Trí tuệ nhân tạo AI tương lai sáng của y tế chất lượng cao
Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang mang lại hiệu quả trong khám chữa bệnh. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo Lao Động về vấn đề này.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành một công cụ hỗ trợ đắc lực trong nội soi tiêu hóa. AI không chỉ giúp giảm thiểu sai sót do yếu tố con người mà còn giúp tăng độ chính xác trong chẩn đoán và phát hiện các tổn thương tiền ung thư một cách nhanh chóng và hiệu quả. Ảnh: Bệnh viện Bạch Mai
Thưa thứ trưởng, trí tuệ nhân tạo (AI) đang được ứng dụng như thế nào trong chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh nhân tại các bệnh viện Việt Nam? Hiệu quả của việc ứng dụng này bước đầu ra sao?
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức. Ảnh: Bộ Y tế cung cấp
- Bộ Y tế đã xác định ứng dụng AI là một trong những giải pháp trọng tâm để nâng cao năng lực của hệ thống y tế trong giai đoạn chuyển đổi số hiện nay.
Thực tiễn phát triển cho thấy trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang được ứng dụng ngày càng sâu rộng trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là trong hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh, tối ưu hóa phác đồ điều trị và nâng cao hiệu quả quản lý bệnh viện. Một số bệnh viện lớn đã bước đầu triển khai AI trong khám, chữa bệnh, mang lại những kết quả khả quan.
Trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, một số bệnh viện tuyến trung ương đã triển khai hệ thống hỗ trợ đọc phim X-quang, CT, MRI sử dụng AI, giúp phát hiện sớm các tổn thương và hỗ trợ bác sĩ đưa ra quyết định nhanh hơn. Một số phần mềm AI hỗ trợ điều trị ung thư cũng đã được áp dụng để cá nhân hóa phác đồ điều trị dựa trên dữ liệu lâm sàng của người bệnh.
Bên cạnh đó, AI còn được ứng dụng trong quản lý hồ sơ bệnh án điện tử, giúp giảm tải thủ tục hành chính, tối ưu hóa vận hành bệnh viện và nâng cao trải nghiệm cho người bệnh. Một số bệnh viện đã tích hợp AI vào hệ thống khám chữa bệnh từ xa, giúp nâng cao chất lượng điều trị cho người dân ở vùng sâu, vùng xa.
Hiện nay, có 130 cơ sở khám, chữa bệnh đã triển khai bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy; hầu hết đã triển khai dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt theo nhiều hình thức khác nhau như chuyển khoản, quét mã QR, ví điện tử, thẻ khám chữa bệnh có kết nối với ngân hàng.
Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ cao đã giúp ngành y tế có bước tiến lớn trong ghép phổi, ghép đa tạng cho người bệnh trong năm 2024. Tính từ ca ghép tạng đầu tiên vào năm 1992, đến nay đã có hơn 9.200 ca ghép tạng được thực hiện. Từ 4 bệnh viện được Bộ Y tế cấp phép ghép tạng ban đầu, đến nay đã có 28 bệnh viện đủ điều kiện và được cấp phép. Mạng lưới bệnh viện được đào tạo về vận động hiến tạng, đánh giá chết não đã mở rộng ra 85 bệnh viện.
Tuy nhiên, để AI thực sự trở thành công cụ hỗ trợ hiệu quả trong khám, chữa bệnh, cần có hành lang pháp lý đầy đủ, đảm bảo an toàn dữ liệu và tính chính xác trong ứng dụng. Bộ Y tế xác định, trong thời gian tới, sẽ tập trung vào hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ứng dụng AI trong y tế, đảm bảo việc kiểm định, đánh giá chất lượng AI trước khi đưa vào ứng dụng lâm sàng, đồng thời tăng cường đào tạo nguồn nhân lực y tế có khả năng sử dụng AI một cách hiệu quả.
Như vậy, việc ứng dụng AI trong y tế là một xu hướng tất yếu, nhưng cần có bước đi thận trọng, đảm bảo tính an toàn, hiệu quả và phù hợp với thực tiễn của hệ thống y tế Việt Nam.
Việc triển khai AI trong y tế hiện đang gặp những khó khăn, thách thức gì, thưa thứ trưởng?
- Việc triển khai AI trong y tế ở Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Trước hết là hạn chế về dữ liệu. Tiếp đó là vấn đề thiếu nhân lực chất lượng cao. Tôi cho rằng, đội ngũ chuyên gia về AI và y tế còn thiếu, đặc biệt là những người có khả năng kết hợp kiến thức chuyên môn của cả hai lĩnh vực. Vấn đề cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, khi nhiều cơ sở y tế – đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa – còn thiếu trang thiết bị và hạ tầng công nghệ thông tin cần thiết để triển khai AI.
Chúng tôi cũng đặt ra vấn đề pháp lý và đạo đức khi mà khung pháp lý cho việc ứng dụng AI trong y tế còn chưa hoàn thiện, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến bảo mật dữ liệu, trách nhiệm pháp lý và đạo đức.
Chi phí đầu tư cao cũng là một thách thức lớn. Việc nghiên cứu, phát triển và triển khai các giải pháp AI trong y tế đòi hỏi nguồn đầu tư lớn, gây khó khăn cho nhiều cơ sở y tế.
Làm thế nào để đảm bảo tính chính xác, an toàn và đạo đức khi sử dụng AI trong y tế, đặc biệt là trong việc chẩn đoán và ra quyết định điều trị?
- Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức: Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong y tế mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng đặt ra những yêu cầu cao về tính chính xác, an toàn và đạo đức trong quá trình triển khai. Bộ Y tế nhận thức rõ AI không thay thế bác sĩ mà chỉ là công cụ hỗ trợ, do đó, để đảm bảo ứng dụng AI trong y tế được thực hiện đúng hướng, cần tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau:
Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý điều chỉnh việc ứng dụng AI trong y tế. Bộ Y tế sẽ xây dựng các quy định về kiểm định, cấp phép và giám sát chất lượng AI trong khám, chữa bệnh, đảm bảo chỉ những hệ thống AI đạt tiêu chuẩn mới được triển khai trong thực tế lâm sàng.
Thứ hai, tăng cường bảo vệ dữ liệu người bệnh. Việc ứng dụng AI trong y tế đòi hỏi xử lý lượng lớn dữ liệu cá nhân, do đó, Bộ Y tế sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để đảm bảo các hệ thống AI tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo mật thông tin, tránh nguy cơ lộ lọt dữ liệu cá nhân.
Thứ ba, xây dựng hướng dẫn đạo đức trong sử dụng AI. Các bệnh viện, cơ sở y tế cần tuân thủ nguyên tắc AI chỉ đóng vai trò hỗ trợ bác sĩ, không thể thay thế hoàn toàn quyết định lâm sàng. Mọi quyết định điều trị cuối cùng phải có sự giám sát và xác nhận của bác sĩ, đảm bảo trách nhiệm chuyên môn và quyền lợi của người bệnh.
Bộ Y tế sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá và điều chỉnh chính sách liên quan đến AI trong y tế, đảm bảo các giải pháp công nghệ mới được ứng dụng hiệu quả, an toàn, phù hợp với hệ thống y tế Việt Nam, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn đạo đức trong khám, chữa bệnh.
Có thể khẳng định, thời điểm hiện tại, AI mở ra tương lai sáng của y tế chất lượng cao tại Việt Nam nhưng sẽ không thay thế hoàn toàn vai trò của bác sĩ và chuyên gia y tế. AI sẽ trở thành một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ, giúp tăng cường khả năng chẩn đoán và điều trị, từ đó nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe của người dân.