Các nhãn hàng quảng cáo trên các kênh như Nờ Ô Nô sẽ bị "bêu" tên công khai
Các nhãn hàng, đại lý quảng cáo, nền tảng phát hành quảng cáo và trang thông tin điện tử vi phạm Nghị định 70 sẽ bị Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) nêu tên công khai từ năm 2023.
Theo Bộ TT&TT, sau khi Nghị định 70 năm 2021 về quản lý quảng cáo xuyên biên giới được ban hành, Bộ đã triển khai nhiều giải pháp nhằm xử lý cơ bản vi phạm trong quảng cáo xuyên biên giới. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng quảng cáo của nhãn hàng xuất hiện trên các trang vi phạm pháp luật.
Quảng cáo trở thành nguồn tài trợ cho những trang này, gây ảnh hưởng xấu tới cộng đồng, không công bằng với các trang làm nội dung “sạch”, đồng thời có thể ảnh hưởng đến an toàn của thương hiệu.
Tài khoản kiểu như kênh Nờ Ô Nô sẽ bị nêu tên trong blacklist
Để ngăn tình trạng quảng cáo của nhãn hàng Việt Nam xuất hiện trên các trang vi phạm pháp luật, một trong các giải pháp được Bộ TT&TT đưa ra là xây dựng “blacklist” trong lĩnh vực quảng cáo. Danh sách đen này sẽ bao gồm các website, tài khoản mạng xã hội, kênh nội dung, trang cộng đồng vi phạm luật An ninh mạng, luật Sở hữu trí tuệ, nội dung nhảm, ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng, để nhãn hàng tránh đặt quảng cáo.
Nờ Ô Nô, kênh TikTok có hơn 600.000 lượt theo dõi, đã vấp phải làn sóng tẩy chay của cộng đồng mạng khi đăng các video sử dụng từ ngữ mang tính miệt thị, chê bai người nghèo. Ngày 29/11, chủ kênh Phạm Đức Tuấn đã bị phạt 7,5 triệu đồng và bị TikTok khóa tài khoản vĩnh viễn.
“Điểm mới là danh sách này sẽ công bố các trang cá nhân vi phạm, ví dụ kênh Nờ Ô Nô với vi phạm mới đây. Đơn vị nào còn quảng cáo trên đó là vi phạm pháp luật, sẽ bị phạt theo quy định và công khai tên trong blacklist. Việc này sẽ được thực hiện từ năm 2023”, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT&TT cho hay.
Theo ông Lê Quang Tự Do, thời gian qua, nhiều người làm nội dung trên YouTube, TikTok, Facebook tại Việt Nam đã bị phạt vì hành vi tương tự như chủ kênh Nờ Ô Nô. Song, không ít người có tâm lý nộp tiền phạt xong vẫn làm nội dung tiếp, dẫn đến tình trạng vi phạm nhiều lần.
“Cục đã làm việc với các nền tảng mạng xã hội để xử lý triệt để hơn, trong đó có yêu cầu khóa vĩnh viễn, chặn nguồn tiền quảng cáo của các tài khoản vi phạm. Chúng tôi cũng khuyến khích người dùng phản ánh khi gặp thông tin vi phạm trên mạng xã hội, hoặc báo lên Trung tâm Tin giả của Bộ TT&TT, cũng như tẩy chay và không lan truyền những nội dung xấu này”, ông Do nói.
Với ý kiến liệu xử phạt chủ kênh Nờ Ô Nô với mức 7,5 triệu đồng và khóa tài khoản vĩnh viễn liệu có đủ sức răn đe, ông Lê Quang Tự Do cho rằng, đây là mức phạt đúng theo quy định. Mặt khác, việc khóa tài khoản vĩnh viễn cũng mang tính răn đe không nhỏ, bởi để sở hữu được kênh có lượng người dùng lớn như vậy là không dễ dàng, mất thời gian dài.
“Khi bị khóa tài khoản, họ có thể lập ngay tài khoản mới, song chưa có nội dung, chưa có vi phạm thì chưa xử lý được. Bên cạnh đó để đạt lại được lượng theo dõi và dữ liệu nội dung như tài khoản cũ cũng khá khó khăn. Tuy nhiên, vì đã thuộc danh sách cần lưu ý nên chỉ cần tài khoản mới của họ có sai phạm, chúng tôi sẽ yêu cầu Tiktok khóa tài khoản”, ông Do cho biết.
Thuật toán các nền tảng tiếp tay cho nội dung “bẩn”?
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Lâm Thanh, Tổng Giám đốc Tiktok Việt Nam cho biết, Tiktok không khoan nhượng trước bất kỳ nội dung hay hành vi nào vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng. Đồng thời, tôn trọng và hỗ trợ hoạt động sáng tạo của người dùng, song giữ lập trường đề cao tính an toàn của cộng đồng và nền tảng.
“Trong báo cáo minh bạch đầu năm, Việt Nam nằm trong 30 thị trường có số video bị xóa cao nhất, với khoảng 2,5 triệu video đã bị gỡ bỏ vì vi phạm chính sách cộng đồng. Trong đó, 94% số video là Tiktok chủ động gỡ bỏ trước khi có báo cáo của người dùng hay cộng đồng”, ông Thanh cho hay.
Thế nhưng một số chuyên gia lại cho rằng, bên cạnh chiêu trò câu view của người làm nội dung, việc để nội dung xấu lan truyền trên mạng xã hội còn thuộc về nền tảng mạng xã hội ở bộ lọc nội dung và đội ngũ kiểm duyệt.
Cụ thể trong vụ việc Nờ Ô Nô, người dùng mạng xã hội báo cáo, kêu gọi tẩy chay từ ngày 25/11 vì đăng video câu view, có lời lẽ miệt thị như “nghèo mà còn chê đồ ăn nữa”, “phở rẻ vậy mà bà không có tiền mua ăn nữa hả?”... Tiktok vẫn không có phản ứng cụ thể. Đến khi làn sóng phản đối quá lớn và cơ quan chức năng vào cuộc, ngày 28/11, TikTok mới khóa tài khoản. Không những thế, đây không phải lần đầu TikTok bị chỉ trích liên quan đến nội dung bẩn và độc hại trên nền tảng.
“Với các nội dung vi phạm pháp luật hay độc hại rõ ràng, thuật toán của chúng tôi gỡ ngay trước khi tiếp cận người dùng. Còn phần nội dung chia ra ở tính tích cực và tiêu cực thì cần sự chung tay của cộng đồng. Khi cộng đồng báo cáo một nội dung tiêu cực nhiều quá thì lúc đó hệ thống mới xử lý được”, ông Lâm Thanh lý giải.
Theo giới chuyên gia, động lực thực sự của TikTok cũng như các nền tảng xuyên biên giới khác như YouTube, Facebook… không phải giải trí mà là lợi nhuận. Thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) của các nền tảng đang cố giữ chân người dùng bằng nội dung được cho là hấp dẫn, bất chấp nó nguy hiểm hoặc phản cảm ra sao.
Điểm đặc biệt của thuật toán TikTok được cho là không thiên vị người đăng video có nổi tiếng hay chỉ là tài khoản bình thường. Khi một nội dung mới xuất hiện, thuật toán sẽ phân bổ đến 200-300 người dùng đang hoạt động để đo mức độ tương tác. Nếu trên 10% thích video, thuật toán tiếp tục đưa nó đến 10.000-100.000 người dùng khác. Cứ thế, AI lan truyền nội dung đến hàng triệu người chỉ trong thời gian ngắn mà không đặt nặng vấn đề độc hại hay hữu ích./.