Thứ ba, 17/09/2024 - 02:23

Thời đại trí tuệ nhân tạo lên ngôi, giáo viên cần thích ứng thế nào?

Trước sự phát triển không ngừng của AI, giáo viên cần không ngừng học hỏi, cập nhật thông tin để không bị thụt lùi.

Những điều AI không thể giúp học sinh 

Chia sẻ tại buổi Hội thảo “Học sinh có cần đến trường trong kỷ nguyên AI” - diễn ra tại Trường Phổ thông liên cấp Edison, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền – Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, ngày nay, học sinh, sinh viên có thể sử dụng các ứng dụng trí tuệ nhân tạo như một công cụ học tập. Nếu biết vận dụng đúng cách, các ứng dụng này sẽ là một trợ thủ đắc lực trong suốt quá trình tiếp thu kiến thức của các em.

“Thế nhưng, trên thực tế, cũng có rất nhiều vấn đề mà các em không thể giải quyết một mình. Khi đó, các em cần có đồng đội, cần những ý kiến phản biện để phát triển hơn. Và đó là những điều AI không thể làm thay học sinh, sinh viên được” – PGS Thanh Huyền chia sẻ. 

 

PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền (bên trái) chia sẻ về những điều AI không thể giúp học sinh. Ảnh: Khánh An

Bà Đàm Bích Thuỷ - Chủ tịch sáng lập Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, từ xưa đến nay, người lớn thường yêu cầu học sinh phải tạo ra được một sản phẩm cuối cùng như: Viết một bài văn, giải một bài toán... Bây giờ, máy móc có thể giúp con người làm xong những việc này trong một thời gian rất ngắn mà không tốn quá nhiều công sức. 

Bà Thuỷ cho rằng: “Thời đại trí tuệ nhân tạo là một cơ hội lớn để những người làm giáo dục cùng nhau nhìn lại rằng liệu chúng ta có thật sự cần các học sinh của mình phải nộp một bài luận với độ dài mười trang giấy hay không? Có lẽ là không, bởi vì với công cụ AI, các em có thể nộp cho trường bài viết độ dài còn hơn thế nữa. 

Cái mà nhà trường cần ở các em không phải là hoàn thành cho xong, cho đủ số lượng, mà chính là cách các em tự tạo động lực nghiên cứu, bắt tay vào thử nghiệm, cùng nhau thực hiện hóa ý tưởng”. 

Đồng quan điểm, bà Lê Tuệ Minh - Chủ tịch Hội đồng trường Hệ thống Trường Phổ thông liên cấp Edison cho rằng, AI là một sản phẩm xuất sắc do con người tạo ra, và các học sinh, sinh viên cần sử dụng công cụ này để làm cho bản thân tốt hơn, thay vì phụ thuộc vào nó. 

Bà Minh cho hay, nền giáo dục cung cấp tri thức đã được đổi sang nền giáo dục đào tạo năng lực và phẩm chất của con người. “Nếu chỉ cần cung cấp tri thức, các em hoàn toàn có thể đọc sách, hoặc dùng các công cụ như Google hay ChatGPT là đủ. Nhưng kiến thức đó sử dụng để làm gì, các em có làm chủ được kiến thức và biết cách thực hành, ứng dụng vào thực tế hay không, đó mới là mục tiêu của những người làm giáo dục” - Chủ tịch Hội đồng trường Hệ thống Trường Phổ thông liên cấp Edison nói.

 

 

 

 

 

 

Bà Đàm Bích Thuỷ chia sẻ câu chuyện để giải đáp cho câu hỏi: "Học sinh có cần đến trường trong kỷ nguyên AI?". Video: Khánh An

 Giáo viên cần thích ứng thế nào để không bị thụt lùi? 

Trước sự phát triển không ngừng của AI, Chủ tịch sáng lập Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng điều này sẽ đặt gánh nặng lớn lên những người làm giáo dục. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra về việc làm thế nào để đánh giá đúng năng lực của học sinh, sinh viên.

Bà Thuỷ cho rằng, các giáo viên cần thay đổi cách đánh giá cũng như cách giáo bài tập. Bởi dù AI có thể viết văn, làm bài luận cho học sinh một cách trôi chảy, trong một khoảng thời gian rất ngắn. Thế nhưng, từ ngữ mà AI sử dụng rất bóng bẩy, thiếu tính cá nhân và cảm xúc của con người. Và đây chính là điểm yếu của AI mà những người làm giáo dục có thể tận dụng để ra đề cho học sinh, sinh viên. 

 

Bà Lê Tuệ Minh (bên trái) và bà Đàm Bích Thuỷ (bên phải) chia sẻ tại buổi hội thảo. Ảnh: Khánh An

Còn theo PGS Thanh Huyền, trong thời đại trí tuệ nhân tạo “lên ngôi”, giáo viên cần liên tục học hỏi, cập nhật thông tin. Thay vì là người giảng dạy, giáo viên cần trở thành người đồng hành với các học sinh của mình, để cùng nhau tiếp cận tri thức.

“Bản

 

thân tôi, tôi phải cập nhật thường xuyên các tài liệu, giáo trình của nước ngoài. Trong thời đại AI, mỗi người đều bắt buộc phải như vậy để không bị thụt lùi” - Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông nói.  

Tin liên quan