Thứ sáu, 22/11/2024 - 18:55

Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ ra những vấn đề lớn của nền kinh tế Trung Quốc

Trong một bài viết đăng hôm nay (16/2) trên “Cầu thị” - tạp chí hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chỉ ra những vấn đề lớn mà nền kinh tế nước này phải đối mặt và tập trung giải quyết hiện nay.

 

Bài viết là một phần trong bài phát biểu quan trọng của ông Tập Cận Bình tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương thường niên tổ chức ngày 15/12/2022, có ý nghĩa định hướng quan trọng trong việc giải quyết các thách thức kinh tế mà nước này gặp phải trong năm 2023 và cả những năm tiếp theo.

Với tiêu đề “Một số vấn đề lớn trong công tác kinh tế hiện nay”, bài báo đã chỉ ra hàng loạt nhiệm vụ trong công tác kinh tế mà Trung Quốc phải thực hiện trong năm 2023, tập trung vào 5 lĩnh vực chính, gồm mở rộng nhu cầu trong nước; đẩy nhanh xây dựng hệ thống công nghiệp hiện đại; củng cố, phát triển khu vực công và khuyến khích, hỗ trợ khu vực ngoài công lập; thúc hút mạnh và tận dụng tốt hơn đầu tư nước ngoài; ngăn ngừa và hóa giải hiệu quả các rủi ro kinh tế, tài chính lớn.

chu tich tap can binh chi ra nhung van de lon cua nen kinh te trung quoc hinh anh 1

Người dân Trung Quốc mua sắm tại một trung tâm thương mại ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, miền Đông Bắc nước này hồi tháng 1/2023. Ảnh: Tân Hoa xã

Bài viết nêu rõ: “Tổng cầu yếu là mâu thuẫn nổi cộm trong sự vận hành nền kinh tế hiện nay” của Trung Quốc. Do vậy, bài viết yêu cầu “phải thực hiện mạnh mẽ chiến lược mở rộng nhu cầu trong nước, thực thi các biện pháp mạnh mẽ hơn khiến tái sản xuất xã hội diễn ra trong một vòng tuần hoàn tích cực”.

 

Bên cạnh việc đặt phục hồi và mở rộng tiêu dùng trong nước ở vị trí ưu tiên, bài viết cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của thúc đẩy hiệu quả đầu tư toàn xã hội thông qua đầu tư và chính sách khuyến khích của chính phủ; phát huy vai trò của xuất khẩu trong nền kinh tế, đẩy mạnh xây dựng Trung Quốc trở thành cường quốc thương mại. Trong đó, cần ổn định xuất khẩu sang các nước phát triển và mở rộng xuất khẩu sang các nền kinh tế mới nổi, tích cực mở rộng nhập khẩu công nghệ tiên tiến, thiết bị quan trọng và tài nguyên năng lượng...

Đánh giá Trung Quốc có hệ thống công nghiệp hoàn chỉnh nhất và thị trường nội địa có tiềm năng nhất thế giới, bài viết cho rằng, nước này cần nâng cao khả năng chống chịu và an toàn của chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng, đảm bảo sự lưu thông thông suốt của nền kinh tế quốc dân và đẩy nhanh việc nâng cấp, phát triển hệ thống công nghiệp.

Bài viết cũng cho biết, Trung Quốc sẽ đi sâu cải cách tài sản và doanh nghiệp nhà nước nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cốt lõi của các doanh nghiệp này, trong khi tối ưu hóa môi trường phát triển để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển lớn mạnh.

Về thu hút và tận dụng đầu tư nước ngoài, bài viết cho rằng, Trung Quốc cần thúc đẩy mở cửa mức độ cao với bên ngoài, dựa vào lợi thế của thị trường quy mô siêu lớn, thu hút các yếu tố tài nguyên toàn cầu thông qua đại tuần hoàn trong nước, không chỉ giữ chân đầu tư nước ngoài có chất lượng, mà còn phải thu hút nhiều hơn nguồn vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao.

Bài viết cũng nêu rõ, Trung Quốc cần ngăn chặn và hóa giải có hiệu quả các rủi ro lớn về kinh tế, tài chính, cụ thể là ngăn ngừa rủi ro hệ thống do lĩnh vực bất động sản gây ra, ngăn ngừa và hóa giải rủi ro tài chính và rủi ro nợ công của các chính quyền địa phương.

Năm 2023 được đánh giá là năm Trung Quốc tập trung khắc phục các tác động của Covid-19 sau 3 năm kiểm soát dịch nghiêm ngặt và phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi cuối tháng 1, tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm từ mức 3,4% năm 2022 xuống 2,9% năm 2023, trong khi kinh tế Trung Quốc sẽ tăng 5,2% trong năm 2023, sau khi đại dịch đã làm giảm tốc độ tăng trưởng của nước này xuống 3% - lần đầu tiên ở dưới mức trung bình toàn cầu trong hơn 40 năm./.

Lượt xem: 34
Tác giả: Bích Thuận/VOV-Bắc Kinh
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật