Tín hiệu tích cực từ phổ điểm một mặt cho thấy nhiều khả quan trong triển khai chương trình mới, đồng thời đặt ra yêu cầu tiếp tục đổi mới dạy học trong nhà trường, đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực người học.
Kết quả thi phản ánh đúng chất lượng dạy học
“Mục tiêu đổi mới giáo dục hướng đến giúp học sinh phát triển phẩm chất, năng lực cá nhân và biết vận dụng sáng tạo kiến thức được học vào thực tiễn cuộc sống. Điều này thể hiện rõ qua đề các môn thi tốt nghiệp THPT năm nay. Kết quả thi cơ bản phản ánh đúng chất lượng dạy học ở THPT theo Chương trình GDPT 2018”.
Đưa ra nhận định này, ông Lê Văn Hòa - Giám đốc Trung tâm GDTX - Tin học, Ngoại ngữ tỉnh Quảng Trị (Nam Đông Hà, Quảng Trị) cho biết: Năm nay là năm đầu tiên học sinh được thi tốt nghiệp THPT theo dạng thức đề mới, kiến thức có độ mở trên diện rộng. Dù vậy, từ kết quả thi có thể thấy học sinh, giáo viên cơ bản đã tiếp cận và tích cực trong đổi mới cách học, cách dạy, thích ứng với thay đổi của đề thi.
Đơn cử, môn Ngữ văn ban đầu có những lo lắng khi đề thi không sử dụng ngữ liệu từ sách giáo khoa; nhưng môn này lại có phổ điểm khá cao, cho thấy hướng ra đề đã phù hợp với năng lực học sinh. Với môn Toán, việc đổi mới mạnh mẽ đề thi và kết quả giảm so với năm trước đặt yêu cầu cần tích cực hơn nữa trong đổi mới dạy - học, thích ứng với yêu cầu của môn Toán Chương trình GDPT 2018; khắc phục những bất cập như học tủ, chọn bừa đáp án, tô đại cầu may.
Theo PGS.TS.Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 là dấu mốc chu trình đầu tiên triển khai Chương trình GDPT 2018, phản ánh năng lực học tập của lứa học sinh được học trọn vẹn chương trình mới ở THPT. Dữ liệu phổ điểm năm nay cho thấy một bức tranh đa chiều, đặc biệt soi chiếu việc dạy và học trong nhà trường đã đi đến đâu theo định hướng phát triển năng lực.
Theo đó, kết quả các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí cho thấy học sinh thích ứng khá tốt với đề thi đổi mới; chứng tỏ việc dạy học theo định hướng phát triển năng lực đã được các nhà trường triển khai tốt. Ví dụ môn Ngữ văn, với đề thi đổi mới, ngữ liệu hoàn toàn ngoài sách giáo khoa, kết quả học sinh cả nước vẫn đạt được rất khả quan (điểm trung bình 7,0).
Điều này phản ánh học sinh đã quen với cách trình bày, lập luận và kỹ năng viết gắn với thực tiễn; phương pháp giảng dạy của giáo viên hướng đến phát triển năng lực tư duy, lập luận ngôn ngữ cho người học tốt hơn. Tương tự, môn Vật lí, Lịch sử, Địa lí có cải thiện rõ rệt về độ phân hóa và khả năng xử lý tình huống, kiến thức gắn với thực tiễn...
Riêng kết quả thi môn Toán cho thấy còn khoảng cách trong điều chỉnh từ “dạy - học ứng thí” sang “dạy - học phát triển năng lực” ở các địa phương; học sinh còn lúng túng khi xử lý các tình huống thực tiễn trong các bài toán tích hợp. Từ đó đặt yêu cầu cần đẩy mạnh hơn nữa đổi mới dạy học môn học này trong nhà trường theo hướng phát triển năng lực, gắn với thực tiễn.
“Tôi cho rằng, điểm mạnh của kỳ thi năm nay cần được phát huy đó là tiếp cận dựa trên chuẩn đầu ra/yêu cầu cần đạt của Chương trình GDPT 2018. Đề thi quy chuẩn, tính phân hóa tốt, phù hợp với mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và là cơ sở tin cậy cho xét tuyển đại học.
Nội dung đề thi liên hệ thực tiễn, tập trung vào kỹ năng tư duy giải quyết vấn đề, đúng định hướng đánh giá năng lực. Các môn học như Ngữ văn, Địa lí, Lịch sử đã làm tốt hơn trong việc chuyển đổi phương pháp dạy - học theo tiếp cận này”, PGS.TS.Trần Thành Nam nhận định.
Giờ học tại Trường THPT Lam Kinh, Thanh Hóa. Ảnh: NTCC
Điều chỉnh từ “dạy - học ứng thí” sang “dạy - học phát triển năng lực”
Cũng từ thực tiễn phổ thông, ông Nguyễn Minh Đạo - Hiệu trưởng Trường THPT Lam Kinh (Lam Sơn, Thanh Hóa) đánh giá phổ điểm năm nay phản ánh khá sát chất lượng giáo dục; đề thi được cải tiến phù hợp, học sinh và thầy cô giáo thích ứng tốt. Phân tích kết quả từ kỳ thi cũng định hình lại cách học ở các trường THPT, điều chỉnh để đáp ứng mục tiêu đánh giá năng lực.
Trường THPT Lam Kinh sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng điểm số, phổ điểm và các chỉ số khác để xác định điểm mạnh - yếu; xem xét mức độ đáp ứng mục tiêu chương trình, khả năng hình thành phẩm chất, năng lực người học và sự phù hợp với thực tiễn. Nhà trường cũng nhận diện khó khăn, thách thức trong triển khai chương trình, bao gồm nội dung, phương pháp, đội ngũ, cơ sở vật chất, sự phối hợp giữa các bên liên quan. Dựa trên kết quả phân tích, điều chỉnh kế hoạch dạy học, phương pháp đánh giá và các hoạt động giáo dục khác để phù hợp hơn với tình hình thực tế.
Rút kinh nghiệm từ kỳ thi, theo ông Nguyễn Minh Đạo, để nâng cao chất lượng giáo dục, nhà trường cần tăng cường hơn nữa bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên, đặc biệt về phương pháp dạy học tích cực, đánh giá theo năng lực và ứng dụng công nghệ thông tin.
Xây dựng nội dung bài học tinh gọn, thiết thực, gắn với thực tiễn. Sử dụng đa dạng hình thức đánh giá, phù hợp với mục tiêu giáo dục, đánh giá đúng năng lực thực chất của người học. Cùng đó, đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong giáo dục học sinh.
Ông Lê Văn Hòa thì cho rằng, các nhà trường phải tiếp tục đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy - học; cốt lõi là chú trọng giáo dục nâng cao năng lực tự học cho học sinh để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Giáo viên đóng vai trò người đồng hành, dẫn dắt, định hướng học sinh trong việc học; sử dụng linh hoạt nhiều phương pháp, kỹ thuật giảng dạy, kết hợp các hình thức học hiện đại, tích cực. Cùng với đó, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động ứng dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề thực tiễn.
Ông Lê Văn Hòa đề xuất tiếp tục đổi mới khâu ra đề thi tốt nghiệp THPT theo hướng tăng cường độ phân hoá để định vị rõ từng đối tượng học sinh, hướng đến mục tiêu vừa đánh giá đúng năng lực học sinh, vừa làm cơ sở cho tuyển sinh đại học. Có cơ chế tạo điều kiện cho các trường vùng nông thôn, vùng khó, tổ chức dạy tăng tiết cho học sinh năng lực tự học còn hạn chế nhằm nâng cao chất lượng đại trà.
Chỉ ra vấn đề cốt lõi cần tập trung giải quyết qua kết quả kỳ thi lần này, PGS.TS.Trần Thành Nam nhắc đến cần xem xét nghiêm túc việc thực thi chương trình đối với môn Toán nếu muốn tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực STEM, vật liệu mới, năng lượng tái tạo, công nghệ bán dẫn, công nghệ lượng tử.
Tâm lý xã hội có sự khác biệt trước, sau ngày thi và sau khi công bố phổ điểm. Có lẽ, phản ứng ban đầu về đề thi năm nay, đặc biệt ở môn Toán và Tiếng Anh chủ yếu do nhận thức, tiếp cận và tư duy giáo dục.
Tuy nhiên, phổ điểm công bố lại không “sốc” như trong tâm thế của cộng đồng mà phản ánh một kỳ thi quy chuẩn và đề thi có độ phân hóa tốt. Đây là cú hích cần thiết để điều chỉnh lại tiếp cận nhận thức toàn ngành Giáo dục nói riêng, xã hội nói chung về tiếp cận đánh giá năng lực theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018. - PGS.TS - Trần Thành Nam