Thanh Hóa: Vượt qua khó khăn nhờ chính sách bảo hiểm thất nghiệp
Trong lúc chờ đợi quay lại thị trường lao động, khoản tiền đến từ trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp đang là “cứu cánh” cho nhiều người lao động tại tỉnh Thanh Hóa, giúp họ vượt qua những khó khăn trước mắt.
“Cứu cánh” cho người lao động
Từ những tháng cuối năm 2022, để ứng phó với việc không có đơn hàng mới, nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm việc làm, sa thải bớt lao động. Có nhiều doanh nghiệp phải sa thải đến 90% lượng nhân lực.
Nhờ chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), nhiều người lao động thường trú tại Thanh Hóa đã có nguồn hỗ trợ giúp họ vượt qua được khó khăn để sớm quay lại thị trường lao động.
Trợ cấp thất nghiệp giúp người lao động vượt qua được khó khăn để sớm quay lại thị trường lao động |
Anh Trần Thanh Hải, xã Thọ Vực (huyện Triệu Sơn) chia sẻ: "Gần đây, nhiều bạn bè và người thân của tôi bị mất việc do các công ty ở TP Hồ Chí Minh cắt giảm lao động hoặc giảm giờ làm. Riêng bản thân tôi, đang làm việc ở Bình Dương thì chẳng may gặp tai nạn giao thông nên phải xin nghỉ việc. Số tiền được hưởng từ trợ cấp thất nghiệp đã giúp tôi phần nào xoay xở được những khó khăn trước mắt. Sau khi sức khỏe hồi phục, tôi sẽ làm việc trong tỉnh, không đi xa nữa”.
Trước đây, vì mưu sinh nên vợ chồng chị Quách Thị Tình ở huyện Ngọc Lặc dắt díu nhau vào tỉnh Bình Dương làm công nhân. Đợt dịch COVID-19 bùng phát, anh chị bị mất việc làm, phải trở về quê. Sau khi làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, anh chị nhanh chóng nhận được số tiền trợ cấp thất nghiệp hằng tháng. Tuy không nhiều nhưng khoản tiền trợ cấp thất nghiệp đã giúp vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Hai anh chị cũng quyết định tìm việc làm mới ngay tại quê nhà.
Do việc gia đình nên đầu năm 2022 chị Trịnh Thị Ngát ở huyện Yên Định phải nghỉ việc tại Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam, đóng trên địa bàn huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương. Chị Ngát chia sẻ: “Dọc đường đi xuống Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, tôi luôn hồi hộp, lo lắng, không biết thủ tục có rườm rà, phải đi lại nhiều lần không. Tuy nhiên, sau khi xếp hàng bấm số, được gọi vào tư vấn về thủ tục cũng như chính sách BHTN, suốt quá trình hoàn thiện hồ sơ, tôi được cán bộ trung tâm hướng dẫn rất nhiệt tình nên công việc trôi chảy”.
Theo số liệu từ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa, tính đến ngày 31/12/2022, toàn tỉnh đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 28.000 người (tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2021); thẩm định hồ sơ và ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 27.000 người (tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2021). Tiếp nhận 110.321 lượt khai báo thông tin tìm kiếm việc làm hàng tháng của người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Thủ tục nhanh chóng, kịp thời
Thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính, ngày 4-5-2022 Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có Công văn số 1399/LĐTBXH-VL về việc tiếp nhận và giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Theo đó, người lao động có thể làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp online một cách dễ dàng. Tuy nhiên, để sử dụng, người lao động cần có tài khoản đăng nhập Cổng dịch vụ công quốc gia.
Để tiếp cận, bắt nhịp với việc tiếp nhận hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp trên cổng dịch vụ công quốc gia, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa đã cử cán bộ, nhân viên tham gia tập huấn nghiệp vụ do Cục Việc làm tổ chức. Và trung tâm đã triển khai thực hiện tiếp nhận hồ sơ của người lao động trên cổng dịch vụ công quốc gia từ ngày 15/6/2022.
Theo đó, trong 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được dữ liệu tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động do Bảo hiểm xã hội tỉnh chuyển đến, cán bộ trung tâm dịch vụ việc làm sẽ khẩn trương rà soát, gửi hồ sơ người lao động đủ điều kiện hỗ trợ trình Sở Lao động – Thương binh và Xã hội theo đúng quy định. Với hồ sơ không đủ điều kiện trung tâm sẽ gửi thông báo từ chối hồ sơ kèm theo văn nêu rõ lý do trên cổng dịch vụ công quốc gia.
Người lao động có thể làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp online một cách dễ dàng |
Ông Hoàng Duy Xuyên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa cho biết, trước tác động của đại dịch COVID-19, người lao động từ các tỉnh, thành khác và người lao động địa phương bị mất việc làm khá lớn. Theo đó, người lao động đến trung tâm làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng mạnh.
Nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động cũng như thích ứng linh hoạt trong tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, trung tâm đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trực tiếp tại trung tâm hoặc qua đường bưu điện hoặc email. Đồng thời thực hiện tư vấn, hướng dẫn qua điện thoại, facebook, zalo...
Bên cạnh đó, trung tâm tăng cường làm việc với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để giải quyết hồ sơ bằng văn bản và làm việc với Bảo hiểm xã hội tỉnh qua email để đẩy nhanh tiến độ giải quyết công việc. Việc tiếp nhận và giải quyết hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp luôn được bảo đảm theo phương châm 3 đúng: đúng đối tượng, đúng chế độ và đúng thời gian.
Là đơn vị được giao nhiệm vụ giải quyết chính sách BHTN theo quy định của Luật Việc làm, thời gian qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách BHTN cho người lao động và các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn; đồng thời tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm chính sách BHTN theo chương trình của Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH.