nghiệp tham gia đã ghi nhận kết quả cải tiến rõ rệt, với năng suất tăng từ 30% đến 50%, tỷ lệ lỗi sản phẩm giảm mạnh, đồng thời từng bước áp dụng các tiêu chuẩn ISO, IATF về quản lý chất lượng và môi trường sản xuất. Ngoài Samsung, các doanh nghiệp này cũng mở rộng hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia khác trong lĩnh vực điện tử, cơ khí, linh kiện và bao bì.
Để đảm bảo hiệu quả chương trình, Cục Công nghiệp và Samsung Việt Nam áp dụng các tiêu chí đánh giá khắt khe nhưng thực tiễn để lựa chọn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia, cụ thể:
Lĩnh vực hoạt động phù hợp: Ưu tiên doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp hỗ trợ như linh kiện điện tử, nhựa kỹ thuật, cơ khí chính xác, khuôn mẫu, xử lý bề mặt, bao bì công nghiệp.
Năng lực sản xuất thực tế: Doanh nghiệp có nhà xưởng, máy móc, dây chuyền sản xuất vận hành ổn định và tiềm năng mở rộng.
Chất lượng sản phẩm: Đáp ứng hoặc có khả năng đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu về kiểm soát chất lượng đầu ra của các tập đoàn FDI.
Tinh thần cải tiến và hợp tác: Cam kết cải tiến liên tục, sẵn sàng tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật, quản lý và chuyển giao công nghệ.
Đáng chú ý, chương trình liên tục đồng hành và phát triển bền vững, theo đó doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ được lựa chọn không chỉ tham gia đào tạo ngắn hạn, mà còn được tư vấn sâu và thực hành cải tiến trực tiếp tại nhà máy, kéo dài từ 3-6 tháng tùy năng lực và nhu cầu cải tiến.
Theo Cục Công nghiệp, nội dung hỗ trợ bao gồm: Tư vấn cải tiến sản xuất theo các mô hình Lean, 5S, Kaizen, TPM; Nâng cấp công nghệ, trang thiết bị đo kiểm và quy trình kiểm soát chất lượng; Đào tạo chuyên sâu nhân lực kỹ thuật, quản lý và lãnh đạo sản xuất; Kết nối chuỗi cung ứng và tư vấn chiến lược dài hạn để doanh nghiệp vững bước trên thị trường quốc tế.
Tăng tốc hỗ trợ doanh nghiệp nội địa tham gia chuỗi cung ứng
Theo đại diện Cục Công nghiệp, việc nâng cao năng lực doanh nghiệp nội địa là chìa khóa để giảm nhập siêu, nâng giá trị gia tăng trong nước và nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi sản xuất toàn cầu.
![]() |
Tăng cường hỗ trợ các dự án phát triển và ứng dụng công nghệ cao nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất thông minh |
Ông Trần Mạnh Hà- Trưởng phòng Công nghiệp hỗ trợ, Cục Công nghiệp cho biết, hiện Bộ Công Thương đang phối hợp với Samsung Việt Nam triển khai nhiều Chương trình, dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, gồm: Chương trình hợp tác giữa Bộ Công Thương và Samsung về đào tạo chuyên gia tư vấn Việt Nam trong lĩnh vực cải tiến sản xuất và chất lượng, Chương trình hợp tác giữa Bộ Công Thương và Samsung về đào tạo nhân lực khuôn mẫu tại Việt Nam, Chương trình hỗ trợ tư vấn cải tiến cho doanh nghiệp, Chương trình tìm kiếm nhà cung ứng tiềm năng mới, Chương trình hợp tác phát triển Nhà máy thông minh (Chương trình Smart Factory)…
“Các chương trình đã bước đầu đạt những kết quả tích cực, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam cải tiến, nâng cao năng lực và ngày càng tham gia sâu vào chuỗi sản xuất của tập đoàn”- ông Trần Mạnh Hà nhấn mạnh.
Chương trình phối hợp giữa Cục Công nghiệp và Samsung Việt Nam là một mô hình hợp tác công - tư kiểu mẫu, thể hiện rõ hiệu quả trong thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Đây là một trong những trụ cột quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang thu hút làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cục Công nghiệp cho biết đang rà soát, tìm kiếm các doanh nghiệp tham gia Dự án hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh tại các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Đồng thời phát triển các doanh nghiệp có khả năng cung ứng 4 sản phẩm linh kiện điện thoại và chi tiết sản phẩm cho Samsung Việt Nam.
Hoạt động này nhằm hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực quản trị, trình độ kỹ thuật và tái cấu trúc sản xuất dựa trên chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực công nghiệp. Bên cạnh đó tăng cường hơn nữa sự kết nối giữa Samsung với doanh nghiệp Việt, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Từ năm 2015, Bộ Công Thương và Samsung đã phối hợp để triển khai chương trình tư vấn cải tiến nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho 379 doanh nghiệp Việt Nam. Trong giai đoạn 2018 - 2021, Bộ Công Thương và Samsung đã đào tạo 406 chuyên gia tư vấn về công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương và Samsung tiếp tục triển khai dự án đào tạo 200 kỹ thuật viên khuôn mẫu từ năm 2021 đến nay. |