Thứ tư, 15/01/2025 - 16:50

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Hải Dương cần tập trung thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp hiện đại

Ngày 16/3, tham gia Đoàn công tác của Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có những gợi mở để Hải Dương phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại.

Công nghiệp, thương mại phát triển với nhiều chỉ số ấn tượng

Báo cáo tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng cho biết, hiện quy mô nền kinh tế của tỉnh năm 2022 là 169.179 tỷ đồng (xếp thứ 11/63 toàn quốc). Những năm gần đây, cơ cấu kinh tế của tỉnh tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ (năm 2021: Nông, lâm nghiệp và thủy sản là 9,5%; công nghiệp, xây dựng là 62,5%, dịch vụ là 28,1% năm 2022 tương ứng là 8,7% - 62,4% - 28,9%). Trên địa bàn, Hải Dương có 11 khu công nghiệp đang vận hành, với tổng diện tích khoảng 1.470 ha, tỷ lệ lấp đầy trên 85%; có 06 khu công nghiệp" đang triển khai công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng với tổng diện tích 1.135 ha.

Tổng sản phẩm trên địa bàn Hải Dương (GRDP) tăng khoảng 9,14% (năm 2021 là 8,4%); trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,42%; công nghiệp - xây dựng tăng 12,04%; dịch vụ tăng 7,68%; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch sang công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt 87,3 nghìn tỷ đồng' (tăng 14,2%); giá trị hàng hoá xuất khẩu 11.450 triệu USD’4 (tăng 4,8%); hàng hoá nhập khẩu 8.419 triệu USD’ (tăng 9,4%). Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 52,1 nghìn tỷ đồng (tăng 5,7%).

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Hải Dương cần tập trung thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp hiện đại
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội nghị

Đánh giá về phát triển kinh tế, xã hội của Hải Dương trong thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, Hải Dương dù không có cảng biển, sân bay...song tỉnh đã nỗ lực và đạt được những kết quả rất ấn tượng về xúc tiến, thu hút đầu tư, thương mại. Đồng thời, đóng góp ý kiến cho việc phát triển của Hải Dương trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công Thương đồng tình với báo cáo của tỉnh Hải Dương và khẳng định: Hải Dương là địa phương giàu truyền thống văn hiến (xứ Đông); có vị trí địa kinh tế thuận lợi - nơi giao thoa giữa 3 Vùng (Vùng Thủ đô Hà Nội - Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Vùng đồng bằng sông Hồng); Hải Dương cũng nằm trong hành lang hạ tầng kỹ thuật quốc gia (như đường cao tốc, đường sắt, đường thủy tiếp cận cửa ngõ hướng biển), kết nối thuận tiện với các cảng hàng không và cảng biển quốc tế ở khu vực phía bắc.

Ngoài ra, Hải Dương là địa phương có tiềm năng về khoáng sản làm vật liệu xây dựng (như đá vôi, đất sét, cao lanh, quặng bô xít) và có quỹ đất khá lớn để phát triển công nghiệp. Những năm qua, tỉnh đã khai thác tương đối tốt tiềm năng, lợi thế này để thúc đẩy phát triển kinh tế tăng trưởng khá cao (8,4 - 9%), gấp 1,2 - 3 lần bình quân cả nước, quy mô nền kinh tế của tỉnh đứng thứ 11 cả nước; trong đó lĩnh vực công nghiệp và thương mại đạt kết quả tích cực, nổi bật là: Chỉ số sản xuất công nghiệp của Hải Dương đứng thứ 5 trong Vùng và thứ 15 cả nước.

Năm 2022 vừa qua tuy tăng trưởng thấp hơn năm 2021 do bị ảnh hưởng của dịch Covid kéo dài, nhưng 2 tháng đầu năm 2023, kinh tế của Hải Dương đã phục hồi mạnh mẽ, tăng 14,2% (cả nước giảm 6,3%), đứng đầu trong Vùng và thứ 4 cả nước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng nhanh, đóng vai trò động lực của tăng trưởng kinh tế địa phương.

Hoạt động xuất, nhập khẩu có chuyển biến tích cực, Hải Dương đã chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu từ năm 2010 với mức thặng dư thương mại năm sau cao hơn năm trước, năm 2022, Hải Dương nằm trong nhóm 7 địa phương có xuất siêu lớn nhất cả nước với trị giá gần 2,26 tỷ USD, đóng góp 1/5 thặng dư thương mại của cả nước (năm 2022, cả nước xuất siêu 11,2 tỷ USD); Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh hiện đứng thứ 4 trong Vùng và thứ 10 cả nước.

Thương mại, dịch vụ tăng trưởng khá và có sự phục hồi tích cực sau khi đại dịch Covid được kiểm soát. Tổng mức bán lẻ hàng hóa hiện đứng thứ 4 trong Vùng và thứ 23 cả nước. Đặc biệt Hải Dương làm tốt xúc tiến thương mại, đạc biệt là nông sản tiêu biểu như cà rốt, vải thiều...

Đẩy mạnh cơ cấu, thu hút các ngành công nghiệp mới, hiện đại

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng thẳng thẳn chỉ ra những tồn tại, hạn chế của Hải Dương trong thời gian qua. Trong đó, sản xuất công nghiệp tuy có bước phát triển khá tốt nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương và chủ yếu vẫn phát triển theo chiều rộng, gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp và phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp FDI. Chưa thu hút được các dự án sản xuất quy mô lớn, có tính động lực, sản xuất theo chuỗi giá trị để dẫn dắt các ngành liên quan khác phát triển. Cơ cấu và chủng loại các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh chưa có sự chuyển dịch tích cực, chủ yếu vẫn là hàng sơ chế, giá trị chưa cao; nguyên phụ liệu phục vụ cho các mặt hàng xuất khẩu phần lớn là nhập khẩu. Hệ thống hạ tầng thương mại (như chợ đầu mối, trung tâm logistics) còn nhiều bất cập, làm gia tăng chi phí, giảm năng lực cạnh tranh; liên kết trong sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế.

Để Hải Dương tiếp tục phát triển trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng Bộ hoàn toàn cơ bản nhất trí với các giải pháp của tỉnh đã đề ra. Trong lĩnh vực Công Thương, Bộ trưởng đề nghị Hải Dương quan tâm, chú trọng một số các vấn đề sau:

Thứ nhất, quan tâm chỉ đạo rà soát, xây dựng các chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển công nghiệp và thương mại trong giai đoạn tới để phù hợp với những định hướng của Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch Vùng, các quy hoạch ngành quốc gia (đối với ngành Công Thương là các quy hoạch về điện, năng lượng, khoáng sản, công nghiệp nền tảng và logistics) và quy hoạch của tỉnh (hiện đang hoàn thiện, trình thẩm định, phê duyệt), bảo đảm tính đồng bộ, phân bố không gian hợp lý và khai thác hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh của địa phương cho phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Hải Dương cần tập trung thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp hiện đại
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên gợi mở những giải pháp để Hải Dương phát triển những ngành công nghiệp cao, hiện đại, có tính chất "dẫn đường"

Thứ hai, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành công nghiệp và chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng hiện đại, nâng cao đóng góp của công nghiệp trong GRDP: Theo đó, Hải Dương hội tụ đủ các yếu tố để phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng, như: có quỹ đất công nghiệp lớn, nằm trên trục giao thông quan trọng quốc gia với hạ tầng giao thông được kết nối tương đối đồng bộ… Để khai thác, phát huy có hiệu quả những lợi thế nêu trên, tỉnh cần tập trung thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp hiện đại, sử dụng công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh (như công nghiệp chế tạo, chế biến, điện tử; sản xuất ô tô; công nghiệp số, phần mềm, trí tuệ nhân tạo và công nghiệp hỗ trợ) để phát triển nhanh thành các ngành mũi nhọn, có khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tạo nền tảng vững chắc và đóng vai trò chủ chốt, dẫn dắt phát triển kinh tế.

Đồng thời, Hải Dương là nơi giao thoa của 3 vùng kinh tế vì vậy, tỉnh cũng cần ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mới, công nghệ cao, có tính chất “dẫn đường” như (sản xuất chíp, bán dẫn, rô bốt, công nghiệp năng lượng tái tạo, vật liệu mới…); Chú trọng phát triển các lĩnh vực có tính kết nối trong chuỗi giá trị với các tỉnh, thành phố lân cận (nhất là các địa phương trong Vùng Thủ đô và Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ để phát huy lợi thế về địa kinh tế của Hải Dương).

Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần quan tâm phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm, đồ uống và dược phẩm gắn với vùng nguyên liệu nhằm hình thành chuỗi giá trị nông sản khép kín.

Thứ ba, tập trung huy động nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa để đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, thương mại trong tình hình mới. Bên cạnh đó, tỉnh cần có cơ chế tạo quỹ đất sạch, quy mô đủ lớn để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực về tài chính, công nghệ, có cơ chế, lộ trình nội địa hóa nguyên liệu, dây truyền sản xuất hiện đại. Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ các nhà đầu tư trong nước nhằm phát triển mạng lưới doanh nghiệp vệ tinh, góp phần nâng cao tính độc lập, tự chủ trong sản xuất công nghiệp địa phương.

Thứ tư, chú trọng phát triển thương mại gắn với đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và hoạt động du lịch. Đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng logistics, kho bãi tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, đặc biệt là quan tâm phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới; đẩy mạnh phân phối hàng hóa qua nền tảng số và các kênh thương mại điện tử. Chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm và khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà nước ta đã ký kết (nhất là các Hiệp định thế hệ mới, như EVFTA, CPTPP, RCEP…) để phát triển, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất khẩu.

Thứ năm, có lợi thế là tỉnh đông dân (Hải Dương là tỉnh đông dân thứ 3 trong Vùng và thứ 8 cả nước), Hải Dương cần chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực tại chỗ (đào tạo theo modul, gắn kết chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành theo nhu cầu và địa chỉ cụ thể) để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nhân lực, phục vụ phát triển kinh tế địa phương. Bộ Công Thương có một số cơ sở đào tạo chất lượng cao vì vậy đề nghị trong thời gian tới Bộ và Hải Dương cần có sự phối hợp, đào tạo theo địa chỉ nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực...

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiết giảm thực chất chi phí cho doanh nghiệp; tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, kinh tế số, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và lợi thế thu hút đầu tư.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Hải Dương cần tập trung thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp hiện đại
Toàn cảnh hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì

Đối với kiến nghị cho phép điều chỉnh chỉ tiêu đất Khu công nghiệp của tỉnh Hải Dương từ kỳ cuối (2026-2030) sang kỳ đầu (2021-2025) với diện tích khoảng 1.358 ha để Hải Dương kịp thời tổ chức triển khai thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, Bộ Công Thương nhận thấy: Đề xuất nêu trên của Hải Dương là hợp lý, phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XIII) về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việc cho phép Hải Dương điều chỉnh chỉ tiêu đất khu công nghiệp từ giai đoạn sau lên giai đoạn trước của thời kỳ quy hoạch đất sẽ tạo điều kiện giúp tỉnh có thêm quỹ đất để ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp trong giai đoạn tới.

Vì vậy, về nguyên tắc Bộ Công Thương ủng hộ đề nghị trên của Hải Dương. Tuy nhiên, để có cơ sở cho các Bộ, ngành thẩm định, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định, đề nghị Ttỉnh báo cáo, làm rõ hơn các căn cứ pháp lý của đề xuất trên; đồng thời, cung cấp, làm rõ các thông tin về dự án tiềm năng, các nhà đầu tư chiến lược dự kiến đầu tư… làm căn cứ tính tỷ lệ lấp đầy KCN theo hướng linh hoạt, bảo đảm quy định hiện hành của nhà nước.

Tin liên quan
Đang chờ cập nhật